Ơi biển Việt Nam

Nguyễn Thuỵ Kha |

Tôi chọn đầu đề “Ơi biển Việt Nam” tựa như một câu buột thốt của một người yêu nước mình, ngưỡng mộ vẻ đẹp của biển Việt Nam, nhưng thực ra đó là một câu hát trong bài hát “Biển hát chiều nay” của nhạc sĩ Hồng Đăng. Đây, theo tôi, là một trong những bài hát hay nhất về biển Việt Nam được nhạc sĩ viết ngay sau ngày thống nhất.

Hay hơn nữa, bài hát có một câu  mang tầm nhân loại ở lòng khoan dung, ở sự độ lượng: “Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/ Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”. Riêng câu “Ơi biển Việt Nam” đã trở thành tên gọi cho một cuộc sáng tác thơ nhạc về biển đảo của báo điện tử Vietnamnet năm 2012. Nhạc sĩ Hồng Đăng đã tạ mùa đi vào cuối Xuân 2022, nhưng “Biển hát chiều nay” của ông thì mãi mãi bất tử. Bất tử và thiêng liêng như biển Việt Nam.

*

Đảo Việt Nam như những pháo đài đứng canh cho đất mẹ. Đó là kết quả của một cuộc tạo sơn ngoạn mục và được nghệ thuật hoá qua tài năng của nhạc sĩ Lê Thương ở “Hòn vọng phu II”. Ở đấy, ông đã lý giải sự hình thành nên Trường Sơn và các đảo Việt Nam là do núi non thương nàng Vọng Phu kéo nhau đi thăm nàng để rồi thành Trường Sơn vạn lý xuyên nước Việt Nam, rồi nhiều đồi rủ nhau ra Biển Đông hoá thành đảo ra xa đến khơi ngàn để ngóng chàng Chinh Phu đi chinh chiến đã trở về hay chưa. Sáng tạo này của Lê Thương đã khiến NSND Đào Trọng Khánh ê a giai điệu vừa nắc nỏm khen ngợi mãi. Có lẽ, đó cũng là sáng tạo âm nhạc đầu tiên của Tân nhạc Việt Nam về biển đảo chứa đựng nhiều ý vị từ khi nhạc sĩ thai nghén.

Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Văn Cao cùng với việc khai sinh “Không quân Việt Nam” là khai sinh “Bài ca chiến sĩ Hải quân” mặc dù thời điểm đó, Giải phóng quân mới có các đơn vị bộ binh. Trong nhạc phẩm có những câu ngợi ca biển Việt Nam thật da diết: “Xa khơi sóng vang dạt dào/ Mênh mông sóng va thân tàu…”. Nhạc phẩm là niềm mơ ước mở ra biển lớn của dân tộc ta, mơ ước mà từ ngay ngày xuất ngoại tìm đường cứu nước tại bến Nhà Rồng năm 1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành mà 34 năm sau trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mơ tới.

Những nhạc phẩm về biển đảo mới bắt đầu một dòng chảy hoà trong dòng chảy chung của Tân nhạc Việt Nam. Có lẽ, một nhạc phẩm tầm vóc nhất lại chính là nhạc phẩm khởi sự cho dòng chảy này, chính là hợp xướng “Sóng Cửa Tùng” của nhạc sĩ Doãn Nho. Ngay sau đó là ca khúc “Tiếng hát trên tiền tiêu Tổ quốc” của Thái Quý. Một nhạc phẩm về biển đảo nổi bật thời kỳ ấy. Nó đã được vang lên trong cả những đám cưới.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong một kỳ nghỉ hè trở về nước trong khi đang tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky (Nga) đã dạt dào lên một điệu Valse bất tử ngợi ca biển Việt Nam trong “Việt Nam quê hương tôi”: “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi/ Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời/ Nghe sóng vỗ dạt dào biển cả/ Vút phi lao gió thổi bên bờ…”.

Ngày ấy, đất nước đang bị chia cắt, nhiều tâm tư đã thốt lên âm nhạc gửi gắm nhân gian trong thời kỳ này, nhưng dùng hình tượng biển để chất ngất nhớ thương thì người ta không thể không trùng lòng khi nghe ca sĩ Tân Nhàn da diết giai điệu “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ: “Biển nói lên giùm bao ngày thương nhớ, biển ơi/ Nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay…”. Biển và ngưởi lính hải quân đẹp đến nỗi danh ca Tường Vi cũng phải thốt lên giai điệu ngợi ca “Quê hương anh là biển cả”: “Như con chim hải âu bay trên sóng nước/ Đêm nay anh lướt đi trên sóng xô mạn tàu…”.

Sau sự kiện ngày 5.8.1964, Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, lời thề bám đất, bám biển của dân là thật thiêng liêng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã “âm nhạc hoá” lời thề ấy thật rắn rỏi nhưng đầy thương mến: “Gió lên đi cho thuyền ta ra khơi/ Thênh thang trên biển rộng, lòng ta như biển trời… Khi trong đêm tối tăm, quân cướp biển còn rình nơi đây/ Mối thù máu xương ta bắt chúng phải trả ngay…”.

Sau “Bám biển quê hương” của Phạm Tuyên, lại vang lên “Trên biển quê hương” của Đức Minh: “Đoàn thuyền ra khơi, biển xanh dâng sóng như đón người/ Mang súng liền vai, hát vang câu hò tung lưới/ Ơi gió lên đi, cho buồm chào nắng sớm mai…”.

Bước sang năm 1965, chiến tranh leo thang dồn dập hơn. Các đảo ta như những pháo đài đã bắn chặn máy bay Mỹ ngay từ ngoài khơi. Hàng loạt các bài hát ca ngợi những đảo quật cường. Đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng có hàng loạt những ca khúc như “Bài ca đảo Bạch Long Vĩ” của Vũ Ngọc Quang (phỏng thơ Mai Nam), “Bạch Long Vĩ đảo quê hương”, “Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi” của Huy Du, “Khúc hát đảo quê hương” của Phạm Đình Sáu...

Đảo Cồn Cỏ của khu vực Vĩnh Linh thì có “Gửi Cồn Cỏ anh hùng” của Trọng Loan, “Bài ca đất liền” của Lương Ngọc Trác (lời Phan Ngạn), “Con cua đá” của Ngọc Cừ - Phan Ngạn, “Thái Văn A đứng đó” của Văn An...

Cùng thời điểm ấy, “Đường mòn Hồ Chí Minh” trên biển bí mật nên không ai biết, không tuyên truyền. Nhưng tự nhiên những bài hát về biển miền Nam do các nhạc sĩ miền Nam tập kết như “Gửi Cà Mau” của Lâm Quang Măng (sau này là nhạc sĩ Thanh Trúc), “Gửi Bến Tre” của Lư Nhất Vũ lại trở thành niềm thúc giục những thuỷ thủ tàu không số qua làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam qua giọng hát Quốc Hương. Cà Mau và Bến Tre là bến đáp thường xyên của đoàn tàu này.

Những năm chống Mỹ tiếp theo, biển miền Bắc lại hát vang “Nữ dân quân miền biển” của Văn Lưu: “Chúng ta đây là nữ dân chài/ Tuổi chúng ta nay tròn đôi mươi/ Súng bên vai ta là nữ dân quân/ Giữa biển xanh buông con thuyền vượt sóng… Cuồn cuộn đại dương sóng đang gầm/ Chị em ta vẫn hát khúc hò khoan”.

Còn ở miền Nam, trong cuộc tổng tấn công nổi dậy 1968 Mậu Thân, có bài ca “Gửi Đà Nẵng thân yêu trong những ngày bão táp” của Cầm Phong: “Ơi cửa biển nhớ thương ơi/ Trong trái tim ta đêm ngày sóng vỗ/ Lửa chiến thắng, cả Đà Nẵng sôi lên giữa những ngày bão táp…”. Rồi người ta hát “Biển gọi” của Nguyễn Kim ở biển Hải Phòng những ngày thủy lôi phong toả, hát về biển Quảng Ngãi qua “Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường” của Trương Quang Lục.

Sau hiệp định Paris, người ta bắt đầu hát ngợi ca những khúc thanh bình của biển miền Bắc qua “Tình em biển cả” của Nguyễn Đức Toàn: “Biển sóng mênh mông màu xanh yêu thương/ Đất nước quê ta lồng lộng gió muôn phương/ Những câu hát về hòn đảo xa hùng vĩ/ Những năm tháng là bản hùng ca biển khơi dũng sĩ/ Như ngọn hải đăng sáng chói chiến công…”.

**

Sau ngày Thống nhất, lại vang lên những bài ca về biển đi vào lòng người như “Nha Trang mùa thu lại về” của Văn Ký, “Chiều trên bến Cảng” của Nguyễn Đức Toàn…, nhất là khi xảy ra chiến tranh biên giới. Chủ quyền biển đảo đã thiêng liêng, giờ càng thiêng liêng hơn bao giờ hết. Và những bài ca mới lại vang lên như “Thơ tình lính biển” của Hoàng Hiệp (thơ Trần Đăng Khoa), “Nơi đảo xa” của Thế Long, “Tình biển” của Trần Quang Huy, “Nếu em tới thăm đảo” của Trọng Loan, “Chim yến bay” của Nguyên Nhung (thơ Lê Thị Mây)…

Cùng với thơ, những bài hát về biển đảo chưa bao giờ vơi cạn. Người mến mộ lại hát “Chuyện tình của biển” của Thanh Tùng, “Tiếng sóng biển” của Dương Thụ, “Biển khát” của Trương Ngọc Ninh, “Bên em là biển rộng” của Bảo Chấn, “Biển sóng” của Trịnh Công Sơn, “Tôi về đây nghe sóng” của Nguyễn Cường, “Biển cạn” của Kim Tuấn, “Nha Trang thu” của Phó Đức Phương…

***

Bước sang thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, những bài hát về biển đảo vẫn dạt dào như biển. Nhất là khi xảy ra những tranh chấp chủ quyền biển đảo thời kỳ bước sang thập kỷ thứ hai thế kỷ mới ứng với câu sấm Trạng Trình... Người ta hát đồng ca “Nơi đảo xa” của Thế Long. Người ta hát “Tổ quốc nhìn từ biển” của Quỳnh Hợp (thơ Ngyễn Việt Chiến), hát như rút gan ruột “Tổ quốc gọi tên mình” của Đinh Trung Cẩn (phỏng thơ Nguyễn Phan Quế Mai). Cả dân tộc lại bừng bừng ngọn lửa yêu nước, vang vang trong giai điệu.

Riêng người viết bài này, cuốn vào trong khí thế của dân tộc đã phổ bài thơ “Hoàng Sa” của Nguyễn Hoa thành ca khúc. Đài tiếng nói Việt Nam đã lan truyền ca khúc này trên làng sóng điện qua giọng hát của ca sĩ Đăng Dương. Cũng đã nhận giải đặc biệt của cuộc thi nói trên bằng hợp xướng “Kỷ niệm Trường Sa” (thơ Dương Tự Trọng)...

Người Việt Nam giờ đây luôn hạnh phúc khi được sống dào dạt bên một Biển Đông có thực với biết bao đảo nhỏ thương mến. Họ còn được sống dào dạt hơn bên một đại dương âm thanh những nhạc phẩm viết về chính biển đảo có thực này bằng bao cảm xúc chân thành, chan chứa tình yêu. Đó là một diễm phúc mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có được. Một diễm phúc vô biên để hun đúc lòng yêu nước qua mọi thế hệ.

Nguyễn Thuỵ Kha
TIN LIÊN QUAN

“Việt Nam Tổ quốc nhìn từ biển” - Tiếng nói khẳng định và bảo vệ chủ quyền

Việt Văn |

Tháng 9.2022, Trung tâm Phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân thuộc Báo Nhân Dân sẽ phát sóng bộ phim tài liệu dài 40 tập mang tên “Việt Nam Tổ quốc nhìn từ biển”. Đây là bộ phim công phu từ kịch bản (chuẩn bị từ năm 2019-2020) đến quá trình thực hiện với mong muốn đóng góp một cách nhìn hệ thống, xuyên suốt trên cơ sở pháp lý từ trước tới nay để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Yêu biển đảo qua từng trang sách

Bích Hà |

Để giáo dục tình yêu biển đảo, ý thức bảo vệ đại dương nhân Ngày Đại dương Thế giới (8.6) và Tuần lễ bảo vệ Biển và Hải đảo Việt Nam, các nhà văn, họa sĩ đã thực hiện những tác phẩm nhằm khuyến khích trẻ em quan tâm hơn tới đại dương.

Hướng ra biển, bảo tồn và phát huy văn hoá biển

GS. TS. Nguyễn Chí Bền - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam |

Văn hoá biển, đảo là tổng thể những sáng tạo hữu hình và vô hình của con người vùng biển, đảo trong quá trình sống, khai phá, thích ứng với môi trường biển, đảo Việt Nam, giao lưu, tiếp biến với văn hóa biển, đảo của các quốc gia khác, được trao truyền từ thế hệ trước qua thế hệ sau, thể hiện bản sắc của con người ở không gian biển, đảo.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

“Việt Nam Tổ quốc nhìn từ biển” - Tiếng nói khẳng định và bảo vệ chủ quyền

Việt Văn |

Tháng 9.2022, Trung tâm Phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân thuộc Báo Nhân Dân sẽ phát sóng bộ phim tài liệu dài 40 tập mang tên “Việt Nam Tổ quốc nhìn từ biển”. Đây là bộ phim công phu từ kịch bản (chuẩn bị từ năm 2019-2020) đến quá trình thực hiện với mong muốn đóng góp một cách nhìn hệ thống, xuyên suốt trên cơ sở pháp lý từ trước tới nay để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Yêu biển đảo qua từng trang sách

Bích Hà |

Để giáo dục tình yêu biển đảo, ý thức bảo vệ đại dương nhân Ngày Đại dương Thế giới (8.6) và Tuần lễ bảo vệ Biển và Hải đảo Việt Nam, các nhà văn, họa sĩ đã thực hiện những tác phẩm nhằm khuyến khích trẻ em quan tâm hơn tới đại dương.

Hướng ra biển, bảo tồn và phát huy văn hoá biển

GS. TS. Nguyễn Chí Bền - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam |

Văn hoá biển, đảo là tổng thể những sáng tạo hữu hình và vô hình của con người vùng biển, đảo trong quá trình sống, khai phá, thích ứng với môi trường biển, đảo Việt Nam, giao lưu, tiếp biến với văn hóa biển, đảo của các quốc gia khác, được trao truyền từ thế hệ trước qua thế hệ sau, thể hiện bản sắc của con người ở không gian biển, đảo.