Liên tục xảy ra tai nạn
Vào khoảng hơn 9h sáng ngày 22.5, chiếc ôtô Mazda khi lưu thông đến khu vực giữa cầu Thanh Trì thì bị nổ lốp. Lái xe Mazda sau đó đã đánh lái đâm vào dải phân cách chia làn giữa xe máy và ôtô.
Hậu quả, khoảng 20m dải phân cách đã bị húc đổ, ôtô quay ngang, hư hỏng nhẹ. Rất may thời điểm trên làn đường xe máy vắng phương tiện nên không xảy ra thương vong về người.
Cũng trên cầu Thanh Trì khoảng hơn 1 tháng trước, ôtô tải mang BKS 89C-086.XX do tài xế Đ.K.H (trú tại Tiên Lữ, Hưng Yên) điều khiển, lưu thông trên cầu Thanh Trì, hướng đi đường Đỗ Mười. Đến vị trí giữa cầu, ôtô bất ngờ mất lái, va vào dải phân cách và 2 xe máy.
Vụ tai nạn khiến 2 người điều khiển xe máy bị thương, 3 phương tiện hư hỏng và một đoạn dải phân cách trên cầu bị đổ.
Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do xe tải mất lái va vào dải phân cách giữa làn ôtô và xe máy. Sau đó, trụ và thanh sắt ở dải phân cách văng vào xe máy đang lưu thông cùng chiều.
Đây chỉ là 2 vụ việc gần đây nhất được báo cáo, trước đó còn có hàng loạt vụ tai nạn khác được ghi nhận xảy ra trên cầu Thanh Trì.
Nguy hiểm rình rập từ dải phân cách chia làn
Trước thực trạng cầu Thanh Trì trở thành điểm đen ùn tắc và tai nạn giao thông, từ năm 2022, Sở GTVT TP Hà Nội đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội tiến hành tổ chức lại giao thông trên cây cầu này.
Sau khi được tổ chức lại, cầu Thanh Trì có 3 làn ôtô và 1 làn dành riêng cho xe máy được chia bằng dải phân cách. Trước đó, cầu Thanh Trì đang được lưu thông với 2 làn ôtô và 1 làn hỗn hợp.
Việc lắp dải phân cách tách biệt giữa hai dòng phương tiện ôtô và xe máy trên cầu Thanh Trì phần nào giúp cây cầu giảm tải tình trạng ùn tắc, các phương tiện di chuyển thuận lợi hơn. Tuy nhiên, sau hàng loạt vụ tai nạn thời gian vừa qua, người dân bắt đầu nghi ngại và lo lắng về sự có mặt của dải phân cách "nửa mềm, nửa cứng" trên cầu.
Theo đó, dải phân cách chia làn trên cầu Thanh Trì được tạo nên từ những trụ bê tông, kết nối với nhau bằng các thanh sắt. Với kiểu làm này, khi có tác động mạnh, gần như dải phân cách sẽ dễ dàng văng ra khỏi vị trí được lắp đặt.
"Hôm 17.4 vừa rồi có vụ xe tải đâm vào dải phân cách, mấy thanh sắt nối văng ra trúng vào 2 xe máy, may là người đi xe máy chỉ bị thương nhẹ. Thật sự không an toàn chút nào với kiểu làm này", anh Đỗ Văn Tuấn (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Thường xuyên lưu thông qua cầu Thanh Trì, anh Phạm Tuấn Huy (Long Biên, Hà Nội) cho biết, lượng phương tiện qua cầu hàng ngày rất lớn, trong đó có rất nhiều xe ôtô, xe có trọng tải lớn đi qua vì kết nối với vành đai 3. Theo anh Huy, việc lắp đặt dải phân cách chia làn tách riêng xe máy, xe thô sơ và ôtô trên cầu là hợp lý, giúp người dân yên tâm di chuyển, nhất là người đi xe máy. Tuy nhiên, với kiểu dải phân cách di động như hiện tại còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Việc lắp đặt dải phân cách trên các cây cầu còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, như mật độ phương tiện, diện tích mặt cầu, kết cấu cầu... Khi triển khai một phương án nào đó, cơ quan chức năng cũng đã có những tính toán, phân tích.
Tuy vậy, trước thực tế nhìn từ những vụ tai nạn vừa qua, người dân mong muốn các đơn vị chức năng liên quan sớm đánh giá lại mức độ hiệu quả, sự an toàn của dải phân cách "nửa cứng, nửa mềm" trên cầu Thanh Trì.