Theo ghi nhận của Lao Động sáng 23.1, nhà ga Nhổn được mở cửa đón khách, người dân được mục sở thị đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội. Khách tham quan tuyến đường sắt đô thị phải đăng ký trước và mang theo giấy tờ tùy thân để đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch COVID-19.
Tại khu vực này, người dân sẽ được tham quan thiết kế, các tiện ích của nhà ga S1 – Nhổn, nội thất, trang thiết bị của đoàn tàu đầu tiên của Metro Nhổn - ga Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện thông tin công khai đến người dân về kỹ thuật, công nghệ, tiến độ của dự án.
Tại nhà ga trên, khách tham quan đã được hướng dẫn lên tầng ke ga để tham quan thiết kế, nội thất đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị. Kết thúc chuyến tham quan, chủ đầu tư cũng thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của người dân góp ý cho việc thực hiện dự án.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Quang Hùng (50 tuổi, trú tại Phú Đô, Nam Từ Liêm) cho biết: "Biết tin mở cửa cho người dân tham quan đoàn tàu đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, tôi đã phải nhờ con trai đăng ký trực tuyến từ 2 ngày trước. Sáng nay tôi đã phải đến từ 8h để xếp hàng, chờ được vào trong tham quan".
Ông Hùng cho biết, việc được tham quan khiến ông rất phấn khích khi được tận tay chạm vào con tàu được thiết kế mới nhất theo tiêu chuẩn châu Âu, sản xuất tại Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên ông được đi lên đoàn tàu rất hiện đại. Khi nào hệ thống đường sắt được hoàn thiện, đưa vào khai thác thương mại thì ông sẽ cùng với gia đình đi thử để trải nghiệm.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), tháng 10.2020, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đón đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Trải qua giai đoạn thử nghiệm tĩnh tại Depot, ngày 22.1 đoàn tàu chính thức lăn bánh để bước đến giai đoạn thử nghiệm liên động.
Đoàn tàu sử dụng sức kéo điện, dòng điện một chiều 750VDC cấp điện bằng ray thứ ba. Khác với dạng cấp điện bằng đường dây trên cao treo bởi hệ thống cột/tháp dọc đường ray hoặc gắn với các kết cấu đường sắt khác, cấp điện bằng ray thứ 3 đem lại cả tính hiệu quả và mỹ quan cho đô thị. Tàu sẽ lấy điện từ ray thứ 3 bằng một thanh truyền gọi là "chân tiếp xúc" để có thể lăn bánh.
Đoàn tàu được thiết kế mới nhất theo tiêu chuẩn châu Âu, sản xuất bởi công ty Alstom tại Pháp với thân tàu bằng hợp kim nhôm có trọng lượng nhẹ, tuổi thọ cao và được nghiên cứu để phù hợp với nhu cầu của người Việt. Tàu được sơn ba màu xanh lá mạ, hồng đỏ và trắng với biểu tượng Khuê Văn Các tạo nên một dấu ấn riêng của Hà Nội.
Cấu hình mỗi đoàn tàu gồm 4 toa (2 toa động cơ có cabin, 1 toa động cơ và 1 toa kéo theo) có khả năng chuyên chở 944-1.124 người/đoàn tàu, với mật độ khoảng 6,6-8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 37km/h, tốc độ thiết kế 80km/h.