Vòng xoay Điện Biên Phủ là điểm giao cắt của hai tuyến đường lớn - Điện Biên Phủ và Nguyễn Bỉnh Khiêm, kết nối giao thông giữa cửa ngõ phía Đông với trung tâm TPHCM.
Vòng xoay được xây dựng tại đây từ nhiều năm trước, đường kính khoảng 60m, đang trồng nhiều cây xanh. Giữa vòng xoay có tháp đồng hồ 4 mặt, cao khoảng 16m, được xem là biểu tượng ở nút giao này. Hiện, khu vực không có đèn tín hiệu giao thông mà cho xe chạy theo vòng xoay để quay đầu, vào đường xung quanh.
Khu vực xung quanh vòng xoay cũng có nhiều tuyến đường khác như Hoàng Sa, hẻm Điện Biên Phủ...
Chính bởi vị trí đặc biệt nên tại giờ cao điểm, khu vực này thường xảy ra ùn ứ.
Hằng ngày, cứ 7h30, anh Quốc Hưng - nhân viên một trường đại học trên đường Điện Biên Phủ lại quay đầu xe tại vòng xoay này để đến trường.
"Với tôi, vòng xoay Điện Biên Phủ như một biểu tượng đẹp. Dù thiết kế không quá đặc biệt nhưng khung cảnh đó lại mang đến cho tôi một cảm giác mát lành, một nét rất riêng biệt. Dù đôi lúc có ùn ứ nhưng nếu bỏ đi thì tôi thấy tiếc lắm", anh Hưng cho biết.
Theo anh Hưng, tự bản thân vòng xoay đã có thể điều tiết giao thông rồi. Trong trường hợp cần đặt thêm đèn tín hiệu giao thông thì có thể đặt đèn ở các đầu đường, không cần phải phá bỏ vòng xoay.
Còn ông Hữu Đạo (Phường 3, quận Bình Thạnh) - cán bộ cảnh sát giao thông về hưu - ngày nào cũng đi bộ đến khu vực này. Theo ông, vòng xoay vốn là biểu tượng đẹp của con đường nên cần cẩn trọng khi đề xuất dỡ bỏ.
Ông Đạo cho rằng việc ùn ứ này cần được giải quyết tận gốc bởi việc điều tiết luồng đường đi.
"Vòng xoay này hay bị ùn xe vì đường Nguyễn Bỉnh Khiêm khá nhỏ và đi một đoạn ngắn thì lại có ngay đèn giao thông, trong khi lượng xe vào nhiều. Cùng với đó, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn đông đúc cũng xuất phát từ việc ngăn tuyến Nguyễn Bỉnh Khiêm giao Nguyễn Thị Minh Khai thành đường một chiều nên đường đã nhỏ và đông xe lại càng thêm đông. Vì thế, bỏ vòng xoay mà không điều tiết lại các điểm trên thì chưa hẳn đã xử lý được tắc đường", ông Đạo nói.
Anh Minh Quân (TP.Thủ Đức) cũng thường xuyên di chuyển trên tuyến đường Điện Biên Phủ cảnh báo việc bỏ vòng xoay không chỉ dẫn đến mất mỹ quan mà có thể còn ùn ứ nghiêm trọng hơn.
Anh Quân phân tích, về nguyên lý giao thông gồm các cấp cơ bản là khi đèn tín hiệu không xử lý được ách tắc giao thông thì sẽ nâng cấp lên vòng xoay. Nếu có vòng xoay vẫn không xử lý được nữa sẽ cần nâng cấp lên giao thông khác mức là cầu vượt hay hầm chui.
"Không ai nâng cấp ngược từ vòng xoay xuống ngã tư cả; cùng lắm là kết hợp vòng xoay và đèn tín hiệu nhưng giải pháp cũng không hiệu quả bằng cầu vượt. Hãy nhìn bài học về vòng xoay tại khu Chợ Bến Thành. Khi bỏ vòng xoay di chuyển thành ngã tư méo mó không đẹp và cũng không giải quyết được ùn tắc giờ cao điểm", anh Quân nói.
Trước đó, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TPHCM có văn bản gửi đến Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải) và Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) kiến nghị khắc phục bất cập tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố.
Đơn vị đề xuất tổ chức giao thông theo đèn tín hiệu, đồng thời kéo dài dải phân cách trên đường Điện Biên Phủ về nút giao để hạn chế xe máy chạy ngược chiều và quay đầu.