Cách đây 3 năm, khi làm hồ sơ chuyển cấp cho con trai lớn, cả gia đình chị Trần Thị Khuyên bối rối vì không biết ghi địa chỉ cư trú của con như thế nào.
Chị Khuyên cho hay, năm 2019, cả gia đình chuyển về sinh sống tại Khu đất Khu đất 6,9ha tại xã Vân Canh, Hoài Đức. Thế nhưng, sau gần 5 năm sinh sống tại đây, nhà chị vẫn chưa có số, con phố vẫn chưa có tên.
“Nhà tôi có 2 con (sinh năm 2009 và 2012). Tôi từng phải làm hồ sơ chuyển cấp cho con trai lớn, sắp tới lại làm hồ sơ chuyển cấp cho đứa thứ 2. Lần nào nhà tôi cũng phải loay hoay trong việc ghi địa chỉ nhà trong hồ sơ.
Như năm 2021, tôi phải mở sổ đỏ và ghi số lô đất vào phần địa chỉ cư trú. Sau đó, giáo viên của con gọi điện yêu cầu gia đình kê khai địa chỉ đầy đủ, tôi lại phải giải thích 1 lần nữa là nhà không có số, phố không có tên” - chị Khuyên nói.
Vì không có địa chỉ nhà cụ thể, nên mỗi khi đặt đồ trên mạng, cả 2 vợ chồng chị Khuyên thường đặt giao đến cơ quan để tiện nhận đồ. Trong trường hợp đặt mua những thiết bị điện tử, đồ đạc có kích thước lớn, chị Khuyên lại ghi địa chỉ là UBND xã Vân Canh (cách nhà khoảng 1km) rồi đi xe máy ra để chỉ đường cho người giao hàng.
“Có những khi muốn mời họ hàng, bạn bè đến nhà chơi mà không biết gửi địa chỉ cho mọi người như thế nào để dễ tìm” - chị Khuyên bộc bạch.
Tương tự, ông Nguyễn Sỹ Duyên cũng gặp khó khăn trong kinh doanh, buôn bán khi không có địa chỉ nhà.
Ông Duyên cho biết mình là người đầu tiên chuyển đến sinh sống tại Khu đất 6,9ha vào đầu năm 2019. Đến cuối năm 2020, khu vực này mới có điện và đến 2022 mới làm vỉa hè, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Và đến nay vẫn chưa có nước sạch để sử dụng, chưa có số nhà, tên phố.
Kinh doanh cửa hàng đồ uống, ông Duyên không biết phải quảng cáo cửa hàng của mình như thế nào khi không có địa chỉ cụ thể. Tấm biển hiệu của cửa hàng cũng chỉ vỏn vẹn cái tên mà không có địa chỉ.
“Khách rất khó tìm vào đây vì không có địa chỉ chính xác” – ông Duyên nói.
Tương tự, chị Trần Thị Lan Anh cũng thường phải đi xe máy ra nhận những món hàng mua online.
“Nhiều khi tôi cảm giác như mình đang ở vùng sâu, vùng xa. Rõ ràng đặt hàng, trả tiền giao hàng để người ta vận chuyển đến tận nhà, thế nhưng mình vẫn phải đi xe máy ra lấy đồ, rất tốn công và tốn thời gian” - chị Lan Anh chia sẻ.
Trao đổi với Lao Động, ông Phùng Bá Nhân - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức cho biết, những năm vừa qua, huyện đã triển khai đánh biển số nhà cho khu dân cư hiện trạng trên địa bàn huyện. Những nơi có đủ điều kiện đánh biển số nhà đều được thực hiện đầy đủ.
"Đối với các khu đất dịch vụ, trong 2 năm vừa qua, huyện tổ chức giao cho các hộ dân đủ điều kiện được giao đất dịch vụ trên địa bàn.
Vì chưa tổ chức giao đất dịch vụ xong cho các hộ dân, thêm vào đó, các tuyến đường ngang dọc trong khu đất dịch vụ này cũng chưa được đặt tên. Và khi chưa có phương án đặt tên đường thì chưa thể có phương án đánh biển số nhà" - ông Nhân nói.
Ông Nhân cũng cho hay, hiện nay huyện đang chỉ đạo giao xã Vân Canh phối hợp với phòng Quản lý đô thị lên phương án đánh biển số nhà cho các khu dân cư còn lại trên địa bàn.