Ngày 23.11, ông Hồ Văn Pườm – Bí thư Đảng ủy xã A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cho biết, thời gian gần đây, nước sông Đakrông đoạn qua địa bàn xã thường xuất hiện tình trạng chuyển màu.
Việc nước sông chuyển màu không phải diễn ra ngày này sang ngày khác, mà thường xuất hiện vài ngày rồi hết.
Người dân ở xã A Bung và các xã sinh sống dọc tuyến đường 14 sử dụng nước sông để sinh hoạt, nên việc nước bị chuyển màu khiến người dân rất lo lắng.
“Lâu lâu người dân lại phản ánh, chúng tôi kiến nghị lên cấp trên nhưng không giải quyết được dứt điểm” – ông Hồ Văn Pườm, thông tin.
Nguyên nhân nước sông bị ô nhiễm do tình trạng khai thác vàng trái phép ở đầu nguồn khe Ly Leng (thuộc khu vực A Pey B của xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, từ năm 2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép đầu nguồn khe Ly Leng. Sau đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác vàng trái phép tại huyện A Lưới.
Đầu năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Trị và cho biết cơ quan chức năng tỉnh đã tổ chức 6 lượt truy quét với 48 cán bộ chiến sĩ tham gia bắt, xử lý 1 đối tượng và đuổi hàng chục lượt người dân vi phạm ra khỏi khu vực khai thác vàng trái phép. Hiện tượng khai thác vàng trái phép đã tạm lắng xuống.
Trước thông tin tái diễn tình trạng nước sông Đakrông bị ô nhiễm do khai thác vàng trái phép nói trên, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết sẽ đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng và UBND huyện A Lưới tăng cường thực hiện các giải pháp, ngằm ngăn chặn việc khai thác vàng gây ô nhiễm môi trường.
Liên quan đến hoạt động khai thác vàng trái phép đầu nguồn suối Ly Leng, tháng 6.2019, phóng viên Báo Lao Động đã thâm nhập vào địa điểm khai thác vàng, ghi nhận việc khoét núi, bạt đồi, ngăn hồ lấy nước ở khu vực A Pey B của xã Hồng Thủy để khai thác vàng.
Thời điểm đó, việc khai thác vàng trái phép, nhưng diễn ra rầm rộ, công khai. Sau khi báo phản ánh, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chỉ đạo, các đơn vị liên quan vào cuộc, thì các đối tượng khai thác vàng bị đẩy đuổi. Cơ quan chức năng huy động phương tiện, máy móc vào san ủi, phá hủy các hầm khai thác vàng… từ đó tình trạng ô nhiễm sông Đakrông thuyên giảm.
Sau thời điểm đó, thi thoảng sông Đakrông vẫn bị chuyển màu đỏ đục do hứng nước từ suối Ly Leng. Dịp gần đây, tình trạng này gia tăng, nên người dân sống dọc sông ở xã A Bung mới lên tiếng phản ứng.
Sở Tài nguyên môi trường (TNMT) tỉnh Quảng Trị đã từng lấy mẫu nước chuyển màu ở khe Ly Leng xét nghiệm, kết quả thông số tổng chất rắn lơ lửng vượt giới hạn về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt gấp 28 lần. Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên Huế lấy 2 mẫu nước ở khe Li Leng và sông Đakrông và 1 mẫu trầm tích tại khe Li Leng để phân tích. Kết quả, mẫu trầm tích có thông số Asen vượt 1,72 lần so với quy chuẩn; mẫu nước mặt khe Li Leng có tổng chất rắn lơ lửng vượt 46,25 lần, Mangan vượt 6,1 lần, sắt vượt 12,36 lần so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Trong lúc đó, người dân ở xã A Bung và các xã sống dọc sông Đakrông lại dùng nước sông để ăn uống, tắm rửa.