Từ đầu tháng 6 đến nay, những cơn mưa lớn xuất hiện diện rộng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang không chỉ giúp giải nhiệt sau những ngày nắng nóng mà còn cải thiện tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, lượng nước trong các kênh nội đồng đã được bổ sung.
Theo kết quả đo mặn của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, từ ngày 20.5 đến nay, tại một số điểm chính trên địa bàn TP Vị Thanh, độ mặn phổ biến từ 0,2 - 1‰. Riêng ngày 22.5, tại Kênh Lầu, độ mặn cao nhất là 2,8‰. Ngày 30.5 tại các điểm chính là dưới 1‰.
Tình hình hạn mặn cải thiện, lượng nước ở các sông được bổ sung không chỉ khiến nông dân hối hả gieo sạ vụ mùa mới mà người trồng lục bình cũng phấn khởi vì diện tích lục bình nuôi được cứu.
Cách đây 1 tháng, bà Nguyễn Thị Mỹ An (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đội nắng hơn 10 giờ liền để cắt lục bình vì nước sông nhiễm mặn khiến lục bình chết dần.
“Thời điểm đó, hạn mặn cộng với nắng nóng kéo dài, 3 công đất nuôi lục bình héo lá, thối rễ. Vợ chồng tôi dậy từ 5h sáng để tranh thủ cắt lục bình chạy mặn. Cắt sớm nên lục bình nhẹ cân, về phơi gốc cũng bị đen, thân không đẹp bán giá thấp, lỗ khoảng 1,5 triệu đồng” - bà An kể lại.
Sau khi những cơn mưa lớn xuất hiện, độ mặn của các sông giảm xuống, bà An phấn khởi tiếp tục canh tác, nuôi trồng lục bình để phát triển kinh tế gia đình.
“Mưa xuống, lục bình cũng tươi tốt trở lại. Nhà tôi nuôi lục bình đã 4 năm qua. Nhờ việc nuôi rồi cắt phơi khô, mỗi tháng tôi cũng được 3,5 triệu đồng để mua gạo” - bà An cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Nghiệm (thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cũng phấn khởi vì diện tích nuôi lục bình phát triển tốt, thu hoạch bán giá cao.
“Lúc mới trồng lại hạn mặn vẫn còn, tôi cứ ngỡ mấy công lục bình sẽ héo rụi hết mà may là mưa xuống kịp thời. Giờ lục bình cũng thu hoạch được nên mừng lắm, duy trì tốt thế này thu hoạch cũng được hơn chục triệu đồng” - ông Nghiệm nói.