Kỳ 1: Đâu rồi hồn cốt đô thị?
Hết cảnh quan xung quanh nhà thờ Đức Bà, đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ đến xưởng tàu Ba Son, Cảng Sài Gòn đều thay đổi, nhường chỗ để mọc lên các công trình mới hiện đại, vô hồn. Mới đây, dư luận dấy lên câu hỏi vì sao nhất thiết phải đập bỏ Dinh Thượng Thơ - tòa nhà có kiến trúc thời Pháp thuộc cách đây 130 năm - để mở rộng UBND TPHCM?
“Trận chiến” giữa di sản và “đất vàng”
Nhiều cuộc tranh luận gay gắt diễn ra trong cộng đồng mạng về việc nên chăng giữ lại di sản kiến trúc chỉ sau Dinh Norodom (Dinh Độc Lập) này và dời trung tâm quản lý hành chính sang quận 2, nơi đang có nhiều đất trống và dành cho các thiết kế hiện đại?
Theo trả lời của Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, tòa nhà Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh mục di tích của ngành văn hóa nên thành phố quyết định không bảo tồn. Nói về phương án di dời trung tâm hành chính ra quận 2, người phát ngôn của UBND TPHCM cho rằng: Khi xây dựng trung tâm hành chính có rất nhiều vấn đề đặt ra, trong đó có công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là vấn đề an ninh. Thêm vào đó, để di dời từ trụ sở làm việc hiện hữu sang một trung tâm hành chính mới phải qua rất nhiều thủ tục không hề đơn giản.
Như vậy, chỉ vì chưa được công nhận là di tích kiến trúc có giá trị mà Dinh Thượng Thơ sẽ phải “biến mất” khỏi TPHCM để “trả lại” không gian cho “đất vàng”. Và cần phải hỏi: Có biết bao di sản gắn bó với Sài Gòn xưa một thời chỉ vì bị chậm chân trong việc xác nhận di tích hoặc không được đánh giá đúng giá trị đã phải ngậm ngùi “bốc hơi” khỏi trung tâm thành phố như thế?
Theo KTS Khương Văn Mười - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - trong trường hợp này, tốt nhất để rộng đường dư luận, TPHCM nên mời một đơn vị thẩm định thuộc Bộ VHTTDL vào để xem xét việc tòa Dinh Thượng Thơ có phải là di tích kiến trúc cần bảo tồn hay không, sau đó công bố rõ ràng, minh bạch để người dân không cảm thấy bức xúc như hiện nay.
Không cần ký ức và bản sắc?
Một trong những lý do khiến các di tích kiến trúc bị coi là “không có giá trị”, không được bảo tồn, chính là vì sự nhìn nhận đánh giá thiên lệch và quá chậm chạp.
Thiên lệch, vì những cụm di tích cách mạng, những “địa chỉ đỏ” thì sẽ được ưu tiên, trong khi di tích kiến trúc Sài Gòn xưa lại bị coi nhẹ. Là bởi người ta chỉ xét từng cá thể kiến trúc riêng biệt mà không đặt trong quần thể kiến trúc hình thành nên lõi trung tâm Sài Gòn xưa với những nét chấm phá đô thị thời Pháp thuộc khá tiêu biểu.
TS-KTS Lê Quang Ninh - nguyên Viện trưởng Viện thiết kế xây dựng TPHCM - là người nhiều năm qua theo đuổi chương trình Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị (từ 1993) đã than thở: “Trong số 108 công trình cảnh quan, kiến trúc cần bảo tồn mà tôi đưa ra, nay chỉ còn lại đâu khoảng 70% mà thôi”. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này còn thấp hơn nữa, do quá trình xây dựng và đô thị hóa ở TPHCM những năm gần đây diễn ra chóng mặt.
Chỉ riêng nói đến căn biệt thự cổ chứ chưa nói đến dinh thự, TPHCM từng thống kê có đến 1.300 căn, tập trung nhiều nhất ở quận 1 và 3, song theo khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc) thì có đến gần nửa biệt thự cổ đã “biến mất”.
“Trong đời tôi, tiếc nhất là không đủ tiếng nói để giữ lại được cây cầu bắc qua Thảo Cầm Viên được sánh ngang với cầu bắc qua sông Seine (Pháp) nhưng vì nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh nên đã phải phá bỏ. Và còn không ít công trình khác ở cụm đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng bị đập để xây mới các tòa cao tầng” - ông Ninh tâm sự.
Còn bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó Giám đốc Sở VHTTDL TPHCM - thì bày tỏ thất vọng về việc đập bỏ Dinh Thượng Thơ, bất chấp mọi lời can gián về một di sản thuộc về lợi ích cộng đồng: “Cứ làm đi và đừng ngạc nhiên khi mai sau, người ta sẽ gọi hành động này bằng những từ ngữ tệ hại nhất”.
Nhiều nhà nghiên cứu Sài Gòn xưa cho rằng TPHCM từng là cả một cụm di tích lịch sử dày đặc mà nếu giữ lại được sẽ tạo nên hồn cốt của một thành Gia Định xưa. Tuy nhiên, theo thời gian các cụm di tích nổi tiếng của Sài Gòn từ từ bị “bức tử”. Thử hình dung, một đô thị không có di sản là đô thị không có ký ức, “mất trí nhớ”, không bản sắc thì sẽ không thu hút được du khách nước ngoài và dĩ nhiên đô thị đó không thể phát triển bền vững.