Nông dân nơi thượng nguồn sông Cửu Long: Mừng và lo với lũ muộn

LÊ PHƯƠNG THẢO |

Bão số 4 kết hợp với áp thấp nhiệt đới gây mưa tại chỗ đã mang đến đầu nguồn sông Mekong phía thượng Lào một lượng nước mưa khổng lồ, sau đó đổ về thượng nguồn sông Cửu Long bổ sung nước cho mùa lũ muộn. Như dự báo của các chuyên gia, mưa tiếp tục kéo dài đến trung tuần tháng 9 và mực nước nơi đây sẽ dâng cao xấp xỉ báo động 2. Do đó đã bù đắp một lượng nước đáng kể cho mùa lũ muộn. Từ những ngày đầu nước thượng nguồn kéo về, nông dân ở đây đã phấn khởi lao ra đồng...

Săn cá trên đồng lũ muộn

Huyện biên giới An Phú (An Giang) có khoảng 9.000ha đất trồng lúa hằng năm khi lũ đầu nguồn đổ về diện tích trồng lúa 2 vụ này lại có thêm một mùa cá tương đối sung túc, mang đến cho cư dân tại đây một nguồn thu đáng kể. Cứ thế, đến hẹn lại lên, khi dòng nước đầu mùa đỏ ngầu về lại những cánh đồng cũng là lúc những người nông dân tất bật chuẩn bị dụng cụ và phương tiện lao ra đồng thả lưới. Chị Nguyễn Thị Hường ở xã Phú Hội có xuồng lớn nên vừa đi lưới cá vừa chạy thêm hàng ngoài chợ cá. Mỗi ngày chị bán được 60kg cá, trừ hết chi phí cũng lãi được trên 2 triệu đồng. Vậy mà năm nay, không riêng gì chị Hường, nhiều nguời dân nơi đây cứ thấp thỏm suốt từ tháng 6 mãi đến trung tuần tháng 7 trông chờ con nước “nhảy khỏi bờ” vẫn chưa thấy léo hánh đến, đồng lúa khô cạn còn nông dân An Phú cứ mỏi cổ  ngóng trông... Giữa tháng 8, theo cơn bão số 4, mưa đổ ập đến liên tục kéo dài, đẩy mực nước trên đồng dâng cao và tăng nhanh, bà con nơi đây thở phào nhẹ nhõm.

Được UBND xã Phú Hội giới thiệu, tôi tiếp cận với một người có thâm niên của xóm lưới cá Vĩnh Hội. Đó là chú Năm Gàng, nằn nì mãi cuối cùng cũng được chú Năm chấp nhận cho tôi đi theo lưới cá để được trải nghiệm săn cá trên cánh đồng lũ muộn. 3 giờ sáng tôi có mặt tại nhà chú Năm để chú chở trên chiếc vỏ lãi chạy thẳng vào cánh đồng mênh mông nước. Cánh đồng lúa thênh thang giờ trở thành ruộng nước. Ghe, xuồng tấp nập, cứ cách vài chục mét có một cụm lưới được giăng trên đồng, bên cạnh là những chiếc xuồng đang kéo cá lên đổ vào xuồng... Nhà ai có nhiều lưới và giăng ở xa thì từ 1 giờ sáng đã ra đồng. Khoảng 5 giờ sáng, việc thăm lưới và kéo cá kết thúc, tất cả tập trung về chợ cân cá cho thương lái. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, chú Năm chỉ vào một giỏ cá linh khoảng 30kg nói: “Cá đầu mùa về nhiều cỡ, từ lớn tới nhỏ không đồng đều như thế này cá linh năm nay trúng hơn năm rồi...”.

Lạ ở chỗ cứ khi lũ về cá lại sinh sản trên những cánh đồng này, rồi theo con nước phù sa mà lớn lên. Bởi thế mà khi lũ về, người dân chủ yếu giăng lưới bắt cá trên đồng sẽ được nhiều hơn là đánh cá trên sông. Những cánh đồng mùa nước nổi nhộn nhịp hẳn lên khi lũ về. Gia đình nông dân ở đây, mỗi người một việc. Các cô các chị thì vá lưới còn các chú các anh thì sửa máy đem lưới ra đồng giăng. Đến hôm sau, cả nhà cùng nhau đi kéo lưới đổ cá lên xuồng. Gia đình nào vốn nhiều thì đầu tư dụng cụ nhiều đánh bắt cá bán lại cho thương lái kiếm tiền; hộ nào không vốn thì đặt lọp, chài lưới hay cắm câu cũng đủ cá cho cả nhà ăn trong ngày.

Chợ cá đồng lại nhộn nhịp

Dọc theo những cánh đồng giáp với nước bạn Campuchia trên địa bàn một số xã Nhơn Hội, Phú Hội, Khánh An, Vĩnh Hội Đông... đã hình thành chợ cá đồng mỗi dịp lũ về. Đặc biệt là chợ cá đồng ngay ngã ba Kinh Ruột (Phú Thuận, xã Phú Hội) là một trong những chợ cá đồng mùa nước nổi nhộn nhịp nhất, bởi vị thế đầu nguồn, gần những đường sông lớn và giáp với những cánh đồng của nước bạn Campuchia. Đó là khoảng đất trống nối với mặt nước kênh và giáp với trục giao thông bộ. Đến mùa lũ, có đến 4 ghe đục (loại ghe dưới lường có đục thủng vài lỗ được chắn bằng lưới sắt để nước ngoài sông và trong ghe có thể chảy ra chảy vào tạo oxy cho cá thở trong quá trình vận chuyển) có trọng tải trên 15 tấn đến neo đậu đón những chiếc xuồng lưới nhỏ thu mua cá từ trong đồng sâu chuyển cá ra. Việc nhóm họp, mua bán hay giao dịch đều diễn ra trên mũi thuyền và mặt sông... hoạt động nơi đây mang hơi hướm của chợ nổi truyền thống.

Tuy chỉ xuất hiện trong 6 tháng lũ, mỗi ngày từ 3 giờ sáng xuồng ghe đã ra vào tấp nập đón  những chiếc xuồng cá đầu tiên. Cứ thế ghe xuồng lưới cá từ đồng sâu đến các ghe lớn giao cá ra vào nườm nượp, kéo dài đến 11 giờ trưa mới kết thúc. Công việc còn lại của các thương lái trên các ghe lớn là thu dọn, đóng cá vào thùng chuyển lên xe tải đưa về các chợ ở những vùng đô thị lân cận và TPHCM...

Thu hoạch cá linh. (Ảnh: P.T)
Thu hoạch cá linh. (Ảnh: P.T)

Cô Nguyễn Thị Hoa (ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông) là một chủ ghe hơn 10 năm chuyên đi cân cá linh mùa nước nổi tại chợ này cho biết, đã cùng em trai và đứa cháu đi cân cá sau đó chở cá đi giao lại cho các bạn hàng ở những chợ trên đất liền. Cô giao lại cá cho nhiều chợ từ Châu Đốc dài xuống Long Xuyên, giao tận những bạn hàng trên TPHCM. Cô Hoa cho biết, mỗi ngày ghe của cô ít thì vài trăm ký cá hôm nào con nước chạy thì vượt lên con số tấn.

Cá ở đây sẽ được lựa ra phân loại ngay tại ghe sau đó mới đem cân. Đối với đặc sản là cá linh, vì số lượng khá nhiều và dễ chết nên được cho vào lồng lược cá chia làm hai loại là cá đục và cá mồi (cá đục hay còn gọi là cá linh non còn sống). Giá cá đục hiện tại dao động từ 40 - 60 nghìn/kg, còn cá mồi giá khá rẻ khoảng 5 - 10 nghìn/kg được giao cho những bè nuôi cá làm thức ăn, cho gia súc ăn hoặc những người làm mồi câu cá. Còn những loại cá khác như cá chốt, cá lăng, cá kết, cá trạch được phân theo kích cỡ.

Băn khoăn mùa lũ muộn

“Nghề nào rồi cũng có những thăng trầm của nó...”, chú Năm Gàng cho biết, cứ tưởng năm nay sẽ không có lũ vì đã trễ gần 2 tháng mà lũ vẫn biệt tăm, chú và bà con vùng biên giới làm nghề cá, suốt 2 tháng qua như ngồi trên đống lửa bởi vốn liếng đã đổ vô máy móc dụng cụ hết rồi, vậy mà lũ không thấy về. Tiền vốn cũng từ vay ngân hàng, lũ không về không có cá để đánh bắt lấy gì trả nợ vay. May mà...

Năm 2018 lũ về sớm và lớn nhưng lượng thủy sản lại ít, còn năm nay lũ về trễ nhưng có cá nhiều hơn so với đầu mùa lũ năm rồi. Chú Năm tỏ vẻ lo ngại với tình hình hiện nay không biết rồi sẽ thế nào, hơn 20 làm nghề cá chưa năm nào thấy con nước về trễ như năm nay và liệu rồi những người dân như chú sẽ bám trụ với nghề được bao lâu? Có giống như những tốp thanh niên bỏ quê lên thành phố mưu sinh hay không? Con nước lớn - ròng đang trở thành nỗi ám ảnh trong lòng người nông dân ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long. Bởi sự tác động ấy, liên quan đến miếng cơm, manh áo cuộc sống của gia đình họ. Còn các chuyên gia, nhìn vấn đề rộng và xa hơn với những dự báo đáng lo ngại: Nước ở lưu vực Mekong ít thì nước ở ĐBSCL ít, kéo theo đỉnh lũ thấp vào khoảng giữa tháng 10 và xâm nhập mặn vào khoảng tháng 3.2020 sẽ rất gay gắt...

LÊ PHƯƠNG THẢO
TIN LIÊN QUAN

VPF lên tiếng về tranh cãi quảng bá tài trợ của Hoàng Anh Gia Lai

AN NGUYÊN |

Ông Nguyễn Minh Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có những chia sẻ xoay quanh tranh cãi về việc quảng bá cho tài nhà trợ của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai tại V.League 2023.

Ngư dân Quảng Nam đón giao thừa trên biển: Nhớ nhà, nhớ con lắm chứ

Nguyễn Linh |

Những ngày cận tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các ngư dân Quảng Nam hối hả chuyển lương thực, nước uống xuống tàu để chuẩn bị một chuyến vươn khơi xuyên Tết.

Kỳ vọng về những thay đổi trong chính sách bán lẻ xăng dầu

Anh Tuấn |

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dự báo 2023 sẽ là năm tiếp tục khó khăn với thị trường xăng dầu nên chúng ta cần có giải pháp ứng phó mang tính dài hạn và bền vững để tránh những cú sốc cho nền kinh tế. Trong đó, mấu chốt là cần phải thay đổi những chính sách bán lẻ xăng dầu.

Đề xuất sửa đổi một số thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip

Việt Dũng |

Trong dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất thay đổi một số thông tin trên mặt trước và mặt sau của thẻ căn cước.

Dàn sao Việt trải lòng trước thềm năm mới Quý Mão 2023

DI PY |

Chỉ còn một ngày nữa là bước sang năm Quý Mão 2023. Trong không khí rộn ràng của những ngày Tết đến Xuân về, dàn sao Việt đã tạm gác lại những công việc bận rộn để về với tổ ấm gia đình và có những trải lòng về một năm qua.

Loạt cửa hàng ăn uống tại TPHCM phục vụ xuyên Tết

NGỌC LÊ |

TPHCM - Thời điểm này, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ tại TPHCM đã bắt đầu nghỉ bán. Tuy nhiên, một số quán cà phê, quán kinh doanh đồ ăn thức uống ở thành phố vẫn mở bán xuyên Tết để phục vụ khách du xuân.

Nghệ An: Nhất chi mai ế ẩm, chủ vườn lo âm vốn

Quỳnh Trang |

Nhất chi mai là một loài mai thuộc top “thập đại danh hoa” nổi tiếng đẹp bậc nhất. Tính đến thời điểm hiện tại (29 tết) thị trường hoa Tết ở Nghệ An loài hoa này chưa đủ cạnh tranh với các loài hoa khác nên rất ít người quan tâm.

Nhìn lại 21 ngày đêm tìm kiếm thi thể cháu bé rơi trụ bêtông sâu 35m

PHONG LINH |

Sau 21 ngày đêm nỗ lực không ngừng nghỉ, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã đưa thành công thi thể cháu bé Thái Lý Hạo Nam (2012, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) lên mặt đất vào 1 giờ 20 phút sáng 20.1 và lo hậu sự.