Khách hàng tố bị vẽ bệnh "moi" tiền tại Phòng khám Đa khoa Bách Giai
Vào tháng 4.2023, chồng chị Nguyễn Thị Linh trú tại Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) gặp phải một loạt các tình trạng bệnh lý liên quan đến nam khoa, tắc ống tiểu, đi tiểu khó khăn và bị đóng vẩy.
Mang tâm lý e ngại và không muốn chia sẻ với người khác, chồng chị đã tự tìm đến Phòng khám Đa khoa Bách Giai (phòng khám Bách Giai) - địa chỉ tại 815 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Trước khi đến nơi, trao đổi với Phòng khám Bách Giai qua điện thoại, chồng chị Linh được báo giá phí điều trị là 1 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi trực tiếp đến Phòng khám Đa khoa Bách Giai, chi phí được nâng lên 7 triệu đồng. Thấy số tiền vẫn trong khả năng chi trả, chồng chị Linh đã đồng ý sử dụng dịch vụ.
“Trong quá trình chữa bệnh, họ thấy chồng tôi đau đớn quá nên tư vấn về việc cắt bao quy đầu, sẽ giúp giảm đau và chống viêm nhiễm. Ngoài ra, nếu kết hợp thêm một số liệu pháp bằng các máy móc hiện đại thì chắc chắn sẽ không bị đau nữa. Đến đây, chồng tôi buộc phải theo vì cảm thấy quá đau rồi. Và cuối cùng là nhận hóa đơn lên đến 27 triệu đồng”, chị Linh bức xúc kể lại.
Không chỉ nhận hóa đơn với số tiền ngoài sức tưởng tượng, những ngày sau đó, chồng chị Linh bắt đầu nhận thấy tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.
“Những ngày đầu sau phẫu thuật, chồng tôi đau quằn quại, không thể ngủ được, chỉ biết khóc. Cả nhà cố đợi khoảng một tuần xem có đỡ hơn không thì dương vật của chồng tôi bị thâm tím lại, tụ máu và mưng mủ. Ngay lập tức, tôi chuyển anh qua Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để điều trị”, chị Linh chia sẻ.
Bức xúc vì người thân phải chi hàng chục triệu đồng để khám chữa mà bệnh tình không những không thuyên giảm, còn phải nhập viện điều trị, chị Linh đã đến tận Phòng khám Đa khoa Bách Giai để làm rõ mọi vấn đề rồi đăng tải lên mạng xã hội.
Sau khi clip phản ánh về chiêu "vẽ" bệnh của phòng khám này được chị Linh đăng tải công khai trên mạng xã hội, đã có rất nhiều người bình luận tố cáo về các nội dung tương tự trên bài đăng này.
Thậm chí, chị cho biết, nhân viên của Phòng khám Đa khoa Bách Giai đã liên hệ đe dọa "nếu không gỡ bài sẽ báo công an vì làm ảnh hưởng đến uy tín của phòng khám", khiến gia đình vô cùng lo lắng.
Trên các nền tảng số như TikTok và Youtube... các bài đăng về Phòng khám Đa khoa Bách Giai cũng xuất hiện nhiều, đi kèm cụm từ "bóc phốt" hay "lừa đảo". Chủ yếu các bài đăng này tố phía Phòng khám Đa khoa Bách Giai sử dụng đủ loại chiêu trò để vẽ bệnh moi tiền bệnh nhân, khiến người bệnh gặp biến chứng sau khi sử dụng dịch vụ nam khoa.
Quảng cáo sai sự thật về hiệu quả của liệu pháp lọc máu ozone
Không chỉ cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh nam khoa với nhiều tai tiếng, khi có mặt tại Phòng khám Đa khoa Bách Giai tại số 815 đường Giải Phóng, loạt bất thường trong hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở này từng bước được phóng viên báo Lao Động bóc tách.
Trong vai bệnh nhân với những dấu hiệu như suy giảm chức năng sinh lý, sụt cân, có dấu hiệu men gan cao… chúng tôi được các nhân viên phòng khám này tiếp đón nhiệt tình.
Sau khi được yêu cầu nộp 100.000 đồng phí mua sổ khám chữa bệnh (vào tài khoản cá nhân), nhân viên tiếp tục đưa chúng tôi lên tầng khám chuyên khoa gan để gặp bác sĩ tư vấn.
Chưa thăm khám, phóng viên đã được người tự xưng là bác sĩ yêu cầu thực hiện một loạt xét nghiệm về gan, mật, miễn dịch… dù khẳng định bản thân đã khám và thực hiện các xét nghiệm này trước đó không lâu tại một bệnh viện khác.
Nữ bác sĩ tên Hoa cho biết, các kết quả xét nghiệm viêm gan B, C, xơ gan và túi mật cần phải thực hiện lại tại Phòng khám Đa khoa Bách Giai, ngoài ra cần phải xét nghiệm men gan bắt buộc xem có mỡ máu hay không.
Trong quá trình tư vấn, nữ bác sĩ liên tục giới thiệu về dịch vụ lọc máu ozone với hàng loạt tác dụng “thần kỳ” như ngăn ngừa đột quỵ, loại bỏ mỡ máu, tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng, điều trị tiểu đường viêm gan B, viêm gan C…
Theo đó, người bệnh khi thực hiện phương pháp lọc máu dạng này sẽ được hút máu trong cơ thể, sục ozone rồi bơm trở lại, thủ thuật được thực hiện ngay tại Phòng khám Đa khoa Bách Giai.
Mỗi liệu trình có thể kéo dài từ 10 - 20 buổi với giá từ 12 - 15 triệu đồng; Lượng máu hút ra mỗi lần từ 100 - 300ml.
Vị bác sĩ này khẳng định, những người bị tiểu đường, viêm gan B, viêm gan C và mỡ máu sau khi thực hiện lọc máu ozone sẽ khỏi bệnh nhờ đẩy được hết các chất có hại cho cơ thể ra ngoài.
Để thuyết phục bệnh nhân đồng ý sử dụng dịch vụ lọc máu ozone tại Phòng khám Đa khoa Bách Giai, không chỉ bác sĩ, nhân viên của phòng khám này cũng liên tục đưa ra các tư vấn kèm lời khẳng định: “Chỉ cần lọc máu xong, bệnh nhân sẽ hoàn toàn phòng tránh được nguy cơ bị đột quỵ”.
Một nữ nhân viên khẳng định, người trẻ bị đột quỵ rất nhiều, trước đây đã từng chứng kiến có bạn sinh năm 2003 dù tuổi đời rất trẻ nhưng bị đột quỵ liệt mất nửa người. Nhưng với biện pháp lọc máu ozone, mỡ máu sẽ dần bị đào thải và phòng chống được đột quỵ.
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi
Bác sĩ Bùi Quốc Việt - Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết: Dịch vụ lọc máu ngừa đột quỵ hiện không được sử dụng tại các bệnh viện lớn trong nước. Ngoài việc không mang lại hiệu quả cao trong phòng ngừa đột quỵ, phương pháp này còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ biến chứng, người bệnh phải thực sự cân nhắc trước khi sử dụng dịch vụ này.
“Hiện nay, việc lọc máu ngừa đột quỵ đang trở thành xu hướng trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm, phòng khám đẩy mạnh quảng cáo về dịch vụ này. Tuy nhiên, trong các hội đột quỵ trên thế giới chưa có khuyến cáo về việc này. Do đó, tất cả các bệnh nhân, những người có nhu cầu lọc máu cần phải tìm hiểu rất kỹ bởi lợi ích không rõ ràng và chỉ mang lại giá trị nhất thời. Bởi, ngay sau quá trình lọc máu khoảng 2 - 3 ngày, các triệu chứng, chất độc vẫn có thể trở lại như cũ”, Bác sĩ Bùi Quốc Việt nói với Lao Động.