Nỗi đau sau các vụ trẻ tử vong do bị để quên trên xe

hương giang (tổng hợp) |

Để quên trẻ trên xe dẫn tới tử vong là chuyện xảy ra ở rất nhiều nơi, đặc biệt là Mỹ, đất nước có tỉ lệ sử dụng xe hơi cao bậc nhất thế giới. Dù người ta đã nỗ lực thay đổi, nhưng năm nào cũng có trẻ chết vì mắc kẹt trong xe. Sau mỗi sự cố, thứ còn lại luôn là nỗi đau, cảm giác ân hận và tiếc nuối.

Một trường hợp điển hình

Bị cáo là một người to lớn, nặng hơn 150kg, nhưng vì nỗi đau và sự hổ thẹn đè nặng lên vai nên ông trông bé nhỏ hơn bình thường. Ông gập người về phía trước trên chiếc ghế gỗ bé nhỏ, một tay chống vào vành móng ngựa, một tay cầm khăn, thi thoảng sụt sùi khóc.

Trong hàng ghế đầu tiên của những người tham dự phiên xử có người vợ, trông cực độ buồn rầu, tay đang xoắn vô thức một sợi dây. Không khí trong căn phòng ngột ngạt. Chồng cô đang đối mặt với tội danh ngộ sát và nạn nhân chính là đứa con họ hết mực yêu thương.

Bị cáo, Miles Harrison, 49 tuổi, là một doanh nhân chăm chỉ làm ăn, một người cha có trách nhiệm, cho tới tận mùa Hè năm 2007. Năm ấy, do quá bận bịu bởi phải xử lý nhiều vấn đề ở nơi làm, do mải trả lời một cuộc điện thoại, ông đã quên không đưa bé Chase vào nhà trẻ.

Thay vì thế, ông để quên con trong xe và đóng cửa rồi đi làm. Đứa trẻ, bị mắc kẹt trong chiếc xe suốt gần 9 tiếng, tại một bãi đỗ không có mái che ở Herndon, Virginia, trong cái nắng nung người của tháng 7, đã hoàn toàn không có cơ hội sống sót nào.

Trong suốt phiên xử, Harrison không đưa ra một lời bào chữa nào. Ông chỉ khóc và khi cất tiếng thì đó là những câu khiến người khác không khỏi ngậm ngùi: "Con trai tội nghiệp của tôi!".

Tới dự phiên tòa có 2 người phụ nữ là Lyn Balfour và Mary Parks. Họ không quen nhau, nhưng khi nghe bác sĩ pháp y đọc biên bản mô tả tình trạng thi thể bé Chase, họ lại xích tới bên nhau hơn.

"Phần dưới thân nạn nhân bị bầm tím... phần bụng bị biến sang màu xanh... nội tạng của nạn nhân có tình trạng tự phân hủy... thân của nạn nhân có chỗ bị tuột da... nhiệt độ bên trong cơ thể nạn nhân đã lên tới 42 độ C khi cái chết xảy ra", bác sĩ pháp y tuyên bố.

Giống Harrison, Mary và Lyn đã bỏ quên con trong xe và vô tình giết đứa trẻ.

"Chết vì sốc nhiệt" là định nghĩa chính thức về hiện tượng trẻ tử vong khi mắc kẹt trong một chiếc xe hơi. Bi kịch xảy ra với trẻ, nhất là các bé đặc biệt ít tuổi, thường giống nhau: Phụ huynh vốn rất quan tâm và chăm sóc con nhưng một ngày nọ do quá bận rộn, hoặc tức giận, hoặc mất tập trung, hoặc nhầm lẫn... mà quên mất con họ vẫn đang ngồi trong xe.

Ở Mỹ chuyện cha mẹ để quên con trong xe thường xảy ra từ 15- 25 vụ mỗi năm, theo thống kê của tờ Washington Post. Cách đây 3 thập kỷ, trẻ tử vong trong xe bị khóa kín là hiện tượng hiếm diễn ra. Nhưng đầu những năm 1990, tình hình thay đổi 180 độ.

Khi ấy các chuyên gia về an toàn xe hơi tuyên bố rằng túi khí nằm ở ghế hành khách bên cạnh tài xế khi được kích hoạt có thể giết chết trẻ. Họ gợi ý rằng ghế trẻ em nên được đưa ra ghế sau xe và vì lý do an toàn, ghế nên được xoay lại để trẻ nhìn về sau xe. Các nhà thiết kế hoàn toàn không tính tới khả năng cha mẹ có thể quên con trong xe.

Hóa ra rất nhiều người quên con. Giàu có, nghèo có, trung lưu có. Đủ loại người thuộc các lứa tuổi và sắc tộc đã quên con trong xe. Các bà mẹ bỏ con ở lại trong xe nhiều không kém các ông bố. Những người vô tình giết con có thể là cảnh sát, kế toán, luật sư, quân nhân, kỹ thuật viên điện lực hay nhà khoa học...

Ông bố Mỹ vừa gây ra vụ để quên cặp sinh đôi trong xe khiến cả hai con  thiệt mạng hồi cuối tháng 7.
Ông bố Mỹ vừa gây ra vụ để quên cặp sinh đôi trong xe khiến cả hai con thiệt mạng hồi cuối tháng 7.
Những cái chết thương tâm

Bi kịch có thể xảy ra tại bất kỳ nơi nào trên đất Mỹ, chỉ cần các ông bố bà mẹ có một phút lơ đễnh. Năm 2014, một ông bố ở New York đã để hai con ở trường, sau đó đỗ xe bên ngoài nhà riêng và đi làm. Ông quên khuấy cô con gái 15 tháng tuổi ngồi ở băng ghế sau, khiến bé chết vì sốc nhiệt.

Năm 2016, một vụ tương tự lại xảy ra gần New York, khi ông bố - một viên cảnh sát - do quá bận việc nên đã quên không đưa đứa con trai ở ghế sau vào nhà. Cuối tháng 7 vừa qua, một nhân viên phúc lợi xã hội ở quận Rockland, ngoại ô New York, chỉ nhớ đưa đứa con trai 4 tuổi tới nhà trẻ mà quên cặp sinh đôi 1 tuổi ở băng ghế sau. Kết quả cả hai bé thiệt mạng vì sốc nhiệt.

Cho dù nguyên nhân là gì, cái kết luôn là khoảnh khắc kinh hoàng khi cha mẹ nhận ra mình đã mắc sai lầm. Có thể họ sực nhớ ra khi nhận cuộc điện thoại hỏi về đứa trẻ từ vợ, chồng hoặc cô giáo trông trẻ và vội chạy ra xe. Những gì chờ đợi họ dĩ nhiên luôn là điều tồi tệ nhất thế giới.

Mỗi một vụ để quên trẻ trên xe luôn có các hậu quả đầy ám ảnh. Một ông bố khi phát hiện mình để quên con trong xe khiến đứa trẻ thiệt mạng, đã tìm cách kết thúc nỗi đau thật nhanh bằng cách cướp súng của cảnh sát. Nhiều người, gồm Mary Parks, thì lái xe từ nơi làm tới nhà trẻ để đón đứa con họ tưởng đã gửi ở trường mà không hề để ý tới thi thể đang nằm im ở ghế sau.

Có một trường hợp đặc biệt đáng thương ở Chattanooga, Tennessy: Ông bố để quên con trong xe và đứa trẻ đã tìm cách thoát ra ngoài, khiến thiết bị cảm biến rung động chống trộm kêu lên 3 lần. Lần nào ông bố cũng nhìn ra xe, nhưng do không thấy ai lởn vởn bên cạnh nên lại bấm nút tắt đi và trở lại làm việc.

Trong những trường hợp như thế, xử lý người có liên quan mang tới nhiều thách thức đặc biệt lớn. Ở Mỹ, phán quyết cha mẹ có tội hay không khi làm chết con như thế lại tùy thuộc vào quan điểm của thẩm phán.

Chỉ mấy ngày trước khi Miles Harrison quên con tại bãi đậu xe, một vụ việc tương tự đã xảy ra cách đó vài trăm cây số. Sau một ca làm việc kéo dài, một kỹ thuật viên ở Virginia có tên Andrew Culpepper đã chạy qua nhà cha mẹ, đón con, về nhà sau đó mở khóa, đi thẳng vào phòng ngủ và đánh một giấc. Andrew hoàn toàn quên đứa con đang ở trong xe, khiến bé thiệt mạng.

Nhưng trong khi Harrison bị khởi tố, Culpepper lại không bị gì. Thẩm phán cho rằng Culpepper không có dã tâm giết con. Vì thế sau phiên tòa, Culpepper được về nhà sống tiếp. Còn Harrison bị khởi tố, với hình ảnh của anh đăng đầy trên các mặt báo. Harrison thuê một luật sư  giỏi và đắt tiền. Trong nhiều tháng cơ quan công tố vẫn tìm cách buộc tội ông. Cả hai bên đều cố thu thập chứng cứ để bảo vệ quan điểm của mình. Nỗ lực đạt thỏa thuận nhận tội để giảm nhẹ hình phạt không thành nên phiên tòa diễn ra.

Tòa đã được nghe về hành trình khó khăn ra sao để Harrison và vợ nhận nuôi con của họ từ Nga, sau khi nỗ lực sinh con tự nhiên không thành. Mẹ Harrison cũng làm chứng con mình là một ông bố lý tưởng khi rất chăm con. Vợ Harrison thì kể lại khoảnh khắc khi ông gọi cho cô và thét lên kinh hoàng qua điện thoại, vì nỗi đau ập tới quá nhanh và quá lớn.

Cuối cùng thẩm phán tòa Fairfax chấp nhận rằng Harrison không có tội, vì ông không chủ tâm giết con. Khi nghe phán quyết, Harrison khóc nấc rồi cố đứng vững nhưng không thể. Ông hoàn toàn suy sụp về cả thể xác và tinh thần, dù đã thoát tội.

Vậy nếu những vụ để quên trẻ ngoài xe không phải tội ngộ sát thì là gì? Theo chuyên gia ngôn ngữ Mark Warschauer, người ta nên dùng cụm từ "sự cố". "Từ "tai nạn" trong những vụ bỏ quên trẻ khiến người ta tưởng chúng là thứ không thể ngăn chặn".

Warschauer là một học giả Fulbright. Mùa hè năm 2003, khi trở lại văn phòng sau bữa ăn trưa ông thấy một đám đông vây quanh một chiếc xe đang đậu trong bãi. Cảnh sát dùng một thanh xà beng để đập vỡ cửa kính xe. Chỉ khi tới gần hơn, Warschauer mới nhận ra đó là xe của ông. Ngay sau đó ông sực nhớ ra chưa đưa Mikey, đứa con trai mới 10 tháng tuổi, tới trường. Mikey, bị mắc kẹt trong chiếc xe của cha, đã không thể sống sót.

Warschauer không bị khởi tố. Nhưng trong nhiều tháng sau ông đã rất muốn tự kết liễu đời mình. Phải mất thêm nhiều tháng nữa, ông mới chế ngự được mong muốn tự sát, dù nỗi đau và sự hối hận vẫn còn lại mãi.

Lỗi của bộ não?

Theo chuyên gia sinh lý học phân tử David Diamond, trí óc của con người là một cỗ máy và nó không hoàn hảo. Ý thức của chúng ta luôn sắp xếp ưu tiên mọi thứ tùy theo độ quan trọng của sự kiện. Nhưng ở mức độ tế bào, bộ nhớ của chúng ta lại không có khả năng đó. "Nếu bạn quên điện thoại ở nhà khi đi làm, bạn cũng có thể quên mất đứa con ở bên cạnh", ông nói.

Diamond thấy rằng dưới những tình huống nhất định, các khu vực phức tạp nhất trong trung tâm xử lý suy nghĩ của chúng ta có thể bị hệ thống ghi nhớ kiểm soát. Nói một cách khác, bộ não của con người rất tuyệt vời, nhưng cả khối cấu trúc tư duy phức tạp lại nằm trên nền tảng ghi nhớ tương tự như ở các sinh vật bậc thấp hơn.

Ở trên đỉnh của hệ thống tư duy là khu vực thông minh nhất: Vỏ não ở khu vực thùy trán - nơi chịu trách nhiệm suy nghĩ và phân tích - và hồi hải mã, nơi lưu trữ các ký ức tức thời. Nhưng phần nền của hệ thống này là hạch nền (basal ganglia) với cấu tạo giống hệt não bộ của các loài bò sát. Khu vực này kiểm soát các hoạt động tự nhiên vô thức.

Diamond nói rằng trong các tình huống liên quan tới những kỹ năng vận động quen thuộc, diễn ra đều đặn, bộ não sẽ đưa hạch nền vào hoạt động, như một dạng hệ thống lái tự hành.  Ví dụ khi bạn lái xe tới công ty, phần vỏ thùy trán và hồi hải mã sẽ lên kế hoạch làm việc trong ngày, còn hạch nền sẽ chịu trách nhiệm lái xe. Đây là lý do đôi khi bạn chạy xe từ điểm A tới điểm B, nhưng lại chẳng nhớ lắm về việc cung đường mình đi qua đã có chuyện gì xảy ra, bởi tâm trí bạn đang tư duy về việc khác.

Thông thường hoạt động phân chia vai trò này khiến não bộ hoạt động hoàn hảo. Tuy nhiên trong tình huống xuất hiện các yếu tố gây áp lực (bị stress, đang tức giận, xúc động...) hạch nền sẽ lấn át bộ phận tư duy. Khi ấy não bộ sẽ khiến chúng ta thực hiện nhiều hoạt động theo thói quen, ít có sự chi phối của nhận thức tỉnh táo.

Đây là nguyên nhân để Raelyn Balfour mất đi đứa con trai Bryce hồi năm tháng 3.2007. Đêm trước ngày xảy ra sự cố, Balfour đã thức cả đêm để trông con cho một người bạn phải đưa chó đi cấp cứu nên rất mệt mỏi. Bé Bryce, con Balfour, lại bị cảm nên im lặng ngủ gà gật trên xe suốt cả hành trình, không gây ra tiếng động nào. Dọc đường Balfour lại phải trả lời rất nhiều cuộc điện thoại, từ một người họ hàng, từ sếp và vài người khác. Và chiếc điện thoại của Balfour lại để chế độ im lặng, nằm trên băng ghế sau nên cô không thể nghe thấy điện thoại của cô trông trẻ gọi tới. Kết quả là cô chạy thẳng tới công ty theo thói quen, thay vì thả Bryce ở trường.

Balfour đỗ xe ở bãi của công ty. Ngày hôm đó nhiệt độ trung bình ngoài trời chỉ khoảng 15 độ C. Nhưng trời lại khá quang và mặt trời tỏa sáng tưng bừng. Cơ thể của Bryce đã nóng sẵn vì ốm, kết hợp với không gian chật hẹp của xe và ánh nắng mặt trời nhanh chóng đẩy nhiệt độ bên trong xe tăng lên mức 43 độ C. Bryce bé bỏng cứ thế lịm dần rồi ra đi.

Buổi trưa hôm đó, Balfour kiểm tra điện thoại và thấy cuộc gọi nhỡ của cô trông trẻ. Cô bấm máy gọi lại nhưng không liên lạc được nên nhắn tin. Cô trông trẻ trả lời bằng câu hỏi rằng Bryce đang ở đâu. "Cô nói thế là sao? Thắng bé đang ở với cô mà?" - Balfour nhắn lại. Đó là khi bộ não của cô sực tỉnh.

Chỉ mất 1 phút rưỡi để Balfour chạy ra chiếc xe. Nhưng cô biết đã quá muộn khi thấy qua cửa kính bàn tay tím tái của Bryce. Gương mặt Bryce không còn chút sự sống nào và má bé thì sáng lên dưới ánh nắng. Balfour nói rằng Bryce trông "như một con búp bê sứ" vô hồn.

Định kiến của xã hội

Mikey Terry là một tài xế xe tải ở Texas. Khi nhận ra mình đã để quên đứa con gái 6 tháng tuổi trong xe riêng ở gần công ty, dưới cái nắng nung người của mùa hè Texas vào năm 2005, Terry đã phóng xe gần 160km/h để cứu con, nhưng không kịp. Trong ngày định mệnh đó, Terry bị công ty sa thải và đang bận rộn tìm mối làm việc mới, nên đã quên bẵng sự hiện diện của con gái. Terry không bị khởi tố, nhưng biến cố đã đủ để anh sống cả đời trong ăn năn hối hận.

Nhưng dằn vặt và đau khổ không phải là thứ duy nhất mà các phụ huynh mất con phải trải qua. Họ còn đối mặt với định kiến và sự phán xét của xã hội. "Đây là một vụ bất cẩn độc ác. Thằng bố xứng đáng bị tử hình", một độc giả bình luận trong bài viết của Washington Post hồi tháng 7.2008, về một vụ bố để quên con trên xe. "Tôi băn khoăn không biết đây có phải là cách anh ta nói với vợ rằng mình chẳng muốn có con không nhỉ?", người khác viết.

Những bình luận như thế luôn xuất hiện sau các vụ quên con trên xe. Đa phần công chúng phản ứng phẫn nộ và Ed Hickling, một chuyên gia tâm lý, biết lý do vì sao. Theo ông, con người có một nhu cầu mang tính căn bản trong việc tạo ra và duy trì một câu chuyện kể về đời mình, trong đó vũ trụ là chốn yên bình và những điều tồi tệ không xảy ra ngẫu nhiên. Họ cũng tin thảm kịch có thể được ngăn chặn nếu người ta luôn cảnh giác và có trách nhiệm.

Vì lẽ đó trong các vụ trẻ tử vong vì bị bỏ quên trên xe, cha mẹ thường bị xem như quỷ dữ. “Chúng ta dễ tổn thương, nhưng lại không muốn bị nhắc nhở về điều đó. Chúng ta muốn tin rằng thế giới là chốn chứa đầy sự thấu hiểu, có thể kiểm soát được và không bị đe dọa. Rằng nếu chơi theo luật, chúng ta sẽ ổn thỏa. Bởi vậy khi những chuyện như thế này xảy ra, chúng ta thường đưa họ vào một nhóm khác mình. Chúng ta không muốn giống họ và họ phải trở thành quái vật".

Janette Fennell, thành viên tổ chức phi lợi nhuận Kids and Cars, cho rằng lên án cha mẹ để quên con trong xe dẫn tới tử vong là hành động thiếu tính khoan dung. "Môt số người không chấp nhận việc ai đó có thể quên bẵng đứa trẻ trong 8 tiếng đồng hồ. Họ không hiểu rằng khi mắc sai lầm, các công bố bà mẹ kia vẫn tưởng đã đưa con tới trường. Họ nghĩ con mình đang vui vẻ khỏe mạnh với cô giáo. Một khi suy nghĩ đó đã xuất hiện trong não, bạn chẳng có lý do gì để lo lắng và kiểm tra xem con ra sao trong suốt cả ngày hôm đó", bà nói.

Fennell cũng tin rằng khởi tố phụ huynh trong các vụ quên con dẫn tới tử vong vừa nghiệt ngã vừa không có tác dụng. Nỗi sợ đi tù không phải là thứ khiến các bậc phụ huynh ngừng quên con ngoài xe.

Bà tin câu trả lời cho vấn đề này là tăng các yếu tố an toàn của xe hơi và nâng cao nhận thức của công chúng. Người ta cần phải biết rằng sự đãng trí có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp.

Trong nhiều năm, Fennell đã vận động để chính quyền thông qua luật yêu cầu lắp cảm biến ở các ghế sau xe. Các cảm biến này sẽ báo động nếu chúng phát hiện trẻ vẫn ngồi hoặc nằm yên trên ghế, sau khi xe đã ngừng nổ máy. Tuy nhiên nỗ lực này không thành công vì vấp phải sự phản đối từ các nhà sản xuất xe hơi và những người vận động hành lang làm việc cho họ.

Đó là chưa kể tới việc nhiều công ty chưa muốn sản xuất những thiết bị như thế vì sợ vướng vấn đề trách nhiệm. Nếu hệ thống hoạt động hoàn hảo và phát hiện các trường hợp trẻ bị bỏ quên, họ sẽ không sao. Nhưng nếu hệ thống gặp sự cố và thảm kịch xảy ra, họ sẽ bị kiện, phá sản và sạt nghiệp.

Sau rốt thì khi bi kịch xảy ra, phụ huynh của nạn nhân vẫn là những người gánh hậu quả nặng nề nhất. Họ phải sống với những ký ức kinh hoàng, thậm chí là sang chấn tâm lý, cho tới hết cuộc đời.

Balfour không thích nghĩ về khoảnh khắc cuối của Bryce bé bỏng. Một viên bác sĩ tử tế từng động viên cô rằng Bryce có thể đã lên thiên đàng và đang vui vẻ ở đó. Balfour thì nghĩ khác. Cô từng bị hiếp dâm khi mới 16 tuổi và mang thai. Cô đã đi phá thai nên sau khi mất Bryce cô nghĩ mình đã bị Thượng đế trừng phạt. "Đôi khi tôi ao ước mình đã chết trong lúc sinh Bryce. Như thế tôi đã có thể được ở bên con”, cô nói và khóc.

hương giang (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Từ vụ trường Gateway: Cần xây dựng lộ trình khẩn cấp bảo vệ trẻ em

VƯƠNG TRẦN (THỰC HIỆN) |

Trao đổi với PV Lao Động, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Cao Đình Thưởng - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, từ vụ việc học sinh lớp 1 trường phổ thông liên cấp Gateway bị tử vong, cần phải sớm xây dựng một lộ trình khẩn cấp bảo vệ trẻ em.

Hoa trắng tưởng nhớ học sinh trường Gateway tử vong vì bỏ quên trên ôtô

C.N |

Những bông hoa trắng, nến và di ảnh bé L.H.L được đặt bên ngoài cổng trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway để cầu nguyện cho cậu bé.

Vụ học sinh lớp 1 tử vong trong xe của trường Gateway: Cục Trẻ em lên tiếng

ANH THƯ |

Trước vụ việc học sinh lớp 1 bị tử vong trên xe ô tô đưa đón của Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway (Hà Nội), Cục Trẻ em đưa ra những khuyến nghị.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Từ vụ trường Gateway: Cần xây dựng lộ trình khẩn cấp bảo vệ trẻ em

VƯƠNG TRẦN (THỰC HIỆN) |

Trao đổi với PV Lao Động, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Cao Đình Thưởng - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, từ vụ việc học sinh lớp 1 trường phổ thông liên cấp Gateway bị tử vong, cần phải sớm xây dựng một lộ trình khẩn cấp bảo vệ trẻ em.

Hoa trắng tưởng nhớ học sinh trường Gateway tử vong vì bỏ quên trên ôtô

C.N |

Những bông hoa trắng, nến và di ảnh bé L.H.L được đặt bên ngoài cổng trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway để cầu nguyện cho cậu bé.

Vụ học sinh lớp 1 tử vong trong xe của trường Gateway: Cục Trẻ em lên tiếng

ANH THƯ |

Trước vụ việc học sinh lớp 1 bị tử vong trên xe ô tô đưa đón của Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway (Hà Nội), Cục Trẻ em đưa ra những khuyến nghị.