Đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn
Là huyện vùng cao, biên giới khó khăn của tỉnh Điện Biên, Nâm Pồ có địa hình đồi núi chia cắt với nhiều sông suối hiểm trở, hạ tầng giao thông thấp kém. Mỗi mùa mưa đến, người dân lại phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ đe dọa đến tính mạng và tài sản.
Năm nào cũng vậy, chỉ sau một vài trận mưa lớn là ngầm Nậm Đích lại bị cuốn trôi. Đây là công trình ngầm tạm bắc qua suối Nậm Đích để nhân dân đi lại qua các xã Chà Cang – Nậm Tin và trung tâm huyện Nậm Pồ.
Thế nhưng mỗi khi mưa lũ cuốn trôi hoặc làm công trình ngầm hư hỏng, người dân vẫn phải tìm mọi cách để qua suối bằng cầu tạm hoặc đi bè tự chế, bất chấp hiểm nguy vì nếu đi đường vòng thì sẽ xa hơn khoảng 30km.
Theo thống kê của UBND huyện Nậm Pồ, vào mùa mưa lũ, hầu hết các tuyến đường đều phải đối mặt với nguy cơ bị sạt lở ta tuy, mất đường, mất cầu tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ .
Bên cạnh đó thì huyện Nậm Pồ cũng luôn phải đối diện với nguy cơ sạt lở đất từ các triền núi. Ngày 25.5 vừa qua, tại bản Huổi Đáp xã Nậm Tin cũng đã ghi nhận một vết nứt với chiều dài hơn 200m, sâu 1m tạo thành cung sạt trượt đe dọa tới tính mạng, tài sản của 27 hộ dân.
Chính quyền lo lắng, người dân thấp thỏm
Trong nhiều năm gần đây, huyện Nậm Pồ liên tiếp ghi nhận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và đã phải di dời nhiều hộ dân đến nơi an toàn. Thiên tai cũng đã làm hư hỏng nhiều công trình trường học, thủy lợi, giao thông. Những con số thiệt hại có xu hướng gia tăng qua từng năm.
Trước đó, vào tháng 8.2020, mưa lũ cũng đã làm 4 ngôi nhà của người dân ở xã Nậm Nhừ, 1 nhà công vụ của Trường Tiểu học gồm 4 phòng và 8 giường bị cuốn trôi hoàn toàn cùng với nhiều tài sản. 128 hộ dân ở bản Nậm Nhừ 1 cũng bị cô lập hoàn toàn, công trình Ngầm Nà Khoa có chiều dài 70m với 5 cửa thoát nước và mặt đập bằng bê tông, cốt thép cũng bị cuốn trôi.
Hiện nay, tại khu vực trung tâm huyện Nậm Pồ cũng có nhiều cơ quan, đơn vị và gần 100 hộ dân đang sinh sống ở khu vực ven suối tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, đe dọa an toàn nhiều cơ quan công sở, nhà dân.
Trước tình hình diễn biến khó lường của thời tiết, huyện Nậm Bồ đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp luôn ứng trực 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả và cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó yêu cầu rà soát các vùng nguy cơ mất an toàn để di dời nhân dân.
Ông Hạng Nhè Ly - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, cho biết, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo tất cả các xã ở trên địa bàn rà soát các điểm xung yếu, có nguy cơ lũ ống, lũ quét để có phương án đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, huyện cũng xác định việc đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ là yếu tố quan trọng để ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra.
"Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các đơn vị lên phương án cụ thể xác định rõ những địa điểm, khu vực thường xảy ra sự cố để bố trí máy móc, phương tiện thường xuyên ứng trực" - Ông Ly cho biết thêm.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, việc triển khai ứng phó với thiên tai trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, thiếu kinh phí nên việc cứu trợ và xử lý các tình huống gặp nhiều trở ngại.