1994: Dự án khu đô thị ven sông Hồng được phía nhà đầu tư Singapore lựa chọn xây dựng trên mảnh đất ngoài đê ở khu vực An Dương.
2000: Nghị quyết số 15/NQTW tháng 12.2000 của Bộ Chính trị đã có nội dung: “Sớm nghiên cứu việc chỉnh trị sông Hồng và quy hoạch khai thác hai bên sông”
2006: Hà Nội nhận được sự giúp đỡ của Hàn Quốc trong việc lập quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng.
2007: Dự án thành phố hai bên sông Hồng chính thức được giới thiệu đến công chúng Thủ đô với tổng mức đầu tư 7 tỉ USD
2011: Quyết định 1259 của Thủ tướng xác định: Khu vực hai bên Sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô.
2012: Hà Nội ban hành Quyết định số 4770/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉ lệ 1/5000 Phân khu đô thị sông Hồng.
2013: Luật Thủ đô 2013 đã có nội dung đề cập đến tạo lập không gian cảnh quan hai bên sông Hồng.
2015: TP.Hà Nội phê duyệt Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội: Đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.
2016: Hà Nội đã có ý định quy hoạch lại khu đất khổng lồ dọc 2 bên bờ sông Hồng. Cụ thể, UBND TP.Hà Nội yêu cầu sở, ngành liên quan, UBND quận Tây Hồ và Ba Đình thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến việc triển khai dự án Trấn Sông Hồng (Song Hong City)
2017: TP.Hà Nội giao Sở Quy hoạch & Kiến trúc (QH&KT) là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các thông tin liên quan phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập đồ án Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.
2020: Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội thông báo: Quy hoạch sông Hồng cũng đã được ký đồ án sơ bộ, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để gửi lên UBND thành phố xem xét, ký gửi xin ý kiến Bộ NNPTNT.
2021: Thường trực thành uỷ Hà Nội thống nhất các định hướng lớn vào Quy hoạch phân khu sông Hồng.
Hà Nội sẽ có 18 cây cầu bắc qua sông Hồng
Quy mô nghiên cứu khoảng 11.000ha, nằm trọn trong khu vực đô thị trung tâm, giới hạn bởi hai đầu tuyến Vành đai 4 từ cầu Hồng Hà (nối hai huyện Đan Phượng - Mê Linh) đến cầu Mễ Sở (nối hai huyện Thường Tín, Hà Nội - Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Phân khu này dài khoảng 40km, chiếm khoảng 30% chiều dài sông qua Hà Nội, đi qua địa bàn 13 quận, huyện; 55 phường, xã.
Đoạn sông Hồng qua Hà Nội sẽ có 18 cây cầu. 8 cây cầu hiện có là: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì. 10 cây cầu sẽ triển khai trong tương lai là: Cầu Mễ sở, cầu Hồng Hà, cầu Thăng Long mới, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, cầu Vân Phúc.