Những ngày làm báo ở Miền Tây trong tôi là...

Mai Hương |

Ngày còn nhỏ, tôi chỉ được biết đến miền Tây qua tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Tôi vẫn còn nhớ những hình ảnh về cuộc sống người dân từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang - Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau. Cho đến khi trưởng thành, có cơ hội làm báo tại nơi đây, tôi mới hiểu và yêu nơi này nhiều hơn…

Làm báo ở Miền Tây

Trước ngày cầm quyết định luân chuyển công tác vào ĐBSCL, tôi đã rất háo hức và mong chờ về chuyến đi công tác lần này của mình. Dù là lần thứ 2 nhưng sự rạo rực, vui mừng trong tôi vẫn vẹn nguyên như lần đầu. Cũng giống như chuyến luân chuyển công tác vào miền Trung - Tây Nguyên trước đó, trong tôi xen lẫn với sự háo hức là những lắng lo về hành trình mới.

Những ngày đầu ở miền Tây, tôi cố gắng bắt nhịp công việc cùng mọi người thật nhanh, tìm tòi đề tài và triển khai cùng anh em đồng nghiệp ở văn phòng. Bởi tôi nghĩ, quãng thời gian ngắn ngủi ở đây sẽ trôi qua nhanh. Vì thế, tôi phải tranh thủ từng ngày, từng giờ để tìm hiểu về vùng đất này. Suy nghĩ này đã khiến tôi quên mất đi những sự lạ lẫm, chênh vênh trong cuộc sống mới ở đây.

Chuyến đi xa đầu tiên của tôi ở ĐBSCL là đến Trà Vinh. Đặt chân đến mảnh đất này, điều tôi ấn tượng là không gian xanh mát toát ra từ những bóng cây ven đường, trong đó, có rất nhiều cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Một khung cảnh thật thanh bình, ấm áp…, chen lẫn giữa hiện đại và cổ kính, một sự giao thoa văn hóa tuyệt vời, thú vị… mang đến cho tôi cảm xúc lạ. Điều mà tôi chưa thấy được ở đâu trước đó. Theo sự hướng dẫn của những người anh em đồng nghiệp, tôi tìm đến những ngôi chùa Khmer độc đáo nơi đây, trong đó có chùa Âng và chùa Hang là nơi để lại trong tôi nhiều ấn tượng bởi công trình kiến trúc độc đáo và nét đẹp riêng biệt khó có nơi nào thay thế được. Có thể nói, Trà Vinh là nơi có kho tàng văn hóa đa dạng đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer.

Sau chuyến đi công tác đến Trà Vinh, tôi tiếp tục hành trình của mình đến vùng đất An Giang huyền bí. Nơi hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên và những nét văn hoá độc đáo. Mỗi chuyến đi đều mang lại cho tôi những cảm xúc khác biệt. Với chuyến đi đến An Giang lần này, tôi thực sự xúc động trước sự dễ mến, gần gũi của người dân nơi đây. Tôi tìm đến ngôi làng Chăm Châu Giang. Ban đầu, tôi khá lo ngại vì sẽ vô ý phạm phải những điều cấm kỵ nơi đây và người dân sẽ dè chừng, xa cách. Thế nhưng, mọi chuyện trái ngược so với những gì tôi tưởng tượng, tôi được người dân trong làng đón tiếp nồng hậu, ngay cả trẻ con trong làng cũng ríu rít cười nói chào đón tôi. Hoàng hôn buông xuống, tiếng chuông thánh đường vang lên, bên kia sông, người dân qua phà trở về nhà sau 1 ngày dài làm việc, làng Chăm hiền hoà nghiêng mình soi bóng nước Cửu Long. Những hình ảnh này như níu kéo bước chân tôi.

Cốt cách Tây Đô

Tôi còn nhớ, ngày đầu tiên đặt chân đến, các anh chị Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL đã nói với tôi rằng, nếu như người miền Bắc giữ nếp sống văn hoá chuẩn mực, người miền Trung kiên cường, mạnh mẽ thì người miền Tây hiền hoà, bình dị. Bởi người miền Tây được đất trời thiên nhiên ưu đãi ban cho những cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rào, rừng rậm bạt ngàn trù phú… vì thế nên, cuộc sống của họ yên ả qua ngày, họ sống bằng tình cảm và sự chân thật.

Quả đúng là như vậy, ngay sau khi đặt chân đến cơ quan, người đầu tiên tôi gặp là anh Trường Nhân - Phụ trách Văn phòng đại diện tại ĐBSCL, một người đàn ông miền Tây chính gốc. Người anh cao, gầy, nước da bánh mật đã nhuốm màu sương gió vì nghề báo, ấy vậy mà nụ cười vẫn hiền từ và lắm duyên! Anh hỏi thăm tôi, cũng độ hơn 30 phút, chủ yếu là về chuyến bay dài đêm qua, tình hình sức khỏe, công việc và nhất là thời tiết. Tôi ngây thơ trả lời theo đúng thực tế: “Thời tiết trong này khó chịu thật anh ạ, em không quen!”, anh khựng khựng, ậm ừ: “Nóng nóng, oi oi thì mới là miền Tây chứ! Em ở đây một thời gian, quen cái nắng hanh này, về Hà Nội là nhớ cho xem”.

Mà cũng chẳng biết còn nhớ hay không nhưng sao ở đây mới được 3 hôm, được trò chuyện và tâm sự cùng mọi người, tôi đã thấy lòng trĩu nặng. Không phải tôi lạ nước, lạ cái cũng chẳng phải đất Tây Đô không chan hòa mà là người miền Tây lành quá, họ thiện lành và chân quê. Nét riêng của họ, chất riêng của họ khiến tôi cảm thấy ấm lòng và dễ chịu, sống đơn giản, không lo toan. Để rồi mấy hôm đi cùng các em phóng viên trẻ đào tạo ăn uống trò chuyện, đứa nào cũng chi chí nói đam mê cái nghề làm báo. Nghề cực khổ mà vất vả, lại đối diện với nhiều hiểm nguy nhưng sâu trong đôi mắt mấy em vẫn long lanh sức sống lắm…

Trong những câu chuyện kể lại ở nơi đây, một nhân vật khiến tôi xúc động và nuối tiếc nhất là chú Lê Thanh Nguyên. Ngày tôi vào, chú vừa qua đời chưa được bao lâu. Vậy là tôi chỉ còn được biết về chú qua những câu chuyện kể. Thế nhưng, chỉ từng ấy lời kể, cũng đủ khiến tôi nghĩ về chú bằng tất cả sự thành kính và trân trọng. Mọi người nói, có hai điều mà chú Lê Thanh Nguyên yêu say mê, đó là vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long và nghề báo.

Chú đọc báo hằng ngày, phát hiện đề tài, viết báo hoặc hướng dẫn cho phóng viên trẻ như khi chú còn là Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ những ai từng được làm việc với chú mới hiểu được sự tận tình của chú, sự nghiêm túc của chú với nghề báo như thế nào.

Theo lời kể của chú Phấn Đấu, một nhà báo kỳ cựu của Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL, người từng có nhiều năm làm việc cùng chú Lê Thanh Nguyên, chú Phấn Đấu thường nghe chú Lê Thanh Nguyên kể say sưa về những bài báo viết vội giữa 2 trận đánh trên chiến trường K ác liệt (gửi Báo Quân khu 9, giai đoạn 1978 - 1981). Rồi những ngày làm Tờ tin Thanh Niên cho Tỉnh đoàn Hậu Giang sau khi chú Lê Thanh Nguyên xuất ngũ trở về quê nhà.

Trong câu chuyện kể của chú Phấn Đấu, chú Lê Thanh Nguyên nhớ như in những năm đầu thành lập Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL với bao khó khăn, khi thì “ở nhờ” bên Công đoàn, lúc lại thuê nhà ở số 2/1 Nguyễn Trãi. Chú Phấn Đấu trầm ngâm nói: “Anh Lê Thanh Nguyên là người đổ nhiều công sức để Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL có được cơ ngơi khang trang tại “làng báo” như hiện nay”.

Miền Tây trong mắt tôi… rất gần

Làm báo cũng được 6 năm. Quãng thời thời không phải dài nhưng cũng không ngắn để tôi trải nghiệm nhiều vùng đất mới. Thế nhưng, quả thực, phải đến miền Tây, tiếp xúc với người làm báo tại miền Tây, tôi mới hiểu sự gần gũi, chân phương của họ. Thời gian đầu vào Cần Thơ, đi làm việc cùng đồng nghiệp báo khác, nhìn cách họ giao tiếp, tác nghiệp, sao đơn giản và chất phác. Anh, chị em đồng nghiệp gặp nhau, không kể thân thiết hay lạ lẫm, ngồi một chút là có thể nói đủ thứ chuyện trên trời, “hợp gơ” hơn thì có thể làm thân tự lúc nào không hay. Giờ thì tôi hiểu hình ảnh người miền Tây dễ gần và mộc mạc trong thước phim “Đất rừng phương Nam”.

“Bằng lòng đi em anh đón qua cầu

Mùa mưa, cầu tre dẫu khó

đưa dâu

Bằng lòng đi em dưới mái

tranh nghèo

Về đây người quê chỉ có tấm lòng”

Câu hát “Ngẫu hứng lý qua cầu” của nhạc sĩ Trần Tiến luôn văng vẳng bên tai tôi, 4 câu hát gói gọn bằng tình yêu thương đậm đà của một chàng trai dành cho cô gái. Và một cô gái phương Bắc đến từ Hà Nội như tôi đã nhận được cả một “vựa” tình thương của người miền Tây.

Mai Hương
TIN LIÊN QUAN

Những món ăn đặc sắc của người Hoa ở Chợ Lớn, TPHCM

Phạm Công Luận |

Ẩm thực Hoa là thế giới đa dạng, đậm đà bản sắc từng dân tộc trong cộng đồng người Hoa sống tại Việt Nam. Đã vậy, qua hàng trăm năm ở đây, các món ăn cũng đã có điều chỉnh, gia giảm trong cách chế biến để thích nghi với nguồn nguyên liệu nhiệt đới có sẵn, chiều chuộng khẩu vị của khách…

Người dân chen chân trong siêu thị ngày cận Tết mua hàng giảm giá, bình ổn

THUỲ TRANG |

Đà Nẵng - Với nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá, các siêu thị đang thu hút lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm Tết.

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Đức nêu điểm mạnh của tân Bộ trưởng Quốc phòng

Ngọc Vân |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết kinh nghiệm dày dặn và “trái tim nhân hậu” của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khiến ông trở thành người phù hợp cho vai trò này.

Công việc thời vụ kiếm tiền triệu/ngày cận Tết

ANH THƯ |

Cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng lên. Kéo theo đó, nhiều công việc thời vụ nở rộ, người lao động có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.