Sau COVID-19, cha mẹ chủ quan không phòng dịch
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, việc thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm là môi trường thuận lợi để vi sinh vật phát triển. Trong đó có những virus gây bệnh Tay chân miệng, rối loạn tiêu hoá, hô hấp…
Khi cơ thể trẻ nhiễm virus sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các con vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, tạo thành bệnh lý nhiễm trùng sau đó. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là thời gian này, sau khi bị COVID-19 thì nhiều gia đình lơ là chuyện diệt khuẩn, rửa tay, vệ sinh cho trẻ. Đây cũng là yếu tố khiến số trẻ mắc bệnh tăng cao. Bởi, trong thời gian phòng bệnh COVID-19, một phần vì trẻ chưa đến trường, phần khác người dân chú trọng việc vệ sinh nên giảm hẳn nhiều bệnh về tiêu hoá, virus…
Bác sĩ Trương Thị Hoài - Khoa Nhi Bệnh viện 199 Đà Nẵng - chia sẻ: “Biện pháp phòng ngừa chính của những bệnh truyền nhiễm không khác gì với những biện pháp phòng ngừa COVID-19 như sát khuẩn tay thường xuyên, đeo khẩu trang, rửa tay dưới vòi nước sau khi đi vệ sinh, trước khi cho trẻ ăn. Bố mẹ cũng cần tăng sức đề kháng cho con, vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng cách cho con ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vi chất như kẽm, vitamin C theo hướng dẫn của bác sĩ tuỳ vào độ tuổi.
Khi trẻ bị bệnh thì cần cách ly bé với những trẻ khác trong gia đình. Vệ sinh các vật dụng, tay nắm cửa, khử khuẩn mọi thứ trong tầm với của bé, đồ chơi…”.
Không chủ quan điều trị tại nhà
Bên cạnh việc phòng ngừa bệnh thì việc điều trị đúng bệnh, kịp thời cũng rất quan trọng. Đặc biệt là với bệnh tay chân miệng.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo trong trường hợp trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm, các bậc phụ huynh cần đưa con đến khám ở các cơ sở y tế khi có những tình trạng như con sốt cao, ói mọi thứ không ăn được gì, bé lừ đừ, bỏ bú, ăn kém, uống kém, ngủ li bì, khó đánh thức, khó thở, ho nhiều, ho đờm, tím tái, co giật, phát ban dưới da…
“Hiện đang là mùa tay chân miệng, dù là bệnh thường gặp ở trẻ nhưng lại có biến chứng và biến chứng rất nặng khi ảnh hưởng lên thân não và tim nên phụ huynh phải chú ý. Nếu thấy bé giật mình chới với, hoảng sợ 2 lần trong 30 phút hay bé đi loạng choạng, dễ té ngã nên đi khám ngay. Với những bé sốt có phát ban thì nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị tốt nhất cho con.