Tại phiên họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội với các địa phương chiều 13.2, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu 10.000 tổ giám sát cộng đồng nắm chắc nhân khẩu, yêu cầu khai báo y tế để rõ lịch trình và tình hình sức khỏe.
"Khi người dân ở các địa phương trở lại Hà Nội, ai cũng phải khai báo y tế để nắm chắc lịch trình, sức khỏe" - ông Dũng yêu cầu.
Về việc người dân trở lại Hà Nội sau Tết phải khai báo y tế, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, quy định trên để kiểm soát rõ nơi đến và nơi đi của người dân trong dịp Tết trước khi trở lại Hà Nội. Mặc dù dịch bệnh ở Hà Nội đã được kiểm soát tuy nhiên trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, không để lây lan.
Theo ông Hạnh, việc người dân trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được chia thành 2 loại. Với trường hợp thứ nhất là những người chỉ về quê ăn Tết, quê không phải là vùng dịch, không tiếp xúc với các trường hợp liên quan đến các ca bệnh thì chỉ cần khai báo y tế qua mạng, qua phần mềm Bluzone. Ngoài ra, những trường hợp này nếu cẩn thận hơn thì có thể đến trạm y tế phường/xã để khai báo y tế.
Với trường hợp thứ 2 là những người đã về vùng có dịch, nơi có các ca mắc COVID-19 thì phải chấp hành nghiêm việc khai báo y tế cho địa phương, nơi sinh sống tại Hà Nội, cụ thể là Trạm y tế phường/xã. Bởi theo ông Hạnh, hiện nay ở các tổ dân phố, dân cư đều có tổ giám sát cộng đồng. Lực lượng này cần nắm chắc nhân khẩu, yêu cầu khai báo y tế để rõ lịch trình và tình hình sức khỏe.
Cũng theo ông Hạnh, với những người đi về từ vùng dịch mà trốn khai báo y tế, gây hậu quả lây truyền, lây nhiễm dịch bệnh sẽ bị xử lý theo quy định của Thành phố.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội chiều 13.2 cho biết, tổng số người về từ Chí Linh, Hải Dương từ ngày 1.1 và người về các khu vực ổ dịch tại Quảng Ninh từ ngày 5.1 là 18.151 người. Tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm và có 4 trường hợp dương tính (BN1694, BN1814, BN1815, BN1819), còn lại âm tính.
Ngày 5.2, Sở Tư pháp Hà Nội đã công bố mức xử phạt đối với 15 hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19, trong đó mức phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù tối đa đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Người không đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng; không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc bị phạt tiền tối đa đến 3 triệu đồng.
Người nào che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh COVID-19 của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh COVID-19 bị phạt tối đa 20 triệu đồng.
Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch COVID-19 bị phạt tiền tối đa đến 30 triệu đồng.
Người nào không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch COVID-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. (Mức phạt tù tối đa đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm)...