Sáp nhập thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư
Việc hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư thành đơn vị hành chính mới dự kiến lấy tên là thành phố Hoa Lư là chủ trương lớn nhằm hướng tới mục tiêu chung Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương mang đặc trưng của Đô thị Di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Theo Nghị quyết số 16 -NQ/TU ngày 23.8.2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình và Kế hoạch triển khai thực hiện đề án của UBND tỉnh, việc xây dựng và phát triển “Thành phố Hoa Lư” trên cơ sở hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình thành đơn vị hành chính thành phố mới với định hướng tính chất là “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”, đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận “Thành phố Hoa Lư” là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; có vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu; là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình.
Ông Đinh Văn Thứ - Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết, UBND thành phố được tỉnh giao chủ trì lập đề án xây dựng và phát triển "thành phố Hoa Lư".
"Việc hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư là chủ trương lớn nhưng quá trình triển khai thực hiện chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều khó khăn, phức tạp. Vì vậy sự đồng thuận, ủng hộ của người dân là sự khởi đầu hết sức thuận lợi để việc triển khai các bước tiếp theo đảm đúng quy định, tiến độ, khoa học và hiệu quả" - ông Thứ cho hay.
Người dân đồng thuận cao
Thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư đều rất vui mừng, phấn khởi bởi mong muốn, nguyện vọng nhiều năm nay của người dân về một thành phố Hoa Lư xứng tầm với những giá trị vô cùng đặc sắc và hiếm có của vùng đất kinh đô xưa đang dần trở thành hiện thực.
Ông Bùi Xuân Mạnh (trú tại thôn, Trung Trữ, huyện Hoa Lư) chia sẻ, việc sáp nhập huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình thành đơn vị hành chính mới không chỉ là cơ hội lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương, mà việc hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư còn tạo thêm nguồn lực và động lực cho sự phát triển của tỉnh, nhất là khi Ninh Bình sở hữu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.
"Tôi rất đồng tình với tên gọi và chủ trương thành lập thành phố Hoa Lư, vì nó gắn liền với tên gọi của vùng đất Cố đô Hoa Lư và mang màu sắc riêng của Ninh Bình" - anh Mạnh chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (trú tại phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình) chia sẻ: "Cái tên Hoa Lư đã gắn liền với người dân Ninh Bình từ xa xưa như: Cố đô Hoa Lư, Kinh đô Hoa Lư, trường Đại học Hoa Lư... Vì vậy tôi rất đồng tình với tên gọi thành phố Hoa Lư sau khi sáp nhập thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư".
Theo Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình Đinh Văn Thứ, kết quả đợt lấy ý kiến cử tri về chủ trương thành lập thành phố Hoa Lư và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại thành phố Ninh Bình vừa qua đạt tỉ lệ rất cao. Nhân dân kỳ vọng cơ hội mới cho sự phát triển của thành phố trong tương lai.
Thống kê đã có 93.909 cử tri tán thành chủ trương thành lập thành phố Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình, đạt tỉ lệ 99,6%. Kết quả này cho thấy sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc sắp xếp đơn vị hành chính.
"Trên thực tế khi lấy ý kiến, nhiều cử tri còn bày tỏ sự băn khoăn sau khi sắp xếp sẽ có sự xáo trộn nhỏ, thay đổi tên gọi. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa hướng tới mục tiêu chung phát triển đô thị trong tương lai, người dân đã đồng tình, ủng hộ" - ông Thứ cho hay.