“Hồi sinh” sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng
Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã xin ý kiến các nhà khoa học hoàn thiện Dự án Xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Theo đề án, nước từ sông Hồng sẽ được bổ cập vào hồ Tây sau đó điều tiết ra sông Tô Lịch để “hồi sinh” con sông này. Theo đó, nước từ sông Hồng được bơm vào hồ Tây, khi đạt mực nước cần thiết, thành phố sẽ cho mở các cửa xả ra sông Tô Lịch. Theo phương án này, mỗi ngày TP.Hà Nội dự kiến bơm hơn 134.000m3 nước vào hồ Tây (bơm 26 ngày/tháng).
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nhằm từng bước cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường các con sông, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, nhiều năm qua Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về quy hoạch, chủ trương, chính sách, kỹ thuật - hạ tầng và tập trung nguồn lực trong công tác xử lý ô nhiễm môi trường sông. Hà Nội đã chỉ đạo triển khai nhiều dự án thoát nước, cải thiện ô nhiễm môi trường sông, hồ như dự án nạo vét bùn, bổ cập nước vào các con sông.
Công tác duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường sông Tô Lịch được TP, Sở Xây dựng giao Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện bao gồm: Duy trì vệ sinh vớt rác trên mặt nước, mái kè ven sông; duy trì cỏ trên mái kè sông; quản lý kiểm tra chống lấn chiếm lòng sông; nạo vét bùn các đoạn sông để giảm bùn tích tụ trong môi trường nước… Đặc biệt, hiện tại TP cũng đã cho phép Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nghiên cứu phương án sử dụng nước sông Hồng (thông qua trạm bơm, bể lắng) bổ cập nước cho Hồ Tây và thau rửa sông Tô Lịch góp phần giảm ô nhiễm, đặc biệt là vào mùa khô.
Ông Võ Tiến Hùng - Chủ tịch Cty Thoát nước Hà Nội - cho biết, trong những năm gần đây mực nước Hồ Tây đang bị cạn kiệt dần (nhiều chỗ chỉ còn 0,5m nước). Điều đó dẫn đến tình trạng ô nhiễm Hồ Tây ngày càng nghiêm trọng hơn. Để cải thiện chất lượng nước hồ Tây, cùng với việc nạo vét bùn, theo ông Hùng, việc cung cấp nước bổ sung là hết sức cần thiết. Song song với nhiệm vụ trên, TP.Hà Nội cũng tính tới việc tạo dòng chảy để “hồi sinh” sông Tô Lịch.
Về biện pháp lấy nước sông Hồng, Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, các đơn vị chức năng sẽ xây dựng một trạm bơm đặt tại mép sông Hồng, cách cầu Nhật Tân khoảng 620m về phía hạ lưu, thuộc địa phận phường Nhật Tân. Trạm bơm gồm 4 tổ máy bơm chìm có các thông số ước tính là: Q=2300 m3/h, H=16,5m, N= 132KW), trong đó có 1 máy dự trữ chìm đặt trong ống đứng.
Phương pháp thi công sẽ là đóng cọc trước mà chưa cần đào móng, sau khi thi công xong bản sàn bên trên mới đào đất trong cừ và làm buồng hút. Tức là thi công theo kiểu từ trên xuống. Các máy bơm và động cơ luôn chìm trong nước để hút nước trong mọi trường hợp mực nước sông, phù hợp với tình hình hạ thấp mực nước sông Hồng hiện nay. Tuyến ống đẩy chung DN1200 dài khoảng 2010m, dẫn nước từ trạm bơm đến trạm xử lý nước ở khu vực hồ Thủy Sứ rồi cấp vào Hồ Tây.
Thời gian nào thích hợp để làm sạch sông Tô Lịch?
Về thời gian thực hiện việc xây dựng trạm bơm bổ cập nước Hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch, ông Phạm Văn Cường - Ủy viên BCH Hội Xây dựng TP.Hà Nội - cho biết, hiện nay vào mùa khô sông Tô Lịch chỉ có khoảng 20 - 30cm nước ở khu vực thượng lưu không có dòng chảy. Nhiều đoạn sông trơ đáy bùn và màu nước thải đen kịt, mùi hôi thối bốc lên gây ô nhiễm nặng nề cho sinh hoạt hai bên bờ sông. Ở hạ lưu phần tự chảy ra sông Nhuệ qua cửa đập Thanh Liệt phải đóng cửa lại để giảm ô nhiễm cho sông.
Do vậy, theo ông Cường thời gian bổ cập nước cho hồ và sông Tô Lịch chỉ cần thiết từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
Đánh giá về vấn đề này PSG-TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường - cho biết, toàn tuyến sông Tô Lịch có trên 200 cửa xả lớn, tiếp nhận trên 150.000m3 nước thải mỗi ngày (chưa kể lượng nước thải sông Lừ, sông Kim Ngưu và gần 500 điểm xả nhỏ đổ vào). Do vậy, sông Tô Lịch cần bổ cập nước về mùa khô.