Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông tính riêng những ngày đầu tháng 12, số lượng xử lý vi phạm nồng độ cồn vẫn ở mức cao nhất.
Trong đó, ngày 6.12, cả nước xử lý 1.835 trường hợp. Ngày 5.12, cả nước có 1.712 trường hợp, ngày 4.12 là 1.905 trường hợp, ngày 3.12 là 1.715 trường hợp, ngày 2.12 là 2.273 trường hợp và ngày 1.12, là 1.414 trường hợp.
Còn tính từ đầu năm đến tháng 11 năm 2023, cả nước đã xử lý 696.264 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm 23% so với tổng số vi phạm trật tự an toàn giao thông, tức là trung bình 1 ngày xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, xảy ra 222 vụ TNGT nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, làm chết 99 người, bị thương 168 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 77 vụ (-25,8%), giảm 99 người chết (-50%), giảm 49 người bị thương (-22,6%).
Chia sẻ với báo giới kết quả sau xử lý vi phạm nồng độ cồn, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền Điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm.
Quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Thực tế, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.
Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định này trên trong thực tế.