Phần nổi của tảng băng chìm
Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý cho nên con số nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao là 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Ước tính, khoảng 68,4% số trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.
Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ việc xâm hại trẻ em trong thời gian qua, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, nguyên nhân thứ nhất do nhận thức pháp luật của thủ phạm xâm hại trẻ em rất thấp. Thứ hai, về phía quy định pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử phải áp dụng tối đa các hình phạt hiện hành đối với tội xâm hại tình dục trẻ em. Từ đó, đảm bảo tính chất nghiêm minh, răn đe và xử đúng người đúng tội.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ, giáo viên, cộng đồng và chính trẻ em về kĩ năng phát hiện sớm mối nguy cơ xâm hại tình dục cũng như tự bảo vệ mình khi có những hành vi xâm hại bạo lực đối với trẻ em.
Vừa qua, những vụ việc xâm hại trẻ em được phanh phui, bà Nguyễn Phương Linh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) nhận định, đây không phải là vấn đề mới trong xã hội, nhưng chưa được mọi người quan tâm đúng mức.
Giải pháp phòng ngừa
“Với quan niệm xã hội, định kiến xã hội liên quan vấn đề giới, trẻ em chưa được quan tâm đúng mức trong khoảng thời gian dài. Vì vậy, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em được phanh phui gần đây là cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ, phụ huynh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội”, bà Linh nói.
Theo ông Đặng Hoa Nam, phải chấp nhận trong xã hội luôn tồn tại nguy cơ về bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em ở khắp mọi nơi. Các vụ việc xâm hại tình dục trong thời gian qua, đa số trẻ em bị xâm hại bởi những người thân, người các em biết.
Điều mấu chốt ở đây cần có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn để tránh nguy cơ xâm hại bạo lực diễn ra. Những hành vi xâm hại tình dục mà trẻ em là nạn nhân sẽ để lại hậu quả rất lâu dài và khó khắc phục.
Khi có những vụ xâm hại tình dục xảy ra, theo bà Linh, cách xử lý không chỉ trẻ em mà còn gia đình, nhà trường, cơ quan quản lý Nhà nước có rất nhiều vấn đề.
Để giảm thiểu những nguy cơ xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, theo các chuyên gia, kiến thức về giới tính cần được giáo dục càng sớm càng tốt. Xâm hại tình dục ở các thể rất khác nhau, cho nên từng độ tuổi, giai đoạn phát triển của trẻ em phải có chương trình giáo dục cho phù hợp.
Hiện nay, nhà trường đã đưa các chương trình liên quan giới tính vào giảng dạy. Ở những chương trình này, về phần kiến thức tương đối tốt, nhưng phương pháp giáo dục chưa thân thiện.
“Các em được học ở trường nhưng không cởi mở, chia sẻ những câu chuyện của riêng mình với bố mẹ, gia đình và bạn bè. Mặt khác, một số trẻ em còn coi nói về vấn đề giới tính là nói về việc xấu. Như vậy, chỉ trên giáo dục trên lý thuyết không đi sâu vào nhận thức và hành động của trẻ em”, bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh.