Không còn gói cước giá rẻ
Giữa tháng 6.2023, VinaPhone thông báo ngừng cung cấp nhiều gói 4G và những gói ưu đãi khủng 60GB, 90GB, 120GB.
Ngoài ra, nhà mạng này cũng bỏ tính năng hạ băng thông của các gói cước và không còn ưu đãi tặng thêm chu kỳ. Thay vì hàng chục các gói ưu đãi không giới hạn data như trước, các gói data của VinaPhone hiện tại đều có dòng chú thích “hết dung lượng dừng truy cập”.
Trong khi đó, Viettel ngừng hơn 300 gói 4G. Những gói cước thuộc danh sách ngừng gồm các gói data và các gói combo không giới hạn dung lượng. Cùng thời điểm, nhà mạng MobiFone cũng thông báo ngừng loạt gói 4G 60GB, 120GB và bỏ tính năng hạ băng thông của nhiều gói cước.
Đến tháng 7, các nhà cung cấp internet lớn như Viettel, FPT, VNPT bắt đầu thu phí dịch vụ lắp đặt - trong khi trước đó, các nhà mạng đều miễn phí lắp đặt và cho người dùng mượn modem.
Cung cấp data tốc độ cao
Thông tin về lý do các nhà mạng đồng loạt siết ưu đãi, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, các gói cước ưu đãi hướng tới việc cạnh tranh phát triển thuê bao mới. Tuy nhiên qua một thời gian triển khai, các gói ưu đãi không thực sự đem lại hiệu quả, đồng thời tồn tại rủi ro lớn phát sinh sim rác. Do đó các doanh nghiệp đã có động thái điều chỉnh.
Về các gói data không giới hạn, mục đích ban đầu là để đem lại cảm giác được sử dụng data không giới hạn, thu hút khách hàng đăng ký sử dụng. Tuy nhiên qua một thời gian triển khai, những gói cước hạ băng thông lại làm khách hàng cảm nhận chất lượng dịch vụ data của nhà mạng ở mức "tồi tệ".
Có khá nhiều khách hàng phàn nàn về chất lượng dịch vụ data của nhà mạng, thế nhưng nhà mạng cho biết, đa phần những phản ánh này là do khách hàng sau khi hết dung lượng sẽ bị “bóp băng thông”, nên chất lượng rất thấp. Việc này thậm chí làm ảnh hưởng tới hình ảnh của doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp viễn thông đã điều chỉnh chính sách này, tập trung vào việc cung cấp data tốc độ cao, nâng cao trải nghiệm của người sử dụng.
“Đây cũng là xu hướng phát triển chung của thế giới khi 70% các nhà mạng trên thế giới đã loại bỏ các gói cước hạ băng thông để chuyển dịch sang mô hình miễn phí data theo dịch vụ, thúc đẩy hợp tác kinh doanh phát triển các dịch vụ nội dung thay vì kinh doanh dịch vụ data thuần túy” - Thứ trưởng Long nói và cho biết thêm, cước viễn thông của Việt Nam thuộc nhóm rẻ nhất thế giới tính theo dung lượng data. Giá cước thấp có thể khiến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gặp khó khi cần tái đầu tư. Và khi các doanh nghiệp không còn tiền để tái đầu tư thì sẽ phải trả giá bằng chất lượng.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ TTTT, đối với nội dung về khuyến mại, hiện các doanh nghiệp viễn thông thực hiện theo quy định của pháp luật về khuyến mại thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương và tuân thủ các quy định về hạn mức khuyến mại, nội dung khuyến mãi, đăng ký thông báo khuyến mại theo đúng quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Cục Viễn thông chỉ đình chỉ giá cước trong trường hợp không đảm bảo giá thành (đối với doanh nghiệp thống lĩnh thị trường) hoặc khi doanh nghiệp viễn thông áp đặt, phá giá giá cước viễn thông gây mất ổn định thị trường viễn thông, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông khác và Nhà nước.
Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ vẫn tiếp tục theo dõi, đánh giá việc tổ chức triển khai của các doanh nghiệp, nắm bắt tình hình biến động của thị trường cũng như ảnh hưởng của việc thay đổi chính sách đến người sử dụng dịch vụ (nếu có) và áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp nếu phát hiện hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, cạnh tranh không lành mạnh.