Chị Lê Thị Hiệp (ngụ ở ấp 2, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, trước kia gia đình nuôi cá. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại kinh tế không được cao. Do đó, gia đình đã quyết định chuyển khoảng 2ha sang trồng cây sầu riêng.
Theo chị Hiệp, lý do mà gia đình chọn cây sầu riêng để trồng vì nó mang lại lợi nhuận kinh tế rất cao, giúp cho nông dân thoát cảnh nghèo khó.
“Để chủ động thực hiện công tác phòng, chống hạn mặn, tôi đã trữ một hồ nước, vừa nuôi cá, vừa tích trữ nước ở hồ để phục vụ cho việc tưới tiêu cây trồng” - chị Hiệp chia sẻ.
Tương tự, ông Võ Văn Mỹ (ấp 6, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho hay, trước đây, diện tích đất của gia đình ông trồng lúa nhưng không có mang lại kinh tế cho gia đình. Được thông gia rủ trồng cây sầu riêng vì mang lại lợi nhuận cao nên ông đã chuyển diện tích 7.000m2 trồng lúa sang trồng sầu riêng.
“Trong diện tích 7.000m2 thì có khoảng 2.500m2 trồng sầu riêng được 4 năm, diện tích còn lại cũng đã trồng sầu riêng được 19 tháng” - ông Mỹ nói.
Theo Quyết định số 633 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được quy hoạch chỉ khoảng 12.000ha, với sản lượng khoảng 276.000 tấn. Trong khi đó, đến cuối năm 2022, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã vượt hơn 5.000ha so với quy hoạch đến năm 2030.
Ông Võ Văn Men - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tiền Giang - cho biết, hiện nay diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang khoảng 22.000ha, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy.
Theo ông Men, vào năm 2022, diện tích trồng sầu riêng đã vượt so với quy hoạch. Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cũng có đề nghị các địa phương rà soát lại diện tích trồng sầu riêng. Trên cơ sở đó, sẽ thực hiện điều chỉnh diện tích trồng sầu riêng cho phù hợp với thực tế.
“Vùng đất ở Tiền Giang thích hợp để trồng cây sầu riêng, tuy nhiên đến nay diện tích đã vượt xa so với quy hoạch. Mặc dù hiện nay cây sầu riêng đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, nhưng nếu phát triển mạnh quá, diện tích trồng sầu riêng cao thì cũng sẽ tác động đến vấn đề tiêu thụ” - ông Men cho hay.
Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tiền Giang cũng cho biết thêm, địa phương cũng đã có khuyến cáo, nhưng giá sầu riêng quá cao nên người dân thấy lợi nhuận họ vẫn trồng ồ ạt.