Sống lại lịch sử hào hùng
Hàng chục năm qua, những thuyết minh viên ở Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc hay còn gọi là Nhà tù Phú Quốc đã truyền tải tới du khách rất nhiều câu chuyện cảm động, hào hùng về những chiến sĩ cách mạng kiên trung, đã bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man ở nơi đây.
Qua nhiều năm gắn bó với công việc, những câu chuyện lịch sử đã thuộc nằm lòng nhưng nó không chỉ ghi bằng trí nhớ mà còn được in sâu trong tâm thức của mỗi thuyết minh viên. Từng câu chuyện dù là lớn hay nhỏ, cũ hay mới đều được các thuyết minh viên truyền tải lại một cách trọn vẹn, đầy cảm xúc.
Bà Trần Thị Ngọc Giàu - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP Phú Quốc, Phụ trách bộ phận Di tích Nhà tù Phú Quốc - chia sẻ: Với những người thuyết minh, công việc này là điều rất tự hào vì không chỉ làm cầu nối cho du khách mọi miền đất nước hiểu về nơi này, về lịch sử hào hùng của dân tộc mà người thuyết minh còn đang làm công việc của một người gieo hạt mầm lịch sử trong lòng những thế hệ trẻ hôm nay.
Những thuyết minh viên đều có thâm niên trong nghề, được đào tạo bài bản, có ý thức trách nhiệm và say mê trong công việc. Mỗi ngày 1 thuyết minh viên phải dẫn và thuyết minh cho khoảng 3-5 đoàn khách, mỗi đoàn trung bình hơn 30 phút.
Đến thăm Di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc, qua lời kể của thuyết minh viên, câu chuyện của những người tù bị giam cầm, tra tấn, hi sinh trong chiến tranh dường như sống lại.
Bà Nguyễn Thị Hà - du khách đến từ Hà Nội bộc bạch: “Tôi rất ấn tượng với những gì mình nhìn thấy ở đây, hình ảnh các chiến sĩ bị bắt, tù đày, những chứng tích còn lại, hay những di vật tìm thấy, được sưu tầm ở nhà tù. Xúc động là có nhưng để hiểu sâu về lịch sử, về từng câu chuyện thì phải nhờ có các thuyết minh viên. Tôi thấy không đơn giản là họ thuộc bài và kể mà họ là người kể chuyện có tâm, có nghệ thuật để câu chuyện sống động, có hồn, cuốn hút người nghe”.
Học tập, rèn luyện từng ngày
Để nâng cao chất lượng công tác thuyết minh, đội ngũ thuyết minh viên đã không ngừng tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện phong cách phục vụ. Họ tạo ấn tượng đầu tiên với du khách bằng hình ảnh thân thiện trong tà áo dài truyền thống, chất giọng truyền cảm, ngọt ngào nhưng đôi khi cũng vô cùng rắn rỏi.
Thuyết minh viên Nguyễn Thị Hồng Thoa trải lòng: “Đưa du khách ngược dòng thời gian trở về quá khứ, để cảm nhận và hiểu hơn về địa danh thấm đẫm biết bao máu xương của các chiến sĩ cách mạng kiên trung thì những biểu cảm xúc động của du khách đã nói lên được câu chuyện mà họ nghe đã được truyền tải thành công. Đây chính là nguồn động lực giúp đội ngũ thuyết minh không quản khó khăn, nỗ lực phấn đấu để nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thành trọng trách của mình, kết nối Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc với du khách gần xa”.
Bà Trần Thị Ngọc Giàu cho biết thêm: “Chúng tôi phải học tập rèn luyện thêm mỗi ngày chứ không phải đã thuộc, đã kể lưu loát rồi thì không cần trau dồi. Bởi ngoài những câu chuyện thuộc về lịch sử, chúng tôi còn kết nối với du khách tìm hiểu thêm nhiều câu chuyện liên quan khác, sưu tầm hiện vật, câu chuyện cũ từ những người khách mới để làm phong phú thêm kho tư liệu cho di tích”.
Nhà tù Phú Quốc là nơi giam giữ tù binh cộng sản lớn nhất miền Nam, với hơn 40.000 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, trong đó có hơn 4.000 chiến sĩ kiên trung đã anh dũng hy sinh. Nơi đây là bằng chứng sống ghi dấu tội ác của chế độ thực dân, đế quốc xâm lược; đồng thời nói lên tinh thần bất khuất đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng. Qua dòng chảy của thời gian, các khu nhà giam, tháp canh, lô cốt được giữ nguyên vẹn hoặc tôn tạo lại một phần. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý về cuộc đấu tranh của các tù nhân như chiếc áo, chiếc quần đùi, cái ca, cây muỗng...