Những ngày qua, vùng Bắc Tây Nguyên trời mưa lớn, nước sông Pô Cô cuồn cuộn dâng cao. Anh Lê Chứ Hạnh, trú thôn Nông Nội, xã Đăk Nông cho biết, nương rẫy của hàng chục hộ dân ở phía bên kia sông. Người dân không còn cách nào khác phải tự chế ròng rọc, cột 2 bên bờ sông để đu qua.
Nhiều em nhỏ sau giờ nghỉ học cùng phụ giúp cha mẹ lấy cỏ, thu hoạch mì, khoai phía bên rẫy. Từng động tác thuần thục, chỉ cần xoay mình vài vòng, các em đã qua phía bên kia sông cùng với số ít hàng hóa mang theo. Nhìn cảnh người và hàng nông sản bám vào sợi dây mỏng manh giữa dòng sông, ai nấy đều không khỏi rùng mình.
“Biết là hiểm nguy nhưng vì nương rẫy, đất đai sản xuất của dân ở bên kia sông, không làm thì không có ăn, rồi tiền đóng học phí cho các con”, anh Hạnh chia sẻ.
Việc đu dây qua sông của hàng chục hộ dân 2 xã diễn ra nhiều năm nay. Lo ngại ảnh hưởng đến tính mạng, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân, đồng thời phá bỏ các cột neo, dây đu… UBND xã đã tổ chức làm chiếc bè gỗ, trên lợp tấm ván, dưới buộc thùng phi cung cấp cho người dân để họ kéo qua sông, đảm an toàn cao hơn.
Tuy nhiên, người dân cho hay, việc kéo bè gỗ thường rất nặng, đặc biệt phụ nữ và trẻ em thì không đủ sức để kéo bởi khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về rất dữ. Vậy là người dân lại cắm cọc, bắc dây để đu qua sông như trước. Đu nhiều lần, cọc cũng lung lay, dây cáp tời có dấu hiệu quá tải, bong tróc ra…
Vào tháng 12.2020, trước sự việc ở huyện Ngọc Hồi, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - đã gửi công văn yêu cầu UBND huyện Ngọc Hồi khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng cầu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Trong đó ngân sách tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ một phần để UBND huyện thực hiện. Trong thời gian chờ xây dựng xong cầu mới, tỉnh đề nghị UBND huyện Ngọc Hồi hỗ trợ thuyền bè, áo phao để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, cần tuyên truyền và nghiêm cấm người dân không được đu dây qua sông, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, đến nay, cây cầu dân sinh mới được thi công 2 trụ móng. Ông Lê Ngọc Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - cho biết, do tình hình dịch căng thẳng nên tập trung cho công tác phòng chống ở các huyện biên giới, sau khi nhận được thông tin sẽ làm việc với UBND huyện Ngọc Hồi, tìm hiểu nguyên nhân, tiến độ thi công cây cầu.