Những chiếc phao biến mất không ai biết
Những chiếc phao cứu sinh được treo trên các cây cầu tại Hà Nội là một trong những dự án nhỏ thuộc chuỗi dự án có tên “Tình yêu sông Hồng” của anh Nguyễn Ngọc Khánh và những thành viên trong nhóm “Bơi khám phá”. Với mục tiêu nâng cao kiến thức về phòng chống đuối nước và giảm thiểu những tai nạn liên quan đến đuối nước, hành động ý nghĩa này của nhóm đã được nhiều người dân quan tâm và hưởng ứng.
Việc lắp đặt những chiếc phao cứu sinh trên các cầu sẽ giúp những người bị đuối nước có thêm một cơ hội được sống. Bên cạnh đó, những chiếc phao cũng đảm bảo an toàn và tiếp thêm dũng khí để người trên bờ có thể yên tâm xuống nước cứu người. Để có thể dễ dàng tháo ra và thuận tiện cho việc sử dụng, mỗi chiếc phao cứu sinh đều được cố định bằng dây thép. Chỉ cần vặn ngược là có thể sử dụng bất cứ lúc nào.
Thế nhưng chỉ sau một tuần xuất hiện, những chiếc phao đã biến mất trên các cây cầu tại địa bàn Hà Nội. Chia sẻ với phóng viên, anh Khánh (Trưởng nhóm Tình yêu sông Hồng) cho hay, tại mỗi cây cầu, nhóm treo từ 4 đến 6 chiếc phao.
"Tại cầu Chương Dương, chính tay tôi đã đi treo những chiếc phao nhưng đến giờ đã không còn. Tương tự tại cầu Nhật Tân cũng ghi nhận tình trạng bị mất sạch phao, những cầu khác như Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Thăng Long, Long Biên cũng ghi nhận tình trạng mất phao tương tự", anh Khánh cho hay.
Mặc dù đã lường trước được việc có thể bị mất cắp và mỗi chiếc phao khi treo đều được in dòng chữ “phao cứu người, không lấy”, thế nhưng việc mất cắp xảy ra nhanh hơn dự tính của anh Khánh và nhóm nên anh cũng không khỏi bất ngờ.
“Vì phao đặt ở nơi công cộng, nên với những người đã có ý định lấy thì rất khó có thể cản được”, anh Khánh chia sẻ.
Nhóm đã treo 6 chiếc phao trên cầu Long Biên, đến nay chỉ còn 3 chiếc. Nhiều người dân thường xuyên tập thể dục ở cầu Long Biên cho hay, họ không để ý nên không biết đến sự tồn tại của những chiếc phao này, dù ngày nào cũng đi qua. Với những người biết thì lại không để ý đến số lượng nên cũng không rõ liệu số lượng phao có thay đổi hay không. Do không có sự giám sát của người dân, việc chiếc phao bị mất đi lúc nào cũng không ai hay biết.
Cần sự chung tay của người dân
Sau khi nhận được tin các phao cứu sinh bị lấy trộm, nhóm “Bơi khám phá” đã tiến hành việc thống kê và treo lại. Thế nhưng vì ngân sách của nhóm có hạn, nên nếu tình trạng mất trộm tiếp tục tái diễn, nhóm sẽ không còn đủ tài chính để tiếp tục mua phao cứu sinh.
“Chúng tôi rất lo sợ việc mất cắp sẽ xảy ra. Việc bị mất cắp đã nằm trong tính toán, vì ý thức của mọi người thì không biết được. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tự an ủi với nhau rằng mình treo 100 phao, trong đấy có 1 - 2 cái phao có thể dùng được để cứu người thì đó cũng là hạnh phúc rất lớn rồi. Còn chiếc phao bị mất thì phải chấp nhận thôi, không còn cách nào khác.”, anh Nguyễn Ngọc Khánh chia sẻ.
Anh Khánh dự tính, với mỗi địa điểm treo phao sẽ lắp thêm một biển báo nhỏ để người dân có thể tự ý thức được về ý nghĩa của mỗi chiếc phao. Sau những thông tin phản ánh trên các mạng xã hội, anh cũng hi vọng ý thức của người dân sẽ dần được cải thiện.
“Sắp tới tôi sẽ thêm một số chỉ dẫn, mình lan tỏa nhiều hơn thậm chí đến trẻ con cũng biết thì lâu dần họ sẽ có ý thức.”, anh Nguyễn Ngọc Khánh chia sẻ.
Mỗi chiếc phao cứu sinh chỉ có giá 100.000 đồng/chiếc, nhưng với những người bị đuối nước, đó là thứ cần thiết để cứu sống một mạng người. Với những khu vực hay xảy ra đuối nước như sông Hồng, việc lắp đặt những chiếc phao này là một hành động mang ý nghĩa thiết thực. Hi vọng người dân sẽ nâng cao ý thức, cùng chung tay bảo vệ những chiếc phao cứu sinh như một tài sản chung, không vì cái lợi trước mắt mà tước đi một cơ hội được sống của những người cần đến những chiếc phao này.