Theo báo cáo mới nhất, tại huyện Minh Hóa, ngầm Hà Nông, Cu Pi, Tô Cô, xã Trọng Hóa đang dâng và chảy xiết đường vào 7 bản vùng trong bị chia cắt; ngầm Ka Ai (xã Dân Hóa) nước ngập khoảng 0,8 – 1,0m, người và phương tiện không lưu thông được; ngầm tràn Tân Lý (xã Minh Hóa) bị ngập không lưu thông được; cầu tràn bến Seeng (xã Tân Hóa) bị ngập, chia cắt thôn 4 và thôn 5 Yên Thọ.
Tại huyện Tuyên Hóa, cầu Sủng Mè (thôn Thuận Hoan) và cầu Đồng Khe (thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa) bị ngập từ 0,2 – 0,4m; cầu Tràn Khe Vàng xã Cao Quảng bị ngập 0,4 – 0,5m.
Tại huyện Bố Trạch, ngầm Cầu Bùng (xã Hưng Trạch) ngập 1,2m; ngầm tràn Bến Tróoc (xã Phúc Trạch) ngập 1,5m; ngầm tràn Đập Cây Trung, xã Phúc Trạch ngập 0,5m nước chảy xiết, không qua lại được; ngầm tràn Đồng Phường, thôn Phúc Khê, xã Phúc Trạch ngập 0,5m không qua lại được; ngầm tràn đường anh Trỗi, thôn Thanh Sen, xã Phúc Trạch ngập 1m cũng không qua lại được, đã cảnh báo và chốt chặn.
Một số tuyến Quốc lộ qua địa bàn cũng bị ngập cục bộ, cụ thể trên Quốc lộ 15 tắc đường tại Ngầm Bùng Km562+200, nước dâng ngập mặt ngầm từ 1,2 - 1,6m.
Quốc lộ 9B tắc đường tại các ngầm tràn ở vị trí Km41+900, Km43+700, mực nước ngập khoảng 30 - 40cm, đơn vị đang cho đóng barie và bố trí người trực phân luồng đảm bảo ATGT; tại Km52+300, Km57+920 sạt lở đất, đá xuống nền, mặt đường.
Quốc lộ 9C tại Km32+200, Km31+400 sạt lở đất, đá xuống nền, mặt đường…
Về kế hoạch sơ tán dân, dự kiến dựa vào tình hình thực tế tại địa phương để di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông, dự kiến di dời dân trong trường hợp trên báo động 3 toàn tỉnh có 18.967 hộ/65.893 người cần di dời.
Toàn tỉnh có 39 điểm nguy cơ sạt lở cao tại 7 huyện, thị xã, với tổng số 501 hộ/1.903 khẩu.
Hiện tại huyện Tuyên Hóa đã thực hiện di dời 3 hộ/11 khẩu tại điểm sạt lở núi thôn 4 xã Thanh Thạch; di dời 4 hộ/24 khẩu tại vùng có nguy cơ sạt lở núi thôn Thuận Tiến (xã Thuận Hóa).
Tại huyện Bố Trạch đã tổ chức di dời được 37 hộ/149 khẩu; huyện Minh Hóa đã di dời 37 hộ/167 khẩu xã Trọng Hóa có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Lực lượng chức năng đã triển khai lực lượng làm rào chắn, cắm biển báo nguy hiểm các địa điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở, hướng dẫn người dân không qua lại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết, không đánh bắt cá, vớt củi dọc khe suối.
Đồng thời sẵn sàng các địa điểm, đảm bảo cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm tránh trú đồng thời đảm các biện pháp an toàn phòng chống dịch COVID-19 để người dân từ các tỉnh phía Nam về quê lưu thông qua địa bàn tỉnh Quảng Bình tạm tránh trú trong thời gian mưa lũ gây chia cắt, gián đoạn giao thông.