Theo Công an TP.Biên Hoà, trường hợp của N.N.H. là một trong rất nhiều người đang hằng ngày trở thành nạn nhân vì bị sa bẫy của các đối tượng hoạt động tín dụng đen thông qua các ứng dụng vay tiền trên mạng xã hội.
Tại tỉnh Bình Dương cũng có trường hợp tương tự, chị L.T.C (23 tuổi, công nhân một công ty may tại thành phố Dĩ An, Bình Dương), thiếu tiền mua thuốc chữa bệnh đã bị dụ vay tiền qua app. “Em nhận được tin nhắn với nội dung cho biết được hỗ trợ 5 triệu đồng và đề nghị vào đường link app để cài đặt nhận tiền vay. Em vay tất cả 20 triệu đồng nhưng tiền thực tế chỉ nhận được 15 triệu đồng. Nếu vay 2 triệu thì chỉ được nhận 1,2 triệu, còn 800.000 đồng là tiền phí, lãi suất đóng trước. Chỉ trong 2 tháng em trả cho app vay tất cả 35 triệu đồng. Như vậy, ngoài tiền gốc, em đã đóng thêm 20 triệu gồm tiền lãi và tiền phạt”, chị C chia sẻ.
Nghĩ đóng chừng đó tiền đã đủ, tuy nhiên các đối tượng cho vay tiếp tục báo phải nộp thêm tiền lãi, phí phạt chậm đóng. “Do phải vay đắp đổi liên tiếp để trả nợ app vay nên bây giờ em đã không còn tiền để trả. Em cũng không chấp nhận lãi suất và tiền phạt nên đã dừng đóng tiền” - chị C cho biết thêm.
Lãi suất “cắt cổ” lên đến 120%/tháng
Tại tỉnh Đồng Nai, thời gian qua công an đã triệt phá nhiều băng nhóm tín dụng đen. Tuy nhiên, các đối tượng tín dụng đen lại càng có nhiều hình thức tinh vi, thủ đoạn hơn, sử dụng công nghệ để hoạt động cho vay nặng lãi.
Theo điều tra của cơ quan công an, thủ tục vay qua app rất đơn giản, không cần thế chấp, sau vài phút là có tiền nên nhiều trường hợp công nhân khó khăn đã “sập bẫy” vay tiền.
Tuy nhiên sẽ bị ứng dụng trừ lại ngay một khoản tiền “quản lý” và tiền lãi tương ứng với thời hạn vay. Ví dụ người vay 5 triệu đồng thì thực tế, người vay chỉ nhận được 3 triệu đồng trong tài khoản, còn 2 triệu đồng là phí dịch vụ tương ứng với 24% số tiền vay và tiền lãi suất là 4%/ngày trong thời hạn vay 4 ngày. Như vậy, những nạn nhân của các ứng dụng vay tiền này không hề biết rằng đang phải chịu mức vay với lãi suất “cắt cổ” lên đến 120%/tháng. Nếu hết thời hạn vay, khách vay không trả đủ số tiền gốc sẽ bị phạt thêm 4%/ngày.
Nếu không thể trả được tiền vay đúng hẹn thì các đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân truy cập hoặc cài đặt ứng dụng vay tiền khác, gợi ý người vay tham gia vay tiếp để lấy tiền trả nợ.
Từ vay một ứng dụng ban đầu, người vay dần trở thành con nợ của 3 đến 4 ứng dụng vay tiền. Đến khi không thể trả nổi tiền nữa thì các đối tượng liên tục sử dụng các số điện thoại lạ nhắn tin, gọi điện đe dọa nạn nhân, dọa báo cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp biết, khủng bố, đăng hình nói xấu công khai trên mạng xã hội,... làm mọi cách để người vay phải trả tiền cho các đối tượng.
Ngày 28.5, trao đổi với phóng viên báo Lao Động, đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương tập trung xử lý. Cụ thể, công an TP.Biên Hòa cũng triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để điều tra làm rõ xử lý các đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự cũng như ngăn chặn kịp thời hậu quả của các loại hình biến tướng của hình thức cho vay này.
Tại mỗi đơn vị công an địa phương, việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm có liên quan hoạt động “tín dụng đen”, các hành vi cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng... đã được đặc biệt quan tâm nhằm xử lý triệt để.