Đây là một lực lượng không lớn so với số tù Côn Đảo nói chung có lúc lên đến 10.000 người nhưng là lực lượng khiến kẻ thù phải nể sợ, phải chấp nhận nhiều yêu sách trong các cuộc đấu tranh. Trong số ấy, nhiều chị đã vĩnh viễn nằm lại Côn Đảo...
Nhiều đoàn hành hương về thăm di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo, đều đến thắp hương viếng mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu nhưng cũng ít ai biết; Nghĩa trang Hàng Dương còn có nhiều nấm mộ của nhiều nữ tù hy sinh.
Ra Côn Đảo, tôi đi tìm lại các chị. Năm ấy, bà Nguyễn Thị Ni (Tư Ni) - cựu tù Côn Đảo thuộc số hiếm hoi cán bộ còn sống ngoài Côn Đảo đưa chúng tôi đến khu C - gồm 373 ngôi mộ (có 1 mộ tập thể), trong đó 332 mộ có tên và 41 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ của các liệt sĩ hy sinh từ năm 1960 đến 1975...
Nổi bật cụm mộ khu C là mộ của nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Hoa, còn gọi là Trần Thị Thanh. Chị sinh năm 1943 tại Phước Thạnh (nay là thị trấn Đất Đỏ). Mồ côi cha mẹ từ thủa nhỏ, chị sống với cha mẹ nuôi là ông Lê Văn Tiển và bà Trần Thị Nguyên ở ấp Thanh Bình, Phước Thạnh (nay là khu phố Thanh Bình, thị trấn Đất Đỏ).
Vào những năm 1960, phong trào đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang của quân dân các xã vùng Đất Đỏ nói chung và của Phước Thạnh nói riêng đang phát triển rất mạnh. Do vậy, địch thẳng tay đàn áp, bắt bớ, hà hiếp nhân dân, truy lùng các cơ sở cách mạng.
Với lòng căm thù trước những hành động dã man của kẻ thù. Năm 1963, khi vừa tròn 20 tuổi, chị thoát ly tham gia cách mạng và công tác tại hội phụ nữ Huyện Đất Đỏ. Tổ chức phụ nữ ở xã Phước Thạnh do chị phụ trách ngày càng lớn mạnh. Ngoài nhiệm vụ đấu tranh chính trị, hưởng ứng phong trào diệt ác trừ gian chị còn nhận nhiệm vụ của chi bộ giao diệt tên xã trưởng ác ôn.
Nắm được quy luật vào buổi sáng tên xã trưởng thường có mặt trước chợ Đất Đỏ vào lúc 6 giờ, chị hóa trang người đi chợ, khi tiếp cận được tên xã trưởng, chị tung lựu đạn vào hắn, nhưng lựu đạn không nổ, tên xã trưởng thoát chết. Sau khi hoàn hồn, hắn và bọn lính liền đuổi theo bắt chị. Chúng đánh đập, tra tấn chị dã man, áp giải chị về tiểu khu Bà Rịa. Trên đường chị đã dũng cảm nhảy xuống xe, trong lúc hai tay vẫn đang còn bị trói.
Chị bị bắt trở lại và lần lượt bị đưa đến các nhà tù nhà Tân Hiệp, Chí Hòa và cuối cùng là đày ra Côn Đảo. Tại các nơi này, địch đã dùng đủ mọi cực hình tra tấn nhưng vẫn không khuất phục được chị.
Trước sự đấu tranh kiên cường của chị trong nhà lao, địch thấy có nhiều bất lợi nên đã dùng thuốc độc tiêm vào người chị. Sau những cơn đau quằn quại chị đã trút hơi thở cuối cùng, vĩnh biệt đồng đội và nhân dân vào buổi trưa ngày 30.4.1973 với tuổi đời 30 và đã có 9 năm sống trong các nhà tù.
Bà Tư Ni nói: “Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 28.4.2000, chị Nguyễn Thị Hoa đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Bên cạnh nấm mồ chị Nguyễn Thị Hoa là nơi yên nghỉ của chị Nguyễn Thị Cúc, quê Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Di ảnh người con gái trẻ trung, xinh đẹp, tóc chấm vai làm lòng người rưng rưng. Tấm bia mộ ghi những dòng ngắn gọn về chị nhưng dưới nấm mồ kia là một câu chuyện bi hùng, một chứng tích tội ác của kẻ thù.
Bà Tư Ni với những bước chân khó nhọc đưa tôi thăm mộ chị Trần Thị Xuân. Vẫn là những dòng ngắn gọn trên bia mộ: “Sinh năm 1939; Quê quán: Tuy An, Phú Yên; Hy sinh ngày 16.4.1974”.
Tất cả chỉ có thế nhưng sự cô đọng ấy gợi lên trong lòng người thế hệ sau câu hỏi sâu thẳm đời người. Cơ duyên nào một cô gái từ quê hương miền Trung bị bắt, bị đày ra Côn Đảo rồi vĩnh viễn nằm lại ở nghĩa trang Hàng Dương?! Trả lời câu hỏi ấy là nước mắt, nỗi thao thức của những người được sống trong ngày hòa bình...
Bà Tư Ni dừng lại trước bia mộ của nữ liệt sĩ Đặng Thị Sáu, sinh năm 1948, Xã Thanh Tuyền, Dầu Tiếng, Bình Dương; Đơn vị: Biệt động thành; Cấp bậc: Thiếu úy; Bị bắt năm 1969; Hy sinh ngày 2.5 năm 1973 nhằm ngày 30 tháng 3 Âm lịch). Chị hy sinh còn quá trẻ.
Gương mặt xinh đẹp của chị cũng là câu trả lời để lại cho cuộc đời: Khi Tổ quốc cần, người con gái biết hy sinh. Bà Tư Ni kể, Tên trong tù của Sáu còn là Nguyễn Thị Hương, Bé Sáu. Mà cũng thật hiếm hoi khi bia mộ của chị được ghi những thông tin khá đầy đủ. “Trần Thị Tấn Sinh năm: 1917; Quê quán: Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế; Hy sinh ngày 29.6.1972”.
Tấm mộ bia ấy nói gì?! Tôi suy ngẫm. Chắc chắn là nhà tù Côn Đảo giam cầm cả những người phụ nữ lớn tuổi. Khi chị hy sinh, chồng, con; và những người thân chị ở đâu? Tổ chức cách mạng nơi chị công tác cho đến giờ có còn ai biết chị? Trong dòng người đổ về Côn Đảo, còn có ai đi tìm để giải đáp ẩn số một câu chuyện bi hùng đang bị vùi lấp bởi lớp bụi thời gian.
Bà Ni dừng trước mộ liệt sĩ Trình Thị Thanh. Câu chuyện về người nữ liệt sĩ dấn thân cho đất nước đong đầy nước mắt.
Bà Ni cho biết, chị Trình Thị Thanh sinh năm 1947, quê ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3, hy sinh năm 1973 tại Côn Đảo. Hai người con của chị hiện còn sống: Ông Tô Ngọc Danh (sinh năm 1963), con đầu của liệt sĩ Trình Thị Thanh đang sinh sống tại xã Xuân Phước. Người con thứ hai là bác sĩ Tô Sơn Hảo (sinh năm 1967), Trưởng trạm Y tế xã Xuân Quang 2.
Ký ức các anh còn in đậm người mẹ phải cắn răng xa hai con còn bé bỏng, bồng đứa con út còn ẵm ngữa trên tay ra đi giữa đêm khuya, trốn tránh sự truy lùng của địch. Chiều hôm sau thì mẹ anh bị bắt... Địch đưa bà Trình Thị Thanh vào đồn cảnh sát. Anh Danh và Hảo đem cơm cho mẹ, nghe tiếng em khóc mà chẳng thấy mẹ đâu. Sau đó, chúng đưa mẹ và em của các anh vào nhà lao Tuy Hòa.
Địch cho bà nội các anh mang đứa em nhỏ về, còn mẹ anh bị đưa đi, bị đày ra Côn Đảo, rồi vĩnh viễn nằm lại nơi nghĩa trang Hàng Dương...
Đứa con nhỏ của bà Trình Thị Thanh thiếu sữa, thiếu hơi ấm tình mẫu tử, chết lúc nhỏ. Một trong hai người con bà là anh Tô Sơn Hảo vượt qua hoàn cảnh nghèo khó, bi thương của gia đình, phấn đấu trở thành một bác sĩ. Hòa bình, hai anh đi tìm mộ mẹ ở Côn Đảo. Tìm được mộ mẹ rồi, hai anh tạc bia mang ra đảo, đặt trước mộ mẹ...
Bà Tư Ni nói ngoài Côn Đảo, mới đây đang tìm được hài cốt một nữ liệt sĩ, đang đợi thử AND xem có phải là chị Nguyễn Thị Bé - người bạn tù của bà... Bà Đặng Hồng Nhựt - cựu tù Côn Đảo sinh thời giải thích thời kỳ đấu tranh của nữ tù rất ác liệt ở chuồng cọp những năm 1969 - 1970 và những ngày sau Hiệp định Paris chống lăn tay, chụp hình tráo án. Sự hà khắc của nhà tù đã dẫn đến nhiều cái chết bi thương của các chị...
Nằm rải rác ở nghĩa trang Côn Đảo còn có những người con gái hy sinh trong nhiều nhiều thời kỳ, có cả những người tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ; những nữ tù kiệt sức sau Hiệp định Paris... Tôi nung nấu một ngày trở lại Côn Đảo tìm hiểu sâu hơn về những nữ liệt sĩ đã nằm lại ngoài Côn Đảo.
Bà Tư Ni sau chiến tranh, được trở về quê hương, tiếp tục công tác nhưng bà đã chọn con đường trở ra Côn Đảo, trong những năm cuộc sống ở đây còn rất khó khăn, để ngày đêm được ra nghĩa trang Hàng Dương thăm đồng đội. Bà nói đó là ước nguyện lớn của cuộc đời và bà hạnh phúc vì đang được sống với ước nguyện đó...