Ngày 10.1, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tại thị trấn Nông trường Mộc Châu và xã Tân Lập, 2 địa điểm này có nhiệt độ được coi là thấp nhất của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, tại đây nhiệt độ ngoài trời khoảng 2 - 4 độ C.
Để ứng phó với đợt rét này, tại các tuyến phố, tuyến đường người đi xe máy đều mặc những chiếc áo phao dày, găng tay, áo mưa để giữ ấm cơ thể, các cửa hàng tạp hóa hay các hộ dân đều phải đốt củi để sưởi ấm. Người lớn, trẻ nhỏ quây quần bên bếp lửa là những hình ảnh “quen thuộc” ở nơi đây.
Ngoài ra, người dân tại đây còn quan tâm chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi bằng cách che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn cho gia súc. Dựng nhà lưới để chống băng tuyết, sương muối và mưa đá để giảm thiểu thiệt hại.

Ông Chúng cho biết: “Năm nào cũng vậy cứ vào mùa đầu mùa rét gia đình tôi chủ động gia cố và dùng bạt che kín chuồng trại, không thả trâu bò ngoài nương, trên rừng nữa. Ngoài ra chúng tôi được hướng dẫn tiêm phòng cho vật nuôi nên yên tâm hơn”.

Bên cạnh việc chủ động phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, người dân còn chủ động hơn trong việc ứng phó với “thời tiết cực đoan” cho cây trồng, nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới để che, phủ cho cây ăn quả tránh băng giá, sương muối.
Bà Tráng Thị Sai (63 tuổi) người dân xã Tân Lập cho biết: “Tôi trồng hơn 2.000 m2 mận, mùa rét năm trước do ảnh hưởng của sương muối nên năng suất giảm. Mùa rét năm nay gia đình tôi đầu tư 40 triệu đồng làm nhà lưới để phòng, chống băng giá, sương muối và chống mưa đá vào mùa mưa”.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Xã Tân Lập là xã đặc thù được bao quanh bởi các ngọn núi nên có nền nhiệt độ rất thấp. Để chủ động trong phòng chống rét cho đàn gia súc, ngay từ đầu mùa rét UBND xã đã tuyên truyền, vận động bà con chủ động dự trữ thức ăn trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò".
Theo ông Thào, trên địa bàn hiện có hơn 3.000 con trâu, bò, trước đây bà con hay thả trâu, bò trong rừng nên không chủ động được việc phòng chống rét, dẫn đến trâu, bò bị chết gây thiệt hại về kinh tế. Qua tuyên truyền, vận động bà con đã nâng cao được nhận thức, vào mùa rét đã tự chủ động che chắn cho chuồng gia súc.

“Ngoài ra, để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho băng giá, sương muốn trong đợt rét nhiều hộ gia đình đã đầu tư xây dựng nhà lưới, phủ lưới để che, phủ cây ăn quả tránh thiệt hại do băng giá, sương muối gây ra” – ông Thào cho biết thêm.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Trước khi vào đợt rét đậm, rét hại UBND huyện Mộc Châu đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp chống đói, rét cho đàn vật nuôi như trồng cỏ voi, ngô ủ ướp, che chắn chuồng trại, tiêm phòng…”.
“Đợt rét năm nay, nhiệt độ có giảm sâu cũng đã xảy ra hiện tượng sương muối và băng giá tuy nhiên không gây ảnh hưởng nhiều đến rau màu cũng như vật nuôi của bà con. Hơn nữa, việc chủ động phòng, chống rét luôn được thông tin liên tục trên nhiều kênh từ trung ương đến địa phương nên người dân đã có ý thức chủ động hơn trong phòng, chống rét cho cây trồng vật nuôi” - ông Thành cho biết.
Việc chủ động trong phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi sẽ hạn chế thấp nhất các thiệt hại do tác động của thời tiết gây ra, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.