Anh thợ sửa xe đạp giúp đỡ hàng trăm người bị tai nạn
Đường ĐT 743, nối nhiều khu công nghiệp của Bình Dương với các cảng của Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra tai nạn. Anh Lê Anh Hựu (39 tuổi, ngụ phường An Phú, thị xã Thuận An), sinh sống bằng nghề sửa xe đạp trên đường này, hơn 10 năm qua, đã chứng kiến hàng trăm vụ tai nạn, trong đó nhiều vụ tai nạn chết người thương tâm.
Một buổi trưa, đang sửa xe đạp thì thấy mọi người hô hoán và tập trung đông cách tiệm khoảng 30m, anh Hựu liền bỏ việc chạy đến. Một thanh niên khoảng 25 tuổi làm nghề xây dựng vừa ở công trường ra va chạm với xe đi cùng chiều, bị thương ở chân không cử động được và đầu đập xuống đường nên ngất xỉu.
Trong khi người đi đường luống cuống không biết làm gì thì anh Hựu nhanh tay nâng chiếc xe máy rút chân người bị nạn ra ngoài, rồi bế vào vỉa hè, cởi nút thắt ở mũ bảo hiểm để người bị nạn dần thở đều trở lại. Sau đó, anh chạy về cửa hàng lấy xe máy ra cùng với một người dân nhanh chóng chở nam thanh niên đến bệnh viện cấp cứu.
Nói về việc làm của mình, anh Hựu chia sẻ: “Người dân bị tai nạn ở đây chủ yếu là người lao động nhập cư, khi bị tai nạn chỉ có một mình. Ở gần thấy người bị nạn nên đến hỗ trợ một tay đưa họ đi bệnh viện vì nghĩ rằng nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng”.
Làm việc này đôi khi cũng gặp phải rắc rối, anh Hựu kể: “Nhiều lần đưa người bị nạn đến bệnh viện bị bảo vệ giữ lại vì cứ nghĩ mình là người gây ra tai nạn. Khi đó người thân nạn nhân cũng chưa đến, nên mình đưa giấy tờ tùy thân, sau đó làm thủ tục nhập viện để bác sĩ cấp cứu kịp thời cho người bị nạn. Chờ công an đến xác minh rồi mới được về nhà”.
Tài xế trẻ ngày đi làm, tối chạy xe cấp cứu...miễn phí
Ở thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương, hơn 1 năm nay, anh Lê Anh Tuấn (22 tuổi, ngụ Bình Dương), ban ngày đi chở hàng, ban đêm sử dụng xe của gia đình cùng thành viên đội SOS hỗ trợ đưa người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện cấp cứu.
Từ 19h đến 3h sáng hôm sau, bất kỳ cuộc gọi nào trong bán kính 5km cần hỗ trợ chở người bị tai nạn giao thông là Tuấn nhanh chóng chạy xe đến hiện trường đưa người bị nạn đi cấp cứu. Hành động kịp thời và được duy trì thường xuyên nên người dân và những người chơi mạng xã hội đều lưu số điện thoại của Tuấn để gọi hỗ trợ khi cần.
Từ đầu năm 2018 đến nay Anh Tuấn cùng với bạn của mình đã đưa khoảng 200 người bị nạn đến viện cấp cứu kịp thời.
Nói về những khó khăn, Tuấn chia sẻ, mới đầu cũng sợ máu, nhưng sau này quen dần hết sợ. Còn những rắc rối khi đưa nạn nhân nhập viện, Tuấn bảo "bác sĩ và bảo vệ bệnh viện giờ đã quen mặt nên tạo điều kiện thuận lợi nhất".
Có những nạn nhân chưa có người thân đến, Tuấn còn tìm mọi cách kết nối để người thân sớm biết đến chăm sóc.
Anh Nguyễn Thanh Hải (34 tuổi, ngụ Bình Dương) nhận định, anh Tuấn và anh Hựu là những người đã vượt qua sợ hãi khi nhìn thấy tai nạn và vượt qua các rào cản rắc rối có thể gặp phải trong quá trình hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn giao thông. Hành động kịp thời của họ đã hạn chế được rủi ro chết người khi xảy ra các vụ tai nạn.