Cõng vaccine vượt núi
Nếu như ở vùng đồng bằng hay những khu vực có đường xá đi lại thuận tiện, theo lịch hàng tháng, các phụ huynh sẽ tự đưa con em đến các điểm y tế để tiêm chủng.
Thế nhưng ở xã biên giới Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La - nơi có những bản Mông cách trung tâm xã đến 40km, mỗi mũi vaccine đến với người dân là rất nhiều nỗ lực của các cán bộ y tế nơi đây.
5h sáng, khi sương mù còn phủ kín những bản làng lưng chừng núi, một thùng phích bảo quản vaccine, chiếc balo với nhiều loại vật tư y tế, cùng những túi bánh kẹo làm quà cho trẻ được buộc gọn gàng trên chiếc xe số - đó là hành trang lên đường đi tiêm chủng và thăm khám lưu động của các y, bác sĩ Trạm y tế xã Mường Và.

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ vượt qua quãng đường gần 40km, với toàn bộ là đường đất cùng những con dốc dựng đứng, các y, bác sĩ đã có mặt tại bản Phá Thóng - điểm bản xa nhất tính từ trung tâm xã Mường Và.
Sau quãng đường gian nan giữa lưng chừng đại ngàn Tây Bắc, lên đến nơi, thùng vaccine đã không còn nguyên vẹn, một số lọ đã mất nhãn, xô lệch lung tung. Cả người và xe cũng đã lấm lem bùn đất.
Lau giọt mồ hôi sau quãng đường dài, bác sĩ Nguyễn Thị Giáng Hương chia sẻ: "Trước đây, do đường xá đi lại khó khăn nên 3 tháng, cán bộ Trạm y tế xã mới lên tiêm cho bà con một lần. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, nhận thấy rằng làm như vậy không hiệu quả nên cứ mỗi tháng, vào ngày 17 hoặc 18, các cán bộ sẽ chia nhau đến 5 bản vùng cao tiêm chủng cho người dân".

Nói về những vất vả khi "cõng" vaccine ngược núi, theo vị bác sĩ này, đồng bào ở 5 bản vùng cao của xã Mường Và 100% là người dân tộc Mông, nhận thức vẫn còn nhiều hạn chế. Đôi khi không vận động được người dân đến điểm tiêm chủng, cán bộ y tế phải mang vaccine đến tận nhà hoặc tận lán nương để tiêm cho trẻ.
"Nhiều người sợ tiêm xong con sẽ sốt nên biết ngày mình chuẩn bị lên là họ cho con đi lên nương sớm lắm. Chúng tôi phải đi thật sớm, xuất phát từ 5h, 6h tới nơi may ra mới gặp được.
Ở các bản đó cũng không có hiệu thuốc, nên mỗi lần lên, cán bộ y tế phải mang theo cả thuốc hạ sốt. Khi tiêm xong sẽ phát cho người dân và hướng dẫn họ cách dùng. Phải làm thế để lần sau họ còn đưa con đến tiêm" - bác sĩ Hương kể.

Tận tâm với người dân vùng cao
Chị Thào Thị Dợ (bản Phá Thóng, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp) chia sẻ: "Nếu các bác sĩ không lên, mình lại phải đưa con đi mấy chục cây số để được tiêm, vất vả lắm. Giờ các cháu được tiêm ngay tại bản, không phải đi xa nữa. Tiêm xong còn được phát thuốc, nếu sốt còn có cái dùng".
Trao đổi với PV, ông Lường Văn Xuân - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp cho biết: "Sốp Cộp là một huyện vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Toàn huyện có 8 xã thì có đến 5 xã vùng biên, đường đi lại vất vả".

Theo ông Xuân, kể từ khi thực hiện chương trình tổ chức tiêm lưu động, đến từng bản, gõ cửa từng nhà, tỉ lệ bao phủ vaccine ở huyện Sốp Cộp nay đã đạt 95%.
"Không chỉ tiêm vaccine cho trẻ mà cả phụ nữ mang thai, tiêm phòng COVID - 19, khám, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi cũng được cán bộ Trạm Y tế triển khai theo hình thức lưu động. Nhờ đó, sức khoẻ bà con vùng biên được chăm sóc tốt hơn" - ông Xuân nói thêm.
Khó khăn, vất vả vượt đồi, leo núi, có những ngày đi tiêm về quần áo bẩn hết vì trời mưa trơn trượt, xe hỏng phải tự bỏ tiền túi ra sửa, nhưng những cán bộ y tế vùng cao Sơn La vẫn miệt mài, đều đặn "cõng" vaccine lên núi, chỉ với một ý niệm duy nhất là cố gắng, nỗ lực chăm sóc sức khoẻ cho bà con.