Niềm tự hào đất học xứ Thanh

Trần Lâm |

“Thanh Hoá là đất hiếu học” - nhà sử học Lê Văn Lan đúc kết. Nói đến xứ Thanh là nói đến vùng đất địa linh nhân kiệt, tự hào là vùng đất sinh ra những vị trạng nguyên đầu tiên và trạng nguyên cuối cùng của đất nước.  Tự hào hơn, hiện nay, Trường THPT Chuyên Lam Sơn đã kế tục và ngày càng phát huy truyền thống hiếu học đó với bảng vàng thành tích ngày càng dày hơn.

Từ truyền thống cha ông…

Người Thanh Hoá có quyền tự hào vì là nơi đã sinh ra nhiều vị đại khoa, nhân tài cho đất nước. Năm 784, khi nhà nước chưa có độc lập, hai anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục quê ở thôn Cẩm Cầu, xã Sơn Ôi, nay là thôn Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, Thanh Hoá đã sang tận kinh đô nhà Đường để ứng thí. Và rất tự hào, người em là Khương Công Phục đỗ Tiến sĩ, anh là Khương Công Phụ đỗ Đệ nhất giáp Đệ nhất danh (Trạng nguyên). Đây là vị Trạng nguyên đầu tiên của nước ta.

Năm Bính Thìn (1736) đời Lê Ý Tông, nho sinh Trịnh Tuệ, người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc (nay là Vĩnh Lộc) trú quán xã Bất Quần, huyện Quảng Xương, (nay là Quảng Thịnh, TP. Thanh Hoá) đỗ Trạng nguyên. Đây là vị Trạng nguyên cuối cùng của khoa cử phong kiến Việt Nam vì các khoa sau (đến năm 1919) không ai đỗ Trạng nguyên, Triều Nguyễn không lấy học vị Trạng nguyên.

Khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long (1010), với ý thức xây dựng nhà nước tự chủ giàu mạnh đã tổ chức khoa thi chọn nhân tài với quan điểm “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Từ khoa thi đầu tiên (tháng 2.1075) thời Vua Lý Nhân Tông đến khoa thi cuối cùng (1919) thời Vua Khải Định, trải qua 845 năm, Thanh Hoá góp cho đất nước 204 vị Tiến sĩ, trong đó có 6 Trạng nguyên, 8 Bảng nhãn, 6 Thám hoa.

Riêng thời Lê Trung Hưng có 114 Tiến sĩ. Từ Triều Lê Trung Hưng, Triêu Mạc, Triều Nguyễn, Thanh Hoá có 1.690 Cử nhân. Chưa kể có 4 vị đỗ đầu các kỳ thi Đình Triều Nguyễn (vì Triều Nguyễn bỏ học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn) là: Nguyễn Cửu Trường (có sách ghi là Nguyễn Trường Cửu) người ở Gia Miêu ngoại trang, tổng Thượng Bạn, huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, Thanh Hoá) đỗ đầu thi hội và thi đình thời Vua Minh Mệnh; Mai Anh Tuấn quê ở Thạch Giản, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn đỗ đầu thi đình thời Vua Thiệu Trị; Phạm Thanh người thôn Nội, xã Trương Xá, tổng Đăng Trường, huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung (nay là xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đỗ đầu thi đình thời Vua Tự Đức; Nguyễn Phong Di người làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hoá, phủ Hà Trung, (nay là làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, TP. Thanh Hoá) đỗ đầu kỳ thi cuối cùng - năm 1919.

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, Thanh Hoá có 10 vị làm quan Tham tụng, Tể tướng; 32 vị được phong Thượng thư (tương đương bộ trưởng).

Thanh Hoá cũng là nơi sinh ra rất nhiều những bậc thầy nổi tiếng như Hoàng giáp Nguyễn Văn Nghi dạy Vua Lê Anh Tông, Đốc học Nhữ Bá Sĩ, Tiến sĩ Trần Ân Chiêm, Thám hoa Đỗ Huy Kỳ, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng…

 
 Bác Hồ thăm nhân dân và học sinh xã Yên Trường, huyện Yên Định, Thanh Hoá, năm 1961. Ảnh: T.L

Truyền thống hiếu học của người xứ Thanh thời nào cũng rất mãnh liệt. Sau hàng trăm năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, cách mạng Tháng Tám 1945 đã đem lại cơm no áo ấm và độc lập cho đất nước, nhân dân. Một trong 3 việc đầu tiên của Chính phủ mới là diệt giặc dốt (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm). Đất Thanh Hoá với truyền thống hiếu học từ ngàn xưa lại là vùng căn cứ địa tự do nên phong trào bình dân học vụ, xoá giặc dốt sôi nổi khắp chợ cùng quê. Thanh Hoá cũng là nơi có trường dự bị đại học tiền thân của Trường đại học Nhân Dân - ngôi trường đại học đầu tiên thời hiện đại.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Thanh Hoá cũng là vùng đất đi đầu, vừa dựng chiến luỹ vừa mở trường học. Xứ Thanh đã đón hàng nghìn học sinh các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị ra học tập sau về xây dựng quê hương.

 
 Lớp bình dân học vụ ở Thanh Hoá trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: T.L

Trong thời kỳ hiện đại Thanh Hoá có tới hàng chục nghìn tiến sĩ, nhiều người là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Nổi bật là các vùng đất học Hoằng Hoá, Quảng Xương, Yên Định…

Năm 1965, ngành giáo dục Thanh Hoá thành lập bộ phận đào tạo học sinh chuyên phổ thông tại huyện Vĩnh Lộc, đây là tiền thân của Trường THPT Chuyên Lam Sơn. Từ đó đã đưa giáo dục Thanh Hoá lên một tầm cao mới với việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhiều nhân tài cho đất nước.

… đến vang danh trên trường quốc tế

Trường THPT Chuyên Lam Sơn đã tiếp nối truyền thống hiếu học vẻ vang của cha ông, đã và đang làm rạng danh hơn đất học xứ Thanh không chỉ trong nước mà còn vang danh trên trường quốc tế.

Lịch sử Trường THPT Chuyên Lam Sơn trải qua nhiều thời kỳ với nhiều tên gọi khác nhau. Trường THPT chuyên Lam Sơn ngày nay kế tục và phát triển từ Collège de Thanh Hoa, thành lập năm 1931, sau đó là Collège Đào Duy Từ. Từ năm 1950, trường mang tên Lam Sơn. Tháng 9.1982, hai khối chuyên Văn, Toán được chuyển từ PTTH Hàm Rồng về Trường PTTH Lam Sơn. Từ đó, Trường PTTH Lam Sơn có hai khối, khối chuyên và khối đại trà.

Đến năm 1992, đổi tên Trường PTTH Lam Sơn thành Trường PTTH Đào Duy từ có nhiệm vụ day giảng dạy chương trình PTTH cho học sinh TP Thanh Hóa. Tách khối chuyên ra thành lập Trường PTTH chuyên Lam Sơn: Có nhiệm vụ giảng dạy và bồi dưỡng học sinh năng khiếu toàn tỉnh. Ngôi trường Đào Duy Từ trở lại tên cũ từ năm 1992 và vẫn ở vị trí cũ của trường PTTH Lam Sơn ngày trước: 33 Lê Quý Đôn, P.Ba Đình,TP.Thanh Hóa. Trường PTTH Chuyên Lam Sơn được chuyển địa điểm mới tại số 89 Hàn Thuyên, Ba Đình, TP.Thanh Hóa và sau đó được chuyển về cơ sở cũ của Trường ĐH Hồng Đức (Đông Hương, TP. Thanh Hoá) đến nay.

Như vậy tính về lịch sử thành lập thì trường Đào Duy Từ có lịch sử thành lập từ năm 1931 đến nay (năm 2018) là 87 năm. Trường chuyên Lam Sơn được UBND Tỉnh Thanh Hóa quyết định thành lập từ năm 1992 có lịch sử đến năm 2018 là 28 năm.

Trong suốt chiều dài lịch sử truyền thống, đặc biệt từ khi tách thành trường chuyên đầu tiên của cả nước và duy nhất ở Thanh Hoá, Trường THPT Chuyên Lam Sơn có bề dày thành tích rất đáng nể.

 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Sở GDDT Thanh Hoá, lãnh đạo nhà trường và em Nguyễn Đắc Hiếu - HCB Sinh học 2016.

Dưới ngôi trường này, nhiều thế hệ học sinh đã thành đạt, làm rạng danh quê hương, nhà trường, góp sức mình quan trọng vào xây dựng và phát triển đất nước. Có thể tự hào kể đến các thầy giáo - nhà khoa học hàng đầu cả nước như: Nguyễn Trác - Giáo sư Văn học, Đinh Xuân Lâm - Giáo sư Sử học, Trịnh Ngọc Thái - Giáo sư Toán học, Lê Hải Châu - Giáo sư Toán học, Vũ Ngọc Khánh - Giáo sư Văn học, Võ Quý - Giáo sư Sinh học, NGƯT Cao Hữu Nhu, Thầy Vũ Lê Thống, ...

Nhiều nhà cách mạng, nhà khoa học có tên tuổi, các vị tướng lĩnh, các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước như: Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Lê Văn Giạng, Phan Diễn, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Tuyên Hoàng, Nguyễn Dy Niên, Đỗ Nguyên Phương, Lương Ngọc Toản, Đoàn Quỳnh, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Khắc Dương, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Nghiêm Minh, Lê Văn Truyền, Bùi Ngọc Thanh, Hoàng Văn Huây, Nguyễn Văn Ngạnh, .... đã từng là học sinh của trường.

Thế hệ học sinh Lam Sơn hôm nay, kế thừa truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh đi trước, đã và đang tô thắm thêm cho mái trường thân yêu bằng kết quả học tập rèn luyện, lao động sáng tạo của mình. Từ năm 1982 đến nay trường liên tục giành nhiều giải trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và Quốc tế và là một trong những trường dẫn đầu về chất lượng giáo dục mũi nhọn, là một trong số ít các trường chuyên của cả nước thường xuyên dẫn đầu về số lượng và chất lượng giải Quốc gia, Quốc tế hàng năm.

Tính đến năm học 2016-2017, nhà trường có 34 HS đạt huy chương Olympic quốc tế; 11 HS đạt huy chương Olympic quốc tế khu vực; 1.570 HS đạt giải trong các kỳ thi HS giỏi quốc gia. Riêng năm học 2015-2016, nhà trường có 3 HS dự thi Olympic quốc tế thì cả 3 em đều đạt giải, trong đó có 1 Huy chương Vàng môn Hóa học, 1 Huy chương Bạc môn Toán học và 1 Huy chương Đồng môn Sinh học; năm học 2016 - 2017 có 3 học sinh dự thi quốc tế đều đoạt giải là Lê Quang Dũng - HCV Toán, Dương Tiến Quang Huy - HCB Sinh học và Nguyễn Ngọc Long vào bán kết Vật lý Châu Á.

 
Thạc sĩ - NGƯT Chu Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn chụp hình cùng cô giáo Mai Châu Phương và em Nguyễn Khánh Duy - người đã đoạt Huy chương Vàng Hoá học quốc tế năm 2016. 
 

Bảng vàng thành tích của Trường THPT Chuyên Lam Sơn được củng cố và phát triển mạnh mẽ từ khi NGƯT Chu Anh Tuấn được UBND tỉnh tin tưởng giao nhiệm vụ hiệu trưởng nhà trường (năm 2015). Thầy Chu Anh Tuấn trước đó đã rất nổi tiếng khi là Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương I, đã đưa trường này lên tốp đầu toàn tỉnh.

Nói về bí quyết thành công, NGƯT Chu Anh Tuấn chia sẻ, chính truyền thống vẻ vang của đất học xứ Thanh và Trường THPT Chuyên Lam Sơn là niềm tự hào vô bờ bến và đó chính là động lực để thầy và trò nhà trường không ngừng phấn đấu vươn lên. “Thầy và trò nhà trường luôn tâm niệm mỗi thành tích đạt được không chỉ là niềm tự hào của cá nhân, của gia đình và nhà trường mà còn là niềm tự hào của quê hương đất học xứ Thanh và làm rạng danh đất nước trên trường quốc tế” - NGƯT Chu Anh Tuấn nói. Theo thầy Tuấn, phương châm “muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi” luôn đúng. Vì vậy, từ khi đảm nhận chức vụ hiệu trưởng, NGƯT Chu Anh Tuấn luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện để các thầy cô nhà trường phát huy năng lực. Thầy Tuấn cho hay, với những thầy cô thuộc “hàng đỉnh” như ở Lam Sơn, điều quan trọng nhất là tôn trọng và tạo mọi điều kiện tốt nhất để thầy cô chuyên tâm với sự nghiệp trồng người. Bên cạnh đó, nhà trường không quản ngại khó khăn, “thỉnh” bằng được các thầy cô, các GS, TS nổi tiếng về bồi dưỡng cho học sinh giỏi.

Trao đổi với Lao Động, ông Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá bày tỏ niềm tự hào sâu sắc về truyền thống của Trường THPT Chuyên Lam Sơn nói riêng và truyền thống hiếu học của Thanh Hoá nói chung. Ông Hưng cho hay, tỉnh đã, đang và sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để Trường THPT Chuyên Lam Sơn phát triển, xứng danh là cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục Thanh Hoá.

Mùa xuân mới đã đến, Trường THPT Chuyên Lam Sơn năm nay đón xuân trong môi trường giáo dục mới khang trang, quy củ hơn và tràn đầy hy vọng vào những thành tích mới, tiếp bước cha ông làm rạng danh ĐẤT HỌC XỨ THANH.

Trần Lâm
TIN LIÊN QUAN

Về xứ Thanh trẩy hội đầu xuân

HOÀI THU |

Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Thanh Hoá có hàng trăm đền, chùa… nổi tiếng thờ các vị thần có công dựng n­ước. Nếu như miền núi biếc, non cao có đền Cửa Đạt, phủ Na - thì ở vùng đồng bằng có đền Sòng, đền Đồng Cổ, Lam Kinh; về miền biển có đền Mai An Tiêm, đền Độc Cư­ớc...

Cận cảnh xứ Thanh, hoang tàn sau… lũ dữ

Hoài Thu |

Gần 10 ngày (từ ngày 10.10 đến nay), kể từ khi trận lũ kinh hoàng đi qua, nhiều vùng quê xứ Thanh chỉ còn ngổn ngang đất đá, nhiều nhà dân bị san bằng, nhiều trường học bị tàn phá, nhiều công trình bị nhấn chìm trong bùn đất.

Thanh Hóa: Vẫn còn hàng nghìn học sinh chưa được đến trường

Hoài Thu |

Mặc dù lũ đã rút, nhưng nước mắt của người dân xứ Thanh vẫn không ngừng chảy. Hàng nghìn ngôi nhà vẫn còn ngập trong nước, hàng nghìn gia đình vẫn còn bị cô lập, sống trên đê… và hàng nghìn học sinh vẫn chưa được đến trường.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Về xứ Thanh trẩy hội đầu xuân

HOÀI THU |

Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Thanh Hoá có hàng trăm đền, chùa… nổi tiếng thờ các vị thần có công dựng n­ước. Nếu như miền núi biếc, non cao có đền Cửa Đạt, phủ Na - thì ở vùng đồng bằng có đền Sòng, đền Đồng Cổ, Lam Kinh; về miền biển có đền Mai An Tiêm, đền Độc Cư­ớc...

Cận cảnh xứ Thanh, hoang tàn sau… lũ dữ

Hoài Thu |

Gần 10 ngày (từ ngày 10.10 đến nay), kể từ khi trận lũ kinh hoàng đi qua, nhiều vùng quê xứ Thanh chỉ còn ngổn ngang đất đá, nhiều nhà dân bị san bằng, nhiều trường học bị tàn phá, nhiều công trình bị nhấn chìm trong bùn đất.

Thanh Hóa: Vẫn còn hàng nghìn học sinh chưa được đến trường

Hoài Thu |

Mặc dù lũ đã rút, nhưng nước mắt của người dân xứ Thanh vẫn không ngừng chảy. Hàng nghìn ngôi nhà vẫn còn ngập trong nước, hàng nghìn gia đình vẫn còn bị cô lập, sống trên đê… và hàng nghìn học sinh vẫn chưa được đến trường.