Nhậu từ tối hôm trước, hôm sau vẫn còn nồng độ cồn
Hiện nay, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) các địa phương đang tăng cường các chốt kiểm tra các vi phạm về giao thông, trong đó có xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Ghi nhận của PV Lao Động, trong nhiều ngày qua cho thấy, tại nhiều con đường, tuyến phố của Thủ đô Hà Nội, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn vào cả buổi trưa và buổi tối.
Tại các chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng đã xuất hiện nhiều tình huống, nhiều lời giải thích của các tài xế trong hơi thở có nồng độ cồn nhưng đều bị lực lượng CSGT xử lý nghiêm.
Trên đường lưu thông từ phố Trần Kim Xuyến về phố Chùa Láng, anh Nguyễn Ngọc T. (Láng Thượng, Đống Đa) điều khiển xe SH mang BKS 29K1 818.xx thì bị chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường Trung Kính dừng xe, yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả máy đo báo nồng độ cồn 0,189 mg/l khí thở.
Anh T. phân trần “hôm nay em chưa hề uống rượu, bia, không hiểu sao trong hơi thở vẫn có nồng độ cồn. Sau cuộc nhậu tối hôm qua, em đã đi ngủ và trưa nay ăn trưa bình thường”.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng giải thích, theo kết quả của máy đo, anh T. đã vi phạm nồng độ cồn và sẽ bị xử lý theo quy định.
Tương tự anh T., một trường hợp khác là anh Phùng Tuấn A. (Trung Kính, Yên Hoà) cũng lý giải tương tự, “đã nhậu từ tối hôm trước, hôm nay đi làm bình thường không hiểu sao vẫn còn nồng độ cồn”.
“Tôi chấp nhận xử phạt vì kết quả đo có nồng độ cồn. Tuy nhiên vẫn không hiểu trường hợp này lắm bởi đã nhậu từ hôm trước rồi” - anh A. nói.
Liên quan tới vấn đề này, ngày 21.2, trao đổi với PV Lao Động, đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông - Cục CSGT cho rằng, nồng độ cồn trong cơ thể sẽ được kiểm tra bằng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng CSGT.
Ông Nhật nhận định, thực tế vẫn có những trường hợp nhậu từ hôm trước tới hôm sau thì trong cơ thể vẫn có thể có nồng độ cồn và điều này sẽ được thể hiện kết quả bằng máy đo với kết quả cụ thể. Khi trong cơ thể có nồng độ cồn thì vẫn có thể tác động tới thần kinh của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
“Ở đây không có định lượng cụ thể, có thể có người vẫn có nồng độ cồn trong cơ thể dù đã nhậu từ tối hôm trước bởi việc đào thải lượng cồn còn do thể chất, sức khoẻ của từng cá nhân và kết quả được thể hiện bằng các thông số trên máy đo nồng độ cồn” - đại tá Nhật nói và cho hay, theo quy định của pháp luật là trong cơ thể có nồng độ cồn là có vi phạm.
Theo đại tá Nhật, lực lượng CSGT hiện nay đang sử dụng 2 biện pháp. Một là kiểm tra bằng khí thở qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Hai là kiểm tra bằng xét nghiệm máu, việc kiểm tra này sẽ được thực hiện tại các cơ sở y tế và sẽ áp dụng với một số trường hợp không kiểm tra bằng khí thở.
Tự mua máy đo nồng độ cồn trên mạng có giá trị?
Trước việc có nhiều tài xế tự mua máy đo nồng độ cồn trên mạng để so sánh với máy của CSGT, đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng, tài xế có thể mua thiết bị khác để đối chiếu thì đó là một kênh để tham khảo nhưng không thay thế cho kết quả kiểm tra nồng độ cồn của CSGT.
Ông Nhật khẳng định, thiết bị kiểm tra nồng độ cồn bằng khí thở của lực lượng CSGT đã được quy định tại các Nghị định của Chính phủ về thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong xử lý vi phạm hành chính.
Trong những thiết bị này đã được kiểm định bởi Tổng cục Đo lường chất lượng và đây là những thiết bị tiệm cận với những thiết bị hiện đại của thế giới hiện nay.
“Tôi cho rằng, chẳng có máy nào tốt nhất bằng chính bản thân mình. Khi bản thân mình biết rằng nếu đã sử dụng rượu, bia thì không nên điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Khi bản thân mình mệt mỏi thì mình sẽ sử dụng các phương tiện công cộng. Máy ở trong mỗi con người ý thức đó là máy tốt nhất” - ông Nhật nói.