Tái cấu trúc đô thị, giảm thiểu tắc đường
Để di chuyển khoảng 10 km trong nội đô mất 25 - 35 phút bằng xe máy hay 30-45 phút bằng ô tô và nếu tắc đường thì thời gian di chuyển còn nhiều hơn nữa. Nhưng nếu người dân đi đường sắt đô thị (ĐSĐT) thì chỉ mất khoảng 13 - 20 phút vào bất kể thời điểm nào trong ngày.
Cát Linh - Hà Đông là tuyến ĐSĐT đầu tiên ở Hà Nội đưa vào khai thác, vận hành thương mại. Dự kiến, cuối năm 2022, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ đưa vào vận hành, khai thác đoạn từ Nhổn - đại học Giao thông vận tải. Theo quy hoạch, tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội sẽ được kéo dài tới Yên Sở (Hoàng Mai). Sự kết nối các tuyến đường sắt để đáp ứng nhu cầu đi lại cũng là vấn đề được nhiều người dân quan tâm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 380 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị”, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Liên minh Châu Âu (EU). Tổng mức đầu tư dự án là hơn 343 tỉ đồng, được giao cho Ban Quản lý dự án ĐSĐT Hà Nội (MRB) làm chủ đầu tư.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS.KTS Nguyễn Quang Minh (Đại học Xây dựng) cho hay, Chính phủ đã có quyết định về quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mạng lưới ĐSĐT đô thị gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km. Trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 3: Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai chiều dài 21km, và dự kiến phát triển tuyến này tới Sơn Tây, tổng chiều dài là 48km.

Theo đó, việc kết nối này tạo nên sự gắn kết chặt chẽ của mạng lưới đường sắt đô thị, giải quyết vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn tại khu vực đô thị trung tâm và giảm lưu lượng giao thông bằng phương tiện cá nhân. Từ đó giảm thiểu đáng kể việc ách tắc giao thông, bảo vệ môi trường.
Cùng trao đổi, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB Hà Nội) thông tin, sau khi tuyến 3.2 hoàn thành, toàn bộ 21 km của tuyến ĐSĐT số 3, từ Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai sẽ nối khu vực phía Tây qua trung tâm TP với khu vực phía Nam.
Dự kiến đến năm 2030, lưu lượng hành khách của tuyến 3.2 sẽ vận chuyển được 124.000 hành khách/ngày. Tuyến ĐSĐT số 3 từ Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ trong việc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, tái cấu trúc đô thị.
Chuẩn bị dự án đầu tư ĐSĐT ga Hà Nội - Hoàng Mai như thế nào?
Theo đại diện MRB Hà Nội, quy mô của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư Tuyến ĐSĐT số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai” và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án ĐSĐT gồm 4 hợp phần.

Hợp phần 1: Hỗ trợ trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư, hỗ trợ triển khai lựa chọn Tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Tuyến 3.2.
Hợp phần này được tiến hành song song với quá trình xin chủ trương đầu tư, hỗ trợ TP.Hà Nội và Chủ đầu tư thực hiện: Hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Tuyến 3.2 cho đến khi Quốc hội phê duyệt chủ trương; Xây dựng điều khoản tham chiếu (TOR) chi tiết cho lập Quy hoạch chi tiết, Báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế các công việc và Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Lựa chọn Tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và Tư vấn thiết kế công trình;…
Hợp phần 2: Chuẩn bị các vấn đề liên quan đến an toàn dự án đáp ứng yêu cầu để các nhà đồng tài trợ xem xét phê duyệt khoản vay thực hiện Dự án Tuyến 3.2.
Hợp phần 3: Công tác chuẩn bị Dự án Tuyến 3.2 bao gồm: lập, phê duyệt Quy hoạch chi tiết, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi; truyền thông, hỗ trợ quản lý.
Hợp phần 4: Hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án ĐSĐT. Nghiên cứu nhằm khuyến khích, củng cố và hỗ trợ phát triển hệ thống giao thông đô thị đồng bộ cho thủ đô Hà Nội; Tăng cường tính kết nối của các loại hình vận tải dựa trên mạng lưới ĐSĐT; Tối đa hóa tác động kinh tế xã hội tích cực của các khoản đầu tư vào dự án ĐSĐT. Từ đó, tạo nên một hệ thống giao thông đô thị bền vững, bảo vệ môi trường.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thuỷ - Nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản GTVT nhìn nhận, muốn giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc thì phải có hạ tầng cũng như các loại hình giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó, ĐSĐT có công suất gấp 5 -7 lần so với xe buýt mà lại đi ngầm dưới lòng đất hoặc đi trên cao sẽ tối ưu được không gian đô thị.
TS Thuỷ lưu ý, việc xây dựng các tuyến ĐSĐT là điều người dân rất mong. Tuy nhiên, việc tổ chức giao thông sao cho hợp lý để thu hút, để kết nối các tuyến vận tải với nhau, kết nối các loại hình giao thông với nhau thì mới phát huy hiệu quả. Đây là những điều cần nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng trong quá trình chuẩn bị dự án.