Không quốc tịch, không giấy tờ tùy thân, hàng trăm người dân sống dọc biên giới Việt - Lào chỉ biết bám víu vào cuốn sổ tạm trú. Họ sống cuộc đời cơ cực với con số 0 đúng nghĩa và luôn ước mơ một ngày được công nhận là một người Việt bình thường.
Với tập quán du canh du cư, từ bao đời nay, bà con đồng bào dân tộc thiểu số sống dọc biên giới Việt - Lào đoạn giáp ranh giữa tỉnh Quảng Nam với tỉnh Sê Kông (Lào) không ở yên một chỗ mà cứ di chuyển liên tục. Thấy vùng đất nào màu mỡ, thú rừng nhiều thì họ đến đặt “đại bản doanh” một thời gian, rồi lại đi. Giữa núi rừng bao la, mệnh ai nấy làm, mỗi gia đình chọn cho mình một cát cứ để sinh sống. Người Lào qua Việt Nam, Việt Nam sang Lào phát nương làm rẫy. Xoáy theo vòng luật tục, có hàng chục hộ gia đình nơi đây rơi vào cảnh không quốc tịch, không hộ khẩu, chứng minh nhân dân…
Tình xuyên biên giới
Biên giới Việt - Lào mùa này sáng nắng chiều mưa, từ trung tâm huyện Nam Giang, chúng tôi phải xuất phát thật sớm để vào các bản làng nằm sâu hun hút dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ. Trên con đường mòn uốn lượn, những bản làng biên giới hiện lên thưa thớt trên các ngọn đồi với chỉ lác đác vài nóc nhà, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp những đứa trẻ gầy nhom nhếch nhác, nhìn người lạ với ánh mắt dò xét xen lẫn nỗi sợ hãi vô hình. Địa điểm chúng tôi đặt chân đến là thôn Đắk Ro, xã Đắk Tôi, huyện Nam Giang, nơi đây chỉ đi bộ vài bước chân là đến địa phận của Lào.
Gia đình bà Blúp Lợ có tổng cộng hơn 10 thành viên sống trong căn nhà cũ, là 1 trong 4 hộ dân không có quốc tịch ở Đắk Tôi. Ở cái tuổi 65, gương mặt bà Lợ già nua khắc khổ, bà nói rằng số phận nghèo khó đã đẩy bà và thế hệ con cháu từ chỗ có gốc gác người Việt trở thành người không quốc tịch. Bà kể, năm 1981, gia đình bà sống ở xã Đắk Pree (huyện Nam Giang) thì di cư sang đất Lào sinh sống. Ngày đó, không riêng gia đình bà mà nhiều hộ dân ở đây cũng vậy, mỗi vùng đất họ ở vài ba năm thì di chuyển một lần. Khi đến vùng đất mới, bà con phát rừng đốt cây làm nương rẫy, đến lúc đất bạc màu thì đi tìm vùng khác sinh sống. Cứ thế, gia đình bà Lợ di cư sang đất Lào phát rừng, đốt nương, trồng ngô trồng lúa… lúc nào không hay.
Tại huyện Sê Kông, bà Lợ bén duyên với ông Hiên Thi người Lào. Theo phong tục của dân tộc Tà Riềng, người con trai phải ở rể. Năm 1983, bà Lợ cùng gia đình và chồng quay lại thôn Đắk Ro, xã Đắk Tôi sinh sống cho đến nay. Bà Lợ và ông Hiên Thi sinh được 6 người con nhưng do không có giấy tờ hợp pháp nên họ được coi là những người di cư tự do, kết hôn không giá thú. Từ đó đến nay, cả gia đình bà không được công nhận là người Việt, cũng không có đường trở về Lào bởi chồng bà - ông Hiên Thi - đã mất cách đây vài năm. Gia đình bà Lợ hơn chục mạng người sống ở Đắk Ro với chỉ duy nhất một cuốn sổ đăng ký tạm trú ghi tên cả thế hệ cha mẹ lẫn con cháu. “Cha mình là Um Mơr, có chứng minh dân ở xã Đắk Pree, rứa mà mình không được công nhận. Ở Lào mình cũng không có giấy tờ chi hết, giờ muốn về Lào ở thì chồng đã qua đời, hết đường về rồi”, bà Lợ vừa nói vừa đưa chúng tôi xem chứng minh nhân dân của cha bà với thông tin: “Họ tên: Um Mơr; sinh ngày: 1934; nguyên quán (và nơi thường trú): Đắc Re, Giằng, Quảng Nam, Đà Nẵng” - như để chứng minh gốc gác của mình.

Tương tự, tại thôn Đắk Ro có cặp vợ chồng Zơrâm Cung - Zơrâm Loại (chồng Việt, vợ Lào) cùng 4 người con cũng là những người không quốc tịch. Cuối năm 1994, Cung và Loại gặp nhau ở đất nước bạn Lào, họ đem lòng yêu thương nhau. Ước mơ xây một mái ấm hạnh phúc, đôi uyên ương vượt núi rừng từ đất bạn Lào để về Việt Nam sinh sống và trở thành người không quốc tịch. Để thuận về lý, vợ chồng anh Cung phải bấu víu lấy mảnh giấy tạm trú giống như gia đình bà Lợ.
Ông ALăng Minh - Phó chủ tịch UBND xã Đắk Tôi - cho biết ở xã có 4 trường hợp di cư tự do, kết hôn bất hợp pháp. Họ ở trên đất nước Việt Nam nhưng không được công nhận vì không rõ gốc gác, bậc làm cha làm mẹ đã thế, đến nay con cháu cũng chịu cảnh tượng tự. “Đời sống của 4 hộ dân này rất khó khăn, xã đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý. Có những chương trình, chính sách nhà nước hỗ trợ cho bà con con vùng cao, 4 hộ dân không nằm trong danh sách nên không được hưởng một cái gì cả”, ông Minh cho hay.

Bi kịch nối dài
Thực tế, đúng như lời ông Minh nói, cuộc sống của những người không quốc tịch hết sức khó khăn. Bà Lợ nói rằng, bản thân khổ đã đành, đến nay con cháu bà còn khổ hơn nhiều. Dường như cái vòng luẩn quẩn cứ bám riết gia đình bà, những đứa con của bà lấy vợ lấy chồng đều không được đăng ký kết hôn, con cái sinh ra không được thừa nhận. Con gái bà Lợ tên Un Liếp (26 tuổi), cách đây vài năm đem lòng yêu chàng trai người Gia Lai từ “dưới xuôi lên”. Ngỡ đâu cuộc đời Liếp rẽ sang trang mới tươi sáng hơn nhưng ai ngờ số phận cô cũng bi kịch không kém người mẹ già. Sau khi cùng Liếp sinh được 2 mặt con, thấy cuộc sống quá khốn khổ, người chồng bất nhân một đi không trở lại để mẹ con Liếp sống kiếp vọng phu nơi bản làng hoang vu với những mảng màu tăm tối, không lối thoát. Một mình “gà mái nuôi con”, cô sơn nữ 26 tuổi xanh xao gầy gò mà ai mới gặp lần đầu ngỡ như Liếp đã “băm được vài nhát” qua cuộc đời mình.
Hôm chúng tôi đến, gặp bé Pơloong Sa (8 tuổi, con Un Liếp) với mụn ghẻ đầy người, đứa bé ngứa không chịu được, dùng tay gãi bật cả máu tươi. Pơloong Sa ngồi trong ngôi nhà tềnh toàng, trống huơ trống hoác với ánh mắt vô hồn. Un Liếp cho biết, chị nghe các y tá ở trạm y tế xã nói Sa bị da liễu, chị phải mua hết 100.000 đồng tiền thuốc để bôi cho con nhưng cũng chưa khỏi. “Cán bộ y tế bảo mua thuốc uống, nhưng mình hết tiền rồi. Ở đây, những người như tụi mình không có bảo hiểm y tế vì không có hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân. Tụi mình sống với cuốn sổ tạm trú và lòng thương yêu của mọi người”, giọng Liếp buồn như đôi mắt của những cô gái miền biên viễn. Liếp nói rằng, chuyện người chồng bạc tình bỏ đi không còn làm chị đau đáu nữa. Thay vào đó, lúc nào Un Liếp cũng mong cho mình, cho con được có giấy tờ đầy đủ. Những con người Việt sống trên mảnh đất Nam Giang này không còn muốn phải sống kiếp tạm trú dài hạn một ngày nào nữa.
Cách nhà mẹ con Liếp không xa, nhà của vợ chồng anh Zơrâm Cung - Zơrâm Loại cũng chẳng khá hơn, tài sản đáng giá nhất của đôi vợ chồng này chỉ là mấy bộ quần áo rách. Ngồi dựa lưng vào cửa nhà, Cung nói rằng, 21 năm trước, khi đi theo tiếng gọi tình yêu, anh không nghĩ rằng cuộc sống lại khó khăn như thế. “Ở Đắk Ro có hơn 20 người giống như mình, ngoài cuốn sổ tạm trú ra thì chẳng có gì cả nên cuộc sống rất khó khăn. Chúng tôi muốn có hộ khẩu, chứng minh nhân dân là người Việt để con chúng tôi có giấy khai sinh, được đi học hành và hưởng các chế độ chính sách như bao người dân khác”, Zơrâm Cung nói như van xin.
Hơn 170 hộ di cư tự do
Theo số liệu thống kê ban đầu của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam, đến nay, tại các xã vùng biên ở 3 huyện Tây Giang, Nam Giang và Đông Giang của tỉnh Quảng Nam có hơn 170 hộ với trên 500 khẩu người Lào di cư tự do sang địa bàn tỉnh Quảng Nam và khoảng 50 hộ kết hôn không giá thú giữa người Lào và Việt Nam. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã thành lập tổ công liên ngành phối hợp với tỉnh Sê Kông rà soát, xác minh số người Lào và người Việt di cư tự do, kết hôn không giá thú để trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.