Hơn 6 năm, gia đình ông Nguyễn Huệ, 51 tuổi, thôn Phước Thành, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, Quảng Nam, mới nhận lại được danh hiệu Liệt sĩ cho chú mình là Nguyễn Trường Dục.
Ông Huệ cho hay, chú mình là Nguyễn Trường Dục được công nhận là Liệt sĩ năm 1977 nhưng đến năm 1980 thì UBND xã Quế Hiệp - nay xã Quế Thuận - đơn phương đề xuất cấp trên xóa tên danh hiệu Liệt sĩ với lý do không chính đáng. Đến năm 2015, khi phát hiện bị ngưng các chế độ đối với thân nhân liệt sĩ thì gia đình mới hay biết.
Cụ thể, theo giấy chứng nhận hy sinh của UBND huyện Quế Sơn được lập năm 1977, ông Nguyễn Trường Dục hy sinh ngày 12.1.1969 khi đang đi công tác theo sự phân công của đơn vị tại khu vực thôn 2 của xã Quế Hiệp. Lúc ấy, ông đang giữ chức Cán bộ Tuyên huấn xã Quế Hiệp. Đến năm 1979, liệt sĩ Nguyễn Trường Dục được trao tặng bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký.
Thế nhưng, năm 1980, UBND xã Quế Hiệp có biên bản đề nghị xóa tên liệt sĩ Nguyễn Trường Dục và UBND huyện Quế Sơn đã đồng ý với lý do: “Ông Nguyễn Trường Dục là công dân không giữ chức vụ gì. Ở nhà bị máy bay trực thăng bắn chết. Địa phương chưa điều tra, xác minh cụ thể nên đã ký nhầm vào hồ sơ”.
“Khi xã, huyện thực hiện xóa tên, tôi và gia đình không nhận được bất cứ thông báo nào. Xã Quế Hiệp đề nghị xóa tên liệt sĩ lên huyện nhưng lại không thực hiện bất kỳ cuộc khảo sát, tra cứu nào về thông tin liên quan đến chú Dục. Sau khi biết chú bị xóa tên Liệt sĩ, tôi đã gửi đơn cho Tỉnh Ủy Quảng Nam, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTBXH) để xin phục hồi lại danh hiệu nhưng không được. Không những vậy, tôi phải tìm đến các cán bộ lão thành để họ làm chứng nhưng vẫn không được Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam chấp nhận” - ông Huệ bày tỏ.
Ông Huệ cho hay, nhân chứng cho việc ông Nguyễn Trường Dục hy sinh là ông Nguyễn Văn Xuân (SN 1937, trú thôn Phước Dương) và ông Đinh Quáng (SN 1929, trú thôn Phước Thượng, cùng trú xã Quế Thuận) xác nhận: “Ngày 12.1.1969, ông Nguyễn Văn Xuân - Phó Ban Tuyên huấn xã Quế Hiệp thời điểm năm 1969 - trực tiếp phân công đồng chí Nguyễn Trường Dục cùng đồng chí Nguyễn Ngọc Anh làm nhiệm vụ nắm thông tin tại khu vực thôn 2. Trong lúc công tác, cả 2 bị tàu rọ của địch vây bắn. Đồng chí Dục hy sinh tại chỗ, còn đồng chí Anh bị thương nặng, địch dùng máy bay chở đi và mất tích. Hiện đồng chí Anh đang được Nhà nước công nhận là liệt sĩ”.
Ông Huệ chia sẻ thêm: “Cùng làm nhiệm vụ và hy sinh tại một địa điểm nhưng ông Nguyễn Ngọc Anh vẫn được công nhận liệt sĩ còn chú tôi ông Nguyễn Trường Dục thì không. Việc phục hồi danh hiệu cho chú tôi là cũng là danh dự cao quý của người chiến sĩ, gia đình hy sinh cống hiến cho Tổ quốc. 6 năm qua, lúc nào tôi cũng nung nấu tìm lại danh hiệu cao quý đó và gặp không ít khó khăn. Nếu gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì có lẽ đã bỏ cuộc từ lâu vì rất tốn thời gian và tiền của".
Trong 6 năm, gia đình ông Huệ đã có hàng loạt đơn thư gửi cho các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương để bày tỏ nguyện vọng phục hồi danh hiệu Liệt sĩ. Cuối cùng, đến ngày 9.6.2021, ông Nguyễn Huệ nhận được quyết định phục hồi danh hiệu liệt sĩ cho ông Nguyễn Trường Dục của Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam.
Quyết định phục hồi danh hiệu Liệt sĩ ghi rõ: "Ông Nguyễn Trường Dục có quá trình tham gia công tác cách mạng và hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ cách mạng nên đủ điều kiện công nhận Liệt sĩ".
Ông Huệ cho biết việc phục hồi lại danh hiệu Liệt sĩ cho liệt sĩ Nguyễn Trường Dục là điều rất hãnh diện rất lớn đối gia đình. "Việc Sở TBLĐXH tỉnh Quảng Nam chậm giải quyết làm ảnh hưởng đến những người dân có mong muốn tìm lại sự thật, danh dự của gia đình. Tuy vậy, sau quá trình dài, tôi và gia đình đã bỏ ra tâm huyết, quyết tâm tìm lại danh hiệu và có kết quả như hôm nay, tôi và gia đình thật sự rất vui mừng" - ông Huệ nói.