Trong mỗi chuyến vươn khơi dài ngày, ngư dân phải chuẩn bị rất nhiều thức ăn nước uống tiện lợi. Theo thói quen, sau khi sử dụng, một phần vỏ thức ăn, nước uống dạng bao bì, lon, chai nhựa, ông và các thuyền viên thường vứt xuống biển. Điều này gây ảnh hưởng môi trường và đa dạng sinh học biển, nhất là hệ san hô.
Từ tháng 4.2022, khi Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Minh phát động mô hình “Thu gom rác thải từ biển vào bờ và biến rác thành tiền”, kêu gọi các tàu đánh bắt xa bờ thu gom lon, vỏ chai, bao ni lon qua sử dụng và mang vào bờ được nhiều ngư dân ủng hộ.
Ông Đặng Bảy (chủ tàu cá ở thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) cho biết, trước đây, nhiều ngư dân có thói quen sau khi uống nước đóng chai sẽ vô tình vứt xuống biển làm ô nhiễm môi trường. Sau khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã kêu gọi bảo vệ môi trường, ông cùng các thuyền viên cũng bắt đầu thay đổi thói quen bảo vệ môi trường biển.
“Không vứt rác xuống biển, không những bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ được nguồn hải sản để chúng tôi đánh bắt. Ngoài ra, việc này rất ý nghĩa bởi nguồn lon, chai nhựa thu gom có thể bán, tạo quỹ hỗ trợ cho trẻ em khó khăn tại địa phương” – ông Bảy nói.
Bà Đặng Thị Mỹ Ly - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Minh cho biết, hiện nay 27 tàu chụp mực tham gia mô hình đều thực hiện thu gom rác thải hiệu quả. Qua 3 đợt thu gom, phân loại, hội đã bán rác thải với tổng số tiền hơn 5 triệu đồng.
Ngoài rác thải, hội còn vận động, thu gom lưới đã qua sử dụng, sau đó đan thành những chiếc túi và phát lại để các tàu đựng rác. Mô hình “Thu gom rác thải từ biển vào bờ và biến rác thành tiền” phát động đã làm thay đổi nhận thức, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong ngư dân.