Phác lên tính cách Sài Gòn

Lâm Tuyền (thực hiện) |

Ai nhỉ, ai có thể giúp mình phác lên tính cách người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh? Tôi nhắm mắt, cố tập trung suy nghĩ tới một vài người mà tôi biết là dân Sài Gòn chánh hiệu. Bèn nhờ cậy hai người trong số họ thôi. Là học giả An Chi và nhà văn Phạm Công Luận.

Xin phép cho tôi đặt một câu rất hách dịch theo cái lối “Này, ông có biết tôi là ai không, hả?”: Một người sinh ra trong ngôi nhà trên đường Hai Bà Trưng cách bờ Hồ chừng 500m, sống ở Sài Gòn gần được 40 năm - nghĩa là gấp ba thời gian sinh, lớn lên ở Hà Nội, như tôi, liệu đã đủ tiêu chuẩn được gọi là Người Sài Gòn?

- An Chi: Vấn đề  bạn nêu ở đây thực ra không đơn giản chút nào. Tôi quan niệm “Người Sài Gòn” chính gốc phải là dân “bổn thổ” của Sài Gòn trước 1954, là giai đoạn thực sự không có sự xáo trộn đáng kể nào trong cư dân “tại chỗ”. Sau 1945, đã bắt đầu có xáo trộn: Do tình hình chiến tranh (tôi muốn nói đến cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược) nên có một số người đến/lên/vào Sài Gòn sinh sống cho an toàn. Nhưng sự xáo trộn này không đáng kể.

Đáng kể là cuộc di cư ồ ạt của người Miền Bắc (vào Nam) sau hiệp định Genève 1954, rồi một lần nữa, tuy tính chất có khác, là sau 30.4.1975, trong đó đã có nhiều người định cư tại Sài Gòn, nay là trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy, theo tôi, thì “Người Sài Gòn sau 1954” khác “Người Sài Gòn trước 1954” và khi nói đến khái niệm “Người Sài Gòn” thì tôi nghĩ đến “Người Sài Gòn trước 1954”.

Bạn đã vào Thành phố Hồ Chí Minh từ thời tuổi teen và sống tại đây được 40 năm liên tục cho đến nay. Vậy theo tôi, không có lý gì bạn lại không phải là “Người Thành phố Hồ Chí Minh”.

- Phạm Công Luận: Thực ra, trong nhiều trường hợp tôi không biết chúng ta định danh “người Sài Gòn” là để làm gì? Nếu chúng ta định danh để nghiên cứu văn hoá xã hội vùng miền thì được, còn trong cuộc sống bình thường ai đi để ý làm gì chuyện đó? Khi nghiên cứu, thì nghiên cứu trên tính chất cộng đồng, quần thể dân cư. Chứ với cá nhân thì định danh như vậy để làm gì? Tôi với bạn ngồi đây phân biệt trong hai chúng ta ai “Sài Gòn” hay “ai Sài Gòn hơn” để làm gì?

Với người ở nơi xa đến thì có thể định danh gốc gác vùng miền để dễ tìm đồng hương, hay vì lòng hoài hương chẳng hạn. Chứ còn nếu định danh để phân biệt, xếp loại thì theo tôi người Sài Gòn không làm điều đó. Tôi cho rằng, ai tự thấy mình là người Sài Gòn, thì họ là người Sài Gòn, vậy thôi!  Có người Hà Nội vô Sài Gòn sống mấy chục năm vẫn nghĩ mình là người Hà Nội, có người mới sống một năm nhưng tự thấy mình rất Sài Gòn rồi. Nên dùng thời gian để xác định là… trật lất.

Tôi nói thật là tôi không thích và  có phần phản đối, thậm chí đôi khi… sợ hãi khi  nghe cách đánh giá tính cách con người theo địa phương vùng miền luôn theo cái lối  mặc định như sau: Người Hà Nội (nhất định phải) lịch lãm hào hoa tinh tế…; người Huế thanh lịch thâm trầm; người Sài Gòn hào sảng nghĩa khí nghĩa tình...

Dù tất nhiên, trên một phương diện nào, những tính từ  chỉ tính chất này cũng có phần chính xác...

Như vậy, suy cho cùng, tính cách Sài Gòn theo ông cụ thể nhất, chính xác nhất là gì?

- An Chi: Cả quê nội lẫn quê ngoại của tôi đều thuộc Bình Hoà xã, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay thuộc P. 11, Q. Bình Thạnh, TPHCM). Mẹ tôi sinh tôi tại một nhà bảo sanh trên đường Chasseloup-Laubat, Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM). Nhưng từ khi biết nhận thức về xã hội, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc tìm hiểu kỹ càng về đặc tính của người Sài Gòn nên tôi cũng thấy khó trả lời cho bạn “ tính cách Sài Gòn chính xác nhất là gì”.

Khi tôi lớn lên thì tôi đã rời gia đình để vượt tuyến ra Bắc (chính xác là ngày 1.5.1955). Mà trước 1954 thì tôi chưa thực sự đủ lớn để nhận thức về tính cách của người Sài Gòn. Đọng lại trong tôi một cách mơ hồ chỉ là hai câu thơ Lục Vân Tiên:

Nhớ câu kiến ngãi bất vi

Làm người như thế cũng phi anh hùng.

- Phạm Công Luận: Xác định cụ thể chính xác tính cách một con người như bạn hay tôi còn khó. Huống chi là một thành phố rộng lớn như Sài Gòn. Như bạn đã nói, bạn không thích và có phần phản đối việc đánh giá tính cách theo lối vùng miền một cách mặc định. Thực ra, tôi đồng tình với bạn, tôi cũng không thích điều đó.

Do đó, thay vì xác định một cách cụ thể, tôi cho rằng môi trường, địa thế, lịch sử có tác động đến việc hình thành những nét tính cách chung của một đô thị. Chẳng hạn, với Sài Gòn, theo tôi đó là kiểu tính cách của người sống ở đô thị với nhiều cuộc giao dịch, tiếp xúc đa dạng, trong không gian làm ăn rộng lớn và sôi nổi, trong nếp sống cởi mở của thành phố cảng và đa văn hóa từ khi hình thành, là thành phố có tuổi đời  không dài trên vùng đất mới, không bị vướng những quy tắc xưa cũ. Từ đó, mới có những nét tính cách như nhạy bén với cái mới, bao dung và thích giúp đỡ nhau, tôn trọng cuộc sống riêng của người khác, dễ chấp nhận những khác biệt,… Mặt khác, tất cả đều đúng, nhưng không đủ.

Theo quan sát của ông,  cái gì, ai, điều kiện... nào đã, có thể làm biến chất tính cách  người Sài Gòn. Trong tương lai, chẳng hạnh như AI (trí tuệ nhân tạo)?  Có cần quá lo vì AI làm biến chất Sài Gòn chăng nhỉ?

- An Chi: Theo tôi thì không ai có thể làm biến chất tính cách của người Sài Gòn cả, mà đó là những điều kiện chính trị, lịch sử, xã hội và văn hoá. Ôi, Người Sài Gòn nay còn đâu! Sài Gòn trước 1954 khác TPHCM bây giờ rất nhiều. Đây là chuyện hiển nhiên. Trước hiệp định Genève 1954, Sài Gòn trực tiếp chịu ảnh hưởng chính trị và văn hoá của Pháp, rồi sau đó là của Mỹ, chính thức là từ năm 1964.

Theo tôi, thì tính cách của “người Thành phố Hồ Chí Minh” có lẽ đang định hình, nổi bật bề ngoài là một lối sống ồn ào, gấp gáp theo mô hình của xã hội tiêu dùng (Consumerism) chưa được phép bung hết cỡ. Cũng là may mắn chăng?

Về AI (Artificial Intelligence) thì tôi thực sự dốt nên xin nói đại rằng dù có là AI hay XI, YI hay ZI thì cũng do con người sinh ra mà thôi. Con người – trừ những ai không quan tâm đến nhân tình thế thái – thì biết President Bush là Tổng thống Bush chứ máy dịch thì sẽ cho ta biết đó là “Tổng thống bụi rậm”.

- Phạm Công Luận: Nếu bạn dùng từ “biến chất” theo nghĩa là “không còn giữ được phẩm chất tốt” thì tôi nghĩ cần cẩn trọng, tương tự như đánh giá tính cách vùng miền thôi.

Tôi muốn dùng từ “thay đổi” hơn. Thay đổi. Điều gì làm chúng ta thay đổi? Và chúng ta thay đổi theo chiều hướng nào?

Dù là thay đổi theo chiều hướng xấu đi cũng rất khó để xác định sự thay đổi đó là do… một nguyên nhân hay đối tượng trực tiếp và duy nhất. Con người từ lúc nhỏ đến khi lớn, già đã bị tác động từng ngày bởi giáo dục, văn hoá, và xã hội xung quanh. Nếu không muốn thay đổi theo chiều hướng xấu hơn, thì phải chú ý đến mọi khía cạnh và từng việc một. Vậy thôi.

 
Theo ông An Chi, có nên, hay cần phải làm gì để định lượng có bao nhiêu phần trăm  người Sài Gòn gốc hiện sinh sống tại TP HCM. Việc định lượng, tính toán chính xác con số này cũng là nhằm góp thêm vào việc xác định cho chính xác hơn câu hỏi: Thế nào là một người Sài Gòn?

- An Chi: Việc này thì phức tạp nhưng tôi nghĩ là vẫn có thể làm được. Chỉ không biết có ai chịu tốn công sức và thì giờ để làm mà thôi. Nếu kết hợp với điều tra dân số thì chắc là làm được chứ.


 
 

Theo anh Luận, những tập tản văn, tạp văn của rất nhiều người trẻ  dạt dào viết về Sài Gòn, TPHCM thế nào?

- Phạm Công Luận: Tốt quá! Chứng tỏ họ rất quan tâm tới  nơi mình đang sống và biết cách bộc lộ  chân thành cảm xúc của mình.

Lâm Tuyền (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Đẹp nao lòng khu cư xá trầm mặc giữa lòng Sài Gòn tấp nập

Phan Anh - Anh Tú |

Sau hơn 70 năm đưa vào sử dụng, khu cư xá đường sắt nằm tại 258 Lê Hồng Phong đã xuống cấp. Tuy nhiên với kiến trúc được giữ khá nguyên bản, khu cư xá này gây ấn tượng mạnh đối với những người lưu thông qua đây.

Những công trình cổ kính có kiến trúc “siêu độc” giữa Sài Gòn

TRẦN KHANH |

Sài Gòn có rất nhiều công trình cổ kính mang đậm nét hoa lệ nước Pháp. Những công trình này không chỉ lưu giữ lại giá trị nghệ thuật độc đáo, mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách.

Những chuyện bi hài khi sống trong căn nhà “siêu nhỏ” giữa Sài Gòn

Trần Khanh |

Mặc dù ngôi nhà chỉ vỏn vẹn hơn 2m2, nhưng chính là nơi sinh sống của bốn thế hệ trong một gia đình suốt mấy chục năm qua.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Đẹp nao lòng khu cư xá trầm mặc giữa lòng Sài Gòn tấp nập

Phan Anh - Anh Tú |

Sau hơn 70 năm đưa vào sử dụng, khu cư xá đường sắt nằm tại 258 Lê Hồng Phong đã xuống cấp. Tuy nhiên với kiến trúc được giữ khá nguyên bản, khu cư xá này gây ấn tượng mạnh đối với những người lưu thông qua đây.

Những công trình cổ kính có kiến trúc “siêu độc” giữa Sài Gòn

TRẦN KHANH |

Sài Gòn có rất nhiều công trình cổ kính mang đậm nét hoa lệ nước Pháp. Những công trình này không chỉ lưu giữ lại giá trị nghệ thuật độc đáo, mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách.

Những chuyện bi hài khi sống trong căn nhà “siêu nhỏ” giữa Sài Gòn

Trần Khanh |

Mặc dù ngôi nhà chỉ vỏn vẹn hơn 2m2, nhưng chính là nơi sinh sống của bốn thế hệ trong một gia đình suốt mấy chục năm qua.