Chỉ đạo “nóng” của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Việc mở thêm bãi tắm nhằm không để lãng phí những tài nguyên đặc biệt của vịnh Hạ Long, mà còn đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách trong bối cảnh du khách và các công ty lữ hành liên tục than phiền về việc Quảng Ninh thiếu sản phẩm mới trong khi tiềm năng thì vượt trôi.
Theo thống kê của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, nằm xen kẽ dưới chân các núi đá vôi giữa vịnh Hạ Long hiện có khoảng 200 các bãi cát lớn nhỏ tuyệt đẹp. Tuy nhiên, hiện mới có 2 bãi tắm được cấp phép hoạt động, nhưng chỉ có bãi tắm đảo Ti-tốp mở cửa, còn bãi tắm đảo Soi Sim không đón khách, khiến du khách dồn hết về đây hoặc chỉ ngồi trên tàu ngắm vịnh.
Đặc biệt, du khách ngủ đêm trên các tàu du lịch đi tuyến 4, mà phần lớn là khách quốc tế, hầu như không có cơ hội tắm biển khi tàu không đi qua đảo Ti-tốp; hoặc được ghé vào các bãi biển trên hành trình tàu đi qua nhưng không được tắm.
Chia sẻ với Lao Động, giám đốc một công ty du lịch cho biết, sẽ cắt tour nghỉ đêm trên vịnh vì đi 2-3 ngày trên vịnh Hạ Long, nhất là vào những ngày nóng nực, nhưng không được tắm khiến du khách rất bức xúc.
“Vịnh Hạ Long mênh mông là thế, sao cứ “nhốt” du khách trên tàu?” - vị này đặt câu hỏi.
Mở thêm bãi tắm đâu chỉ để tắm
Việc mở bãi tắm không đơn thuần chỉ là để tắm, mà còn tạo tiền đề để tổ chức khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, cao cấp trên vịnh Hạ Long thời gian tới.
Bởi, với điều kiện thời tiết ở miền Bắc, cùng lắm thì một năm du khách chỉ tắm được khoảng 3 tháng hè. Trong khi đó, các bãi tắm giữa vịnh Hạ Long có thể trở thành những điểm tổ chức cho nhiều sự kiện đặc biệt.
Theo đại diện các công ty du lịch và các hiệp hội ngành nghề du lịch, dịch vụ ở Quảng Ninh, ngoài ý kiến của du khách, các công ty du lịch trong và ngoài nước, thì tại các cuộc gặp gỡ - đối thoại với doanh nghiệp và các kỳ họp của HĐND các cấp từ nhiều năm qua, vấn đề mở thêm bãi tắm giữa vịnh Hạ Long cũng liên tục được đưa ra. Và, sau mỗi lần như thế, lại có những cuộc họp bàn về nội dung này và rồi lại đi vào ngõ cụt.
Đầu năm 2023, sau một thời gian xây dựng, Ban Quản lý vịnh Hạ Long hoàn thiện đề án khai thác, quản lý cụm 5 bãi tắm tại khu vực Trà Sản - Cống Đỏ, nằm trên tuyến du lịch số 4, có diện tích khoảng 250ha, sở hữu nhiều bãi cát tự nhiên đẹp, với nhiều rạn san hô và đa dạng loài sinh vật dưới nước. Tuy nhiên, khi trình UBND TP Hạ Long để xem xét thì đơn vị này trả lời phải đợi có quy hoạch mới về vịnh Hạ Long - Bái Tử Long bởi quy hoạch cũ đã hết hạn.
Thậm chí, ngay trong Ban Quản lý vịnh Hạ Long mà các văn bản, chủ trương về mở thêm các bãi tắm giữa vịnh Hạ Long còn không đồng nhất.
Theo đề án khai thác, quản lý cụm 5 bãi tắm tại khu vực Trà Sản - Cống Đỏ, mà Ban Quản lý vịnh Hạ Long trình đầu năm 2023 thì 4 trong số 5 bãi tắm được đề xuất mở có thể phục vụ các hoạt động của du khách trong suốt cả ngày.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2023, trong công văn do một lãnh đạo khác của Ban Quản lý vịnh Hạ Long ký, góp ý kiến cho dự thảo văn bản của UBND tỉnh Quảng Ninh, trong đó nghiên cứu mỗi tuyến du lịch trên vịnh Hạ Long có ít nhất 1 bãi tắm/điểm tắm/khu vực tắm phục vụ nhu cầu tắm biển của khách, thì đơn vị này lại đề nghị không tiếp tục phát triển các bãi tắm du lịch trên vịnh Hạ Long để bảo vệ tính toàn vẹn và bảo vệ các yếu tố gốc cấu thành giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Đặc biệt, theo lý giải của đơn vị này, hầu hết bãi cát trên vịnh Hạ Long bị chìm ngập.
Cộng đồng những người làm du lịch liên quan đến vịnh Hạ Long hy vọng, với chỉ đạo mới nhất của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, các sở, ngành, đơn vị liên quan sẽ quan tâm nhiều đến việc mở sản phẩm hơn là quản.