Nhớ phở

QUỲNH CHI |

Buổi sáng thiên thần ngày Hà Nội gần trở lại sau lệnh giãn cách, người người hẹn nhau đi ăn phở…

“Ngày toàn dân ăn phở”

Ngày 23.4 – thời hạn Hà Nội cơ bản được nới giãn cách, ngoại trừ một số huyện còn diện nguy cơ cao trong dịch COVID-19 – nhiều người gọi vui là “ngày toàn dân ăn phở”. Trước đó, từ nửa đêm 22.4, bạn tôi post ảnh bát phở bắp bò với vài cọng hành, lát ớt tươi, tỏi ngâm,... lên facebook, hỏi: "Sáng mai, chúng mình đi ăn phở nhé các bạn ơi?".

Trong vô vàn kế hoạch của "việc làm đầu tiên sau dịch", cùng với cắt tóc, hẹn hò, mua sắm, ăn hàng cho "bõ tức",... rất nhiều người quyết định chọn đi ăn phở. Hàng chục “địa chỉ đỏ” được nêu tên: Thìn ở Bờ hồ, Thìn ở Lò Đúc, phở Bát Đàn, Thịnh ở Tôn Đức Thắng, 10 Lý Quốc Sư, phở Sướng... Thậm chí, người ta hẹn nhau ở một quán vỉa hè thân quen, với câu nhắn không thể ngắn gọn hơn: “Chỗ cũ!”.

Sao người ta lại thèm phở đúng một ngày nên thèm: Sau nhiều chục ngày hàng quán Hà Nội đóng cửa, hôm nay mở trở lại, gió se se, trời âm u mưa, chút rét mướt luồn trong những cơn gió cuối xuân,...

Từ sáng sớm, nhiều bạn bè tôi đã khởi động ngày mới bằng việc tìm đến quán phở thân quen, để rồi nhiều người mất vài tiếng lượn phố phường mà cảm thán: “Hôm nay khai màn, rất ít quán mở lại”. Với số ít quán đã mở, vì lý do khoảng cách của giãn cách, và vì cơn - thèm - tập - thể, gần như phải xếp hàng chờ ăn. Có quán sáng mở, hơn 9h đã không còn phở bán.

Quán phở mở sáng ngày Hà Nội gần như hết giãn cách.
Quán phở mở sáng ngày Hà Nội gần như hết giãn cách. Ảnh: Hải Nguyễn

Càng về trưa, càng nhiều quán phở mở cửa. Có quán phở nức tiếng phố Đinh Tiên Hoàng khách đến “đòi ăn” từ sớm, chưa làm kịp đành hẹn đến trưa. Có quán chưa có nhân viên, cũng chưa kịp chuẩn bị nguồn nguyên liệu, vẫn cố gắng mở lấy ngày, đón khách. Đôi bên chiều lòng nhau – cả người bán kẻ mua đều vui như tết.

Bà Lý – chủ quán phở ở đường Chiến Thắng (quận Hà Đông) cười hồ hởi: “Hôm qua ngóng ra ngóng vào, chẳng biết có được mở cửa bán lại hay không. Tôi chốt mua số nguyên liệu bằng một phần tư hồi trước dịch, chính quyền cho bán thì bán, chẳng cho bán thì mình xử lý ăn dần”.

May cho bà Lý, sáng nay do thợ chưa lên, cả chồng, con trai, con dâu, con gái dậy làm hàng. “Túi bụi từ 4h sáng, 7h khách ăn, 9h30 hết hàng. Bình thường tôi bán đến giữa buổi chiều”, bà Lý vừa lau mặt bàn inox, vừa nói. Trong khi bà không ngơi tay, chồng và các con bà tranh thủ nhặt rau, rửa bát, thu dọn bàn ghế. Ông chồng bà Lý – người đàn ông gần 70 tuổi quay sang cáu yêu vợ: “Bảo mai mở không nghe, nhân viên chưa lên bắt chồng già dọn dẹp”.

Khi tôi đang ăn một bát phở lúc gần 1 giờ chiều, tranh thủ lướt facebook, bạn bè tôi quá nửa đăng ảnh đi ăn, và cũng quá nửa trong số đi ăn lại chọn hàng phở. Kỳ lạ thật, cuộc sống giờ đã đủ ăn ấm mặc, thậm chí ăn ngon mặc đẹp, sao người ta vẫn thèm một bát phở nóng nghi ngút khói đến như thế.

Là một niềm vui – chỉ vậy thôi

Sáng nay, bà Mây (cán bộ hưu trí) không nấu ăn sáng cho chồng như suốt tháng qua. “Ông ấy bảo đi tìm quán phở, thích thì đi cùng, không ông ấy vẫn đi một mình”. Thấy trời mưa, bà Mây không đi ăn, ông Trung – chồng bà lấy xe máy đi giải quyết sự thèm thuồng.

“Gần 1 tháng không được ăn phở, thèm vô cùng. Cũng không phải cái thèm đói khát như hồi xưa khổ ăn rách mặc, đối với đội hưu trí chúng tôi, ăn phở rồi cùng bạn bè lang thang uống chén trà nóng, tách cà phê là sung sướng lắm. Nó là một niềm vui – chỉ vậy thôi” – ông Trung nói. May cho ông Trung, cách nhà ông chưa đến 1 cây số, quán phở thân quen đã mở, có đầy đủ nhân viên như hồi chưa cấm bán.

“Gần 1 tháng không được ăn phở, thèm vô cùng“. Ảnh: Hải Nguyễn
“Gần 1 tháng không được ăn phở, thèm vô cùng“. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhiều khi người ta hỏi: “Ăn phở không”, cũng giống câu: “Càphê nhé”. Việc ra quán chọn càphê hay sinh tố, cũng như ăn phở gà hay bò không còn quan trọng. Lắm khi vì một thói quen, vì sự tiện lợi, vì lời hẹn với nhóm bạn bè,… hoặc thậm chí cần 1 lý do gặp nhau, người ta lại rủ đi cà phê hoặc ăn phở. Hà Nội đông đúc, phố phường nhộn nhịp, người với người vẫn chọn được hàng quen quán cũ mà gặp gỡ nhau. Như lời ông Trung, có khi cái “niềm vui” mới là thôi thúc người ta đi tìm phở, chứ sự ăn uống làm no đâu còn cấp thiết trong những tháng năm này.

Sau cách ly lại yêu Hà Nội

22 ngày giãn cách – nhiều người “chém” dài như thế kỷ. Gặp bạn bè – dù trong chừng mực – ai nấy vui vẻ. Cũng vì 1 thế kỷ cách xa, nên cái bát phở ta ăn sáng nay, ăn trưa nay, sao vẫn quán ấy, cái bà béo bán hàng nói nhiều ấy, cậu bé bưng bê lắm khi vô ý chạm cả móng tay vào trong bát,… ta không khó chịu chút nào. Hà Nội bao nhiêu nhớ nhung, bao nhiêu thứ để nhớ nhung, bao nhiêu lý do để nhớ nhung, nhưng có thêm phở, lại càng đáng nhớ nhung hơn, càng yêu hơn.

Thôi, có lẽ không cần nói về lai lịch phở, kiểu nó không phải do người Kinh Kỳ sáng tạo nên, gốc gác là nơi khác, cách nấu hồi xưa cũng khác,… Chỉ cần biết, với Hà Nội, với bao nhiêu người, phở len lỏi thành 1 phần của đời sống. Sáng không nghĩ ra ăn gì – ăn phở; trưa mệt không muốn ăn – phở cho dễ nuốt; mệt ngại đồ khô – phở ít bánh nhiều hành,… Những  biến tấu dễ thương, những gia vị, phụ gia, đồ ăn kèm mà Hà Nội trang trí thêm, bày biện thêm cho phở sao mà nhuần nhuyễn, hợp lý đến vô cùng.

Chiều nay Hà Nội có gấp ba số quán phở mở lại rồi phải không các anh em. Ngày mai, có lẽ số quán mở lại tiếp tục tăng theo cấp số nhân. Và đầu tuần tới thôi, ta có thể chạy ra bất cứ hàng phở nào ta muốn. Thành phố gần chục triệu dân với không biết bao nhiêu là quán phở, ta lại tha hồ với tái, nạm, bắp, gầu,… đê mê muôn thuở.

Gà luộc thơm ngon  để làm phở trên phố Nam Đồng (Hà Nội)
Gà luộc thơm ngon để làm phở trên phố Nam Đồng (Hà Nội)

Đêm qua, Hà Nội trở gió. Sáng sớm mưa lạnh lây rây. Kệ. Bao nhiêu sự đỏng đảnh của thời tiết càng làm cho tô phở hợp lý vô cùng. Có khi nào, cái nhớ nhung khi xa mảnh đất này không phải lá đổ, tháp rùa hay những phố thị phồn hoa, mà ở bao nhiêu là tinh hoa ăn uống, bao nhiêu sự quyến rũ của phở Hà Thành. Không phải quán xá hào nhoáng nào đâu, cái cồn cào có đôi khi là một khoảnh khắc hiện lên trong xa xôi trí nhớ: Một chiều lạnh, một sáng sương chưa tan, ta cùng bạn bè ăn bát phở ven đường, chưa kịp ăn miếng đầu tiên, quay sang tay phải: “Cho em 1 trà nóng”, quay sang tay trái: “Đánh cho anh đôi giầy”. Sự tiện nghi, xâu chuỗi của phở và những thứ quanh nó, sao mà giản dị, bình thường nhưng hợp lý đến bất ngờ.

Sáng mai Hà Nội vẫn lạnh, vẫn mưa. Quán phở nào hiện lên trong tâm trí bạn? Hãy đến đi, những phút giây thèm thuồng nhung nhớ sẽ qua nhanh. Và đương nhiên, cái lạnh quý giá này chẳng còn bao ngày nữa…

QUỲNH CHI
TIN LIÊN QUAN

“Cho bát phở gà đùi” sau gần 1 tháng giãn cách xã hội

Hải Nguyễn |

Sau gần 1 tháng thực hiện lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, sáng 23.4 một số dịch vụ thiết yếu như ăn uống đã được phép mở cửa bán hàng trở lại.

Người dân Hà Nội "mỏi mắt" tìm quán phở sau nới lỏng cách ly

HOÀI ANH - TẠ QUANG |

Sáng 23.4, sau 22 ngày cách ly xã hội, người Hà Nội khó lắm mới có thể tìm được một quán phở mở hàng. Hầu hết chủ cửa hàng đều cho biết do thời gian quá gấp nên không kịp chuẩn bị nguyên liệu để hôm nay mở bán.

Bát phở Hà Nội và món khoai tây của Đoàn Văn Hậu

ĐĂNG HUỲNH |

Hà Nội dường như đã không còn đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc tiếp tục để Đoàn Văn Hậu xuất ngoại, còn hậu vệ này thì vẫn muốn được ở lại trời Âu.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

“Cho bát phở gà đùi” sau gần 1 tháng giãn cách xã hội

Hải Nguyễn |

Sau gần 1 tháng thực hiện lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, sáng 23.4 một số dịch vụ thiết yếu như ăn uống đã được phép mở cửa bán hàng trở lại.

Người dân Hà Nội "mỏi mắt" tìm quán phở sau nới lỏng cách ly

HOÀI ANH - TẠ QUANG |

Sáng 23.4, sau 22 ngày cách ly xã hội, người Hà Nội khó lắm mới có thể tìm được một quán phở mở hàng. Hầu hết chủ cửa hàng đều cho biết do thời gian quá gấp nên không kịp chuẩn bị nguyên liệu để hôm nay mở bán.

Bát phở Hà Nội và món khoai tây của Đoàn Văn Hậu

ĐĂNG HUỲNH |

Hà Nội dường như đã không còn đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc tiếp tục để Đoàn Văn Hậu xuất ngoại, còn hậu vệ này thì vẫn muốn được ở lại trời Âu.