Nhớ một con tàu…

Nguyễn Trung Hiếu |

Có thể không còn nhớ tên, nhưng trong ký ức, không hiếm người sống, hoặc từng làm việc ở Đà Nẵng vẫn nghĩ về con tàu ấy với lòng biết ơn vô hạn. Con tàu trắng mang biểu tượng Hồng Thập Tự thả neo trên cảng sông Hàn những năm 1967 đến 1972 mang tên Helgoland. Nó không đơn thuần là biểu trưng của lòng nhân ái, mà còn là con tàu mang đến niềm hy vọng hòa bình cho người dân Đà Nẵng trong những ngày khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất nước nhà.

Gửi đến niềm hy vọng

Trên một tờ báo Đức năm 1967, đăng bài phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ Y khoa Heimfried-Christoph Nonnemann. Bài phỏng vấn lập tức gây sự chú ý trong dư luận thế giới lúc bấy giờ, vì nó miêu tả thực tế khủng khiếp những gì đang xảy ra trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, với sự góp mặt tích cực của quân lực Hoa Kỳ, mà Christoph Nonnemann gián tiếp tham gia với tư cách Bác sĩ trưởng con tàu mang tên Helgoland do Hồng Thập tự Đức phái đến Sài Gòn, Đà Nẵng từ năm 1966.

Đó là những năm 60 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ leo thang bằng hàng loạt nước đồng minh của Mỹ đưa quân tiếp chiến vào Miền Nam Việt Nam. Thay vì những đoàn quân viễn chinh, chính phủ Đức chỉ nhận trợ giúp về mặt nhân đạo. Hội Hồng Thập Tự Đức cùng các tổ chức thiện nguyện, trong đó có tổ chức Malteser Hilfsdienst khẩn cấp tìm một con tàu, hoán cải thành loại tàu y tế, để trợ giúp nạn nhân của cuộc chiến.

Và con tàu du lịch mang tên Helgoland, được đóng và hạ thủy vào năm 1963, từng dùng để vận chuyển khách du lịch hạng sang từ thành phố cảng Cuxhaven, miền Bắc nước Đức, đến quần đảo Helgoland được chọn. Tàu dài 92 mét, được hoán cải để chứa 150 giường điều trị, 3 phòng phẫu thuật. Tất cả được sắp xếp dọc thân và trang bị một phòng xét nghiệm y khoa với các y cụ hiện đại.

Những bệnh nhân được cứu chữa trên tàu phần lớn là trẻ em và nạn nhân chiến tranh. Ảnh: TL
Những bệnh nhân được cứu chữa trên tàu phần lớn là trẻ em và nạn nhân chiến tranh. Ảnh: TL
Năm 1967, tàu Helgoland được giữ nguyên tên, cùng với 10 bác sĩ và 30 y tá bắt đầu chuyến hải trình hơn 10 ngàn hải lý trên biển, cập bến Sài Gòn, bắt đầu công cuộc trợ giúp y tế. Tàu sơn màu trắng, có chữ thập đỏ, nên trong một số tài liệu gọi nó là con tàu hy vọng. Bác sĩ trưởng con tàu, ông Christoph Nonnemann kể trong bài phỏng vấn: Chúng tôi đã biến chiếc tàu 3 ngàn tấn, trở thành một bệnh viện nổi, đáp ứng đủ những yêu cầu cao về chất lượng của một bệnh viện. Và chỉ trong vòng hơn sáu tháng có mặt ở đây (Sài Gòn), y bác sĩ trên tàu đã chữa trị 13 ngàn lượt cho 4.200 bệnh nhân, điều trị nằm lại cho 850 người bệnh và đã thực hiện 450 ca mổ. Trong đó nhóm bệnh lớn thứ nhì là do bom, đạn, mìn... Trong khu vực phẫu thuật dành cho nam giới có khoảng 75% là những người bị thương vì chiến tranh, ở bên phía phụ nữ là hơn 50%.

Đặc biệt, con tàu y tế Helgoland không nhận chữa trị cho binh lính của bất kỳ bên nào. Tuy vậy con số 75% bệnh nhân nam giới bị thương tích do bom đạn, gây ra sự "khó hiểu" cho chính quyền Cộng Hòa lúc bấy giờ và đầu năm 1967, Helgoland được khuyến cáo, rời Sài Gòn về Đà Nẵng. Tàu chính thức thả neo trên sông Hàn, trước cơ quan trạm tiếp sóng Truyền hình (bây giờ là Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng) trong sự mừng vui của người dân Đà Nẵng.

Chúng tôi không hỏi họ từ đâu đến

Sự có mặt của Helgoland tại Đà Nẵng dấy lên một niềm hy vọng mới. Lúc bấy giờ Thị trưởng Đà Nẵng là ông Nguyễn Ngọc Khôi đã huy động nhiều thành phần từ học sinh đến kiêu binh đến đón chào con tàu. Là có cái lý của nó vì bấy giờ Đà Nẵng, tuy là đô thị lớn thứ nhì Miền Nam, nhưng chỉ có một cơ sở y tế nghèo nàn được thành lập từ trước năm 1945, với tên ban đầu là Hospital de Danang. Cơ sở đặt tại đường Hùng Vương (nay là Trường Đại học Kỹ thuật Y tế). Mãi đến năm 1965, bệnh viện mới được chuyển về vị trí hiện nay với tên Hospital Indigène de Danang (BV Giải phẫu Đà Nẵng).

Tiến sĩ Heimfried-Christoph Nonnemann nhớ lại: Các bác sĩ và y tá đã không chuẩn bị trước tinh thần để đối mặt với những điều khủng khiếp đang chờ đợi họ. Lần đầu tiên điều trị cho những người dân bị thương do bom đạn, các nhân viên y tế CHLB Đức đã sốc. Một y tá nói: "Chúng tôi chỉ biết khóc". Các nhân viên y tế giúp đỡ tất cả mọi người dân mà không hề thắc mắc họ đến từ đâu. Ông nói: "Chúng tôi chưa bao giờ hỏi họ đến từ miền Bắc hay miền Nam Việt Nam". Từ quan điểm này, sau khi về Đức năm 1972, ông viết cuốn sách có tựa đề "Chúng tôi không hỏi họ từ đâu đến". Cuốn sách sau này được chuyển ngữ sang tiếng Việt, được coi là một tư liệu quý cho lịch sử chiến tranh Việt Nam. Helgoland được Công ước Geneve bảo hộ, nó được coi như "vùng đất phi chiến sự hoặc trung lập nghiêm ngặt". Nhờ "đặc quyền" này, tàu Helgoland tiếp nhận tất cả các bệnh nhân đưa, chuyển đến bằng nhiều phương tiện tại Đà Nẵng hoặc các vùng ven, không phân biệt tuổi tác, gốc tích xuất thân. Vì lẽ này chiếc tàu cũng gặp khá nhiều sự "khó khăn" từ phía chính quyền lúc bấy giờ.

Anh Nguyễn Văn Quý (55 tuổi) kể: Năm lên 7, cha tôi bị bắt giam ở Ty Gia Long, vì gia đình có "cảm tình với cộng sản". Mẹ một nách nuôi 6 người con "củ khoai, củ mì", ngày ngày phải nhận đồ trận của lính Mỹ về giặt ủi, không đủ thời gian để chăm sóc thấu đáo cho tất cả. Tôi tự do lêu lổng chạy chơi khắp thành phố và con tàu Helgoland là điểm tụ tập của trẻ con xứ Nại Hiên. Hiếm có ngày nào, tôi vắng mặt và luôn nhận những cái vẫy tay thân thiện hoặc đồ chơi từ những người áo trắng trên tàu. Không ngờ, có một ngày tôi lại được lên tàu, trên chiếc băng ca trong một đêm mưa, khi chiếc xe của người cảnh sát đâm thẳng vào do băng qua đường bất ngờ. Dù là con của một gia đình "tù chính trị" bị chính quyền kỳ thị, nhưng các y bác sĩ đã đón nhận ngay lập tức, đưa tôi vào phòng giải phẫu. Không có một sự khác biệt nào trong cách ứng xử, chăm sóc. Năm ngày trên tàu là chuỗi thời gian để lại ấn tượng sâu đậm của tình thương yêu con người, từ người lương y Đức trong tôi cho đến tận bây giờ.

Những bệnh nhân được cứu chữa trên tàu phần lớn là trẻ em và nạn nhân chiến tranh. Ảnh: TL
Những bệnh nhân được cứu chữa trên tàu phần lớn là trẻ em và nạn nhân chiến tranh. Ảnh: TL
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân, công tác trong ngành y, sống ở Đà Nẵng. Bao năm qua, chị đau đáu một khao khát về thông tin con tàu Helgoland. Với lòng biết ơn vô hạn, chị kể: "Mẹ tôi là Nguyễn Thị Hồi, sinh tôi ra trong một trường hợp đặc biệt . Năm 1970, khi tôi còn là một bào thai, các bác sĩ Bệnh viện giải phẫu Đà Nẵng đều khuyên cha mẹ tôi "bỏ" cháu vì thai nước (cách gọi lúc bấy giờ) để giữ sức khỏe cho người mẹ. Với gia đình tôi, tin đó như một tiếng sét ngang mày, vì tôi là niềm khao khát bao nhiêu năm của cha mẹ. Khi mẹ tôi nén nỗi đau, gật đầu với quyết định của bệnh viện thì thật kỳ diệu, đó là lúc những "cô tiên" của tàu hạm đội Đức (cách gọi tàu Helgoland của người dân Đà Nẵng lúc bấy giờ) xuất hiện. Bác sĩ Minh Dung, BV Đà Nẵng yêu cầu đưa nhanh mẹ cùng tôi về tàu để điều trị và dưỡng thai. Suốt 4 tháng, các y bác sĩ người Đức trên tàu đã chăm sóc tận tình cả hai mẹ con và tôi đã góp mặt với cuộc đời cho đến hôm nay. Ơn của các y bác sĩ tàu Helgoland là ơn sinh thành! Suốt mấy mươi năm qua, câu chuyện về con tàu Helgoland được mẹ tôi kể đi, kể lại. "Và có lẽ hình ảnh con tàu nhân ái, đã hiện hữu luôn trong tâm trí nên sau khi tốt nghiệp trung học, chị chọn ngành y làm sự nghiệp; kể cả chồng chị hiện cũng là một bác sĩ được nhiều người biết đến ở Đà Nẵng.

Sứ mệnh của Helgoland kết thúc năm 1972, sau khi tổ chức Hồng Thập Tự cùng các tổ chức thiện nguyện Đức xây dựng và nâng cấp cho Đà Nẵng một bệnh viện hiện đại 1 ngàn giường. Con tàu yên ả trở lại với công năng cũ, tiếp tục làm phà chở du khách qua biển. Dù thời gian đã qua gần một đời người, nhưng hình ảnh con tàu y tế Đức vẫn thân thuộc và sống mãi trong ký ức người Đà Nẵng. Trong 6 năm thả neo ở Việt Nam, các y bác sĩ Hội Hồng Thập Tự và các tổ chức thiện nguyện Đức cùng Helgoland đã cứu sống, điều trị cho hơn 11.000 người dân Việt Nam. Người Đà Nẵng vẫn gọi nó với cái tên: "Con tàu màu trắng chở đầy hy vọng". Cho đến ngày nay, các thành viên cũ của đội tàu Helgoland vẫn tiếp tục sứ mạng, điều hành một tổ chức nhân đạo giúp đỡ trẻ em Việt Nam.

Nguyễn Trung Hiếu
TIN LIÊN QUAN

Princess Cruises tăng 40% tour du thuyền đẳng cấp đến Việt Nam

T.TH |

Ngày 16.1.2018, hãng tàu du lịch Princess Cruises công bố sẽ tăng số lượng các chuyến hải trình tàu nghỉ dưỡng lên hơn 40% vào năm 2018 so với năm 2017, nhằm phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng bằng du thuyền ngày càng tăng tại Việt Nam.

Lãnh đạo Quảng Ninh đón và tặng hoa đoàn du khách quốc tế đầu tiên “xông” vịnh Hạ Long

Nguyễn Hùng |

Sáng nay (1.1.2018) – ngày đầu tiên của năm 2018, tại cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu, ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – đã chào đón và tặng hoa cho những vị khách quốc tế đầu tiên thăm vịnh Hạ Long trong năm mới 2018.

Đà Nẵng: Thêm 3 doanh nghiệp được đóng mới tàu du lịch trên sông Hàn

THUỲ TRANG |

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký văn bản cho phép thêm 3 doanh nghiệp đóng mới tàu du lịch trên sông Hàn.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Princess Cruises tăng 40% tour du thuyền đẳng cấp đến Việt Nam

T.TH |

Ngày 16.1.2018, hãng tàu du lịch Princess Cruises công bố sẽ tăng số lượng các chuyến hải trình tàu nghỉ dưỡng lên hơn 40% vào năm 2018 so với năm 2017, nhằm phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng bằng du thuyền ngày càng tăng tại Việt Nam.

Lãnh đạo Quảng Ninh đón và tặng hoa đoàn du khách quốc tế đầu tiên “xông” vịnh Hạ Long

Nguyễn Hùng |

Sáng nay (1.1.2018) – ngày đầu tiên của năm 2018, tại cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu, ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – đã chào đón và tặng hoa cho những vị khách quốc tế đầu tiên thăm vịnh Hạ Long trong năm mới 2018.

Đà Nẵng: Thêm 3 doanh nghiệp được đóng mới tàu du lịch trên sông Hàn

THUỲ TRANG |

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký văn bản cho phép thêm 3 doanh nghiệp đóng mới tàu du lịch trên sông Hàn.