Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Ngọn bút chính trực, góp phần xây đắp nền tảng đạo đức xã hội

HỒNG QUÂN (thực hiện) |

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - trong cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động đã khẳng định: Hội Nhà báo Việt Nam luôn đứng về phía các nhà báo chân chính đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Báo chí "cầu nối" hài hoà lợi ích

Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí đối với doanh nghiệp và người lao động?

Đồng hành cùng đất nước đổi mới, báo chí cũng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp (DN). Là một kênh phản biện chính sách, tôn vinh những điển hình tiên tiến và phê phán những biểu hiện tiêu cực, báo chí ngày càng có quan hệ hợp tác tốt với DN.

Báo chí góp phần tạo lập mối quan hệ hài hòa giữa DN và người lao động khi DN thực sự coi người lao động là nguồn lực cần chăm lo để phát triển sản xuất, còn người lao động coi DN là ngôi nhà thứ hai, là nơi bảo đảm cuộc sống của mình. Báo chí làm tốt việc cung cấp, truyền tải thông tin, hỗ trợ cho DN phát triển; đồng thời DN cũng tăng cường hợp tác, giúp báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cũng có người lo lắng rằng một khi báo chí hợp tác gắn bó với DN, gắn bó đến mức mà có khi có những thiếu sót, sai phạm của DN thì báo chí lại “nhắm mắt làm ngơ”, “cho qua”, hoặc cho đăng tải những thông tin nhằm “đỡ đòn” cho DN.

Tôi nghĩ, về tổng thể, đa số các nhà báo đều có lòng tự trọng, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, hành nghề khách quan, tôn trọng sự thật, nhiều người dấn thân bảo vệ công lý và lẽ phải. Có thể ở đâu đó, có những ngòi bút thiếu trung thực, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” nên cố tình làm sai lệch bản chất sự thật hoặc che dấu sự thật. Số lượng những người làm báo bị tha hoá, vi phạm đạo đức nghề nghiệp chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, nhưng tác động tiêu cực và hậu quả đối với xã hội nói chung và giới báo chí nói riêng thì lại rất lớn. Nó làm tổn thương lòng tự trọng và danh dự của những người làm báo chính trực.

Liệu báo chí có thể góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh, đảm bảo hài hòa lợi ích của DN và lợi ích của người lao động?

Tôi cho rằng, sự hợp tác giữa báo chí và DN phải đảm bảo hài hòa 3 lợi ích: Lợi ích của đất nước, lợi ích của DN và lợi ích của người lao động.

Thật đáng mừng là trong những năm gần đây, vấn đề lợi ích của người lao động được quan tâm một cách thiết thực, cụ thể và quyết liệt hơn. Hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) và hệ thống Công đoàn các cấp ngày càng sát thực và hiệu quả hơn trong việc chăm lo và bảo vệ quyền lợi người lao động, coi đây là bổn phận, là trách nhiệm của hệ thống Công đoàn. Không chỉ dừng ở hệ thống Công đoàn, các quyền lợi của người lao động được quy định rất rõ trong các văn bản pháp luật, nhất là Luật Lao động và Luật Doanh nghiệp.

Ấn tượng nhất là trong khoảng hơn 1 năm nay, từ khi đưa ra khẩu hiệu “Quốc gia khởi nghiệp”, “Chính phủ kiến tạo phát triển”, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có 2 cuộc giao lưu trực tiếp với người lao động do Tổng LĐLĐVN chủ trì tổ chức. Tôi nhớ, năm ngoái, ngay sau khi Thủ tướng nhậm chức, Thủ tướng đã trực tiếp giao lưu, đối thoại với người lao động, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết các vướng mắc của họ. Điều này đã gây ấn tượng hết sức sâu sắc, mạnh mẽ, được dư luận xã hội đánh giá rất cao về quyết tâm hành động của Chính phủ. Năm nay Thủ tướng lại có dịp đối thoại với người lao động tại Đà Nẵng. Những cuộc đối thoại cởi mở như vậy của Thủ tướng đã tạo được niềm tin, sự hưng phấn cao đối với người lao động, tạo môi trường dân chủ để người đứng đầu Chính phủ có thể trực tiếp lắng nghe, không qua bất kỳ trung gian nào, người lao động trực tiếp bày tỏ nguyện vọng, ý kiến của mình với Thủ tướng.

Với vai trò của mình, báo chí luôn theo sát, cổ vũ, động viên cả DN và người lao động, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Chính vì vậy, người lao động đặt niềm tin vào đội ngũ báo chí, bởi báo chí luôn đứng về phía họ, bênh vực và bảo vệ quyền lợi thiết thân của họ.

Vậy theo ông, làm thế nào để xử lý hài hòa lợi ích giữa DN và người lao động vì sự phát triển bền vững?

Khi lợi ích của người lao động bị xâm hại thì thường nảy sinh mâu thuẫn, phải giải quyết giữa người lao động và chủ DN. Chúng ta đang tăng trưởng kinh tế dựa trên 3 yếu tố: tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ. Trong nhiều trường hợp, người lao động bị trả công quá bèo bọt, không tương xứng với công sức của họ, thậm chí có nơi người lao động bị bóc lột, bị khai thác quá sức, tăng cường độ lao động, làm thêm giờ nhưng không được bù đắp thỏa đáng, hay người lao động phải làm việc trong điều kiện môi trường ô nhiễm, độc hại, rồi bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, không được đảm bảo những điều kiện về an sinh xã hội như khám-chữa bệnh, học hành của con cái, nhà ở. Được biết, không ít nam nữ thanh niên làm việc trong một số DN có vốn đầu tư nước ngoài không có điều kiện kết hôn, bị hút vào guồng máy công nghiệp và con người như trở thành một “mắt xích” của hệ thống máy móc.

Ở đây, rõ ràng có mâu thuẫn về lợi ích giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Có những việc thì Công đoàn đứng về phía người lao động đấu tranh mạnh mẽ và cũng có kết quả nhất định, nhưng cũng có trường hợp Công đoàn chịu sức ép nào đó nên chưa phản ảnh được tiếng nói của người lao động và chưa bảo vệ quyền lợi của họ một cách thực sự. Từ đó dẫn đến việc đình công, bãi công và cũng có những trường hợp phải can thiệp bằng luật pháp. Để giải quyết hài hòa mâu thuẫn đó và bảo vệ quyền lợi người lao động, báo chí có vai trò hết sức quan trọng, nhưng việc phản ảnh cần hết sức khách quan, công tâm, làm rõ bản chất sự việc để có giải pháp hợp tình, hợp lý, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa DN và người lao động, tránh để mâu thuẫn biến thành xung đột, từ đó gây ra dẫn đến đình công, bãi công kéo dài, đình trệ sản xuất và đời sống của người lao động cũng bị ảnh hưởng.

Luật và đạo đức

Trên thực tế tác nghiệp, cũng có những nhà báo luôn tìm kẽ hở, sơ hở, thiếu sót của doanh nghiệp để bới móc, trục lợi. Với tư cách đại diện cho Hội Nhà báo, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Đó là kiểu “bới bèo ra bọ”, “việc bé xé ra to” ở một số người mang danh nhà báo để nhũng nhiễu, gây sức ép, thậm chí doạ dẫm DN buộc họ phải “biết điều” để cho “êm chuyện”. Không ít DN có cái nhìn thiếu thiện cảm với báo chí. Tôi nghĩ, đây không chỉ là vấn đề nghiệp vụ, mà lớn hơn nhiều, nghiêm trọng hơn nhiều là vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Những ngọn bút không có đạo đức thì sẽ không thể phản ánh đúng sự thật và không thể góp phần xây dựng được nền tảng đạo đức, tinh thần của xã hội. Đạo đức của người làm báo trước hết thể hiện ở tính chính trực của nhà báo. Phải chính trực thì mới khách quan được, không thể vì lợi ích vật chất mà để bị mua chuộc, bị lôi kéo, bị tha hóa khiến ngòi bút bị bẻ cong. Khách quan, công tâm, làm rõ bản chất sự thật, không che dấu sự thật, không làm méo mó sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải là những điều đã được nhấn mạnh trong 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo hiện nay.

Thời gian qua, có một số trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và vi phạm pháp luật đã bị xử lý. Ở đây, tôi muốn nói là không phải điều gì cũng có thể quy định được bằng luật pháp. Có những điều luật pháp không cấm nhưng đạo đức không cho phép. Khi đối mặt với một sự việc phức tạp, khó khăn, nhạy cảm nào đó thì lương tâm, trách nhiệm người đảm bảo quyền thông tin của xã hội đòi hỏi nhà báo phải nhận thức được việc đó có nên làm hay không nên làm, ai chịu thiệt hại, ai bị tổn thương. Khi rút một cái tít, đưa ra một lời nhận xét hoặc công bố một số liệu đặt trong sự so sánh… thì sẽ thấy lấp ló người viết muốn bảo vệ điều gì, hoặc đang che giấu điều gì. Tại sao có Luật Báo chí rồi mà vẫn phải có 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp chính là ở chỗ này, vì đạo đức nghề nghiệp chính là cái cốt lõi nhất, sống còn nhất của hoạt động báo chí. Nó quyết định báo chí có khách quan, công tâm hay không, có vì công lý và lẽ phải hay không, có vì con người và tôn trọng con người hay không.

Thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc rất đáng tiếc, có những nhà báo vi phạm luật pháp phải thu thẻ nhà báo, Hội Nhà báo VN buộc phải thu thẻ hội viên, khai trừ ra khỏi hội đối với những trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Hội Nhà báo VN đã thành lập hệ thống hội đồng xử lý vi phạm 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp từ trung ương đến 63 hội nhà báo các tỉnh, thành phố, hơn 200 liên chi hội, chi hội trực thuộc và sẽ nhanh chóng đi vào hoạt động theo quy chế đã được ban hành.

Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã ký hợp tác truyền thông với DN. Theo ông, để hợp tác hiệu quả, tránh việc “bảo kê” cho DN thì báo chí cần phải làm gì?

Báo chí hợp tác với DN gần như là một nhu cầu tự nhiên. Vấn đề là cách thức và bản chất hợp tác như thế nào để vẫn đảm bảo báo chí khách quan, công tâm, đồng thời vẫn hỗ trợ DN làm tốt việc kinh doanh; còn DN hợp tác với báo chí trong các hoạt động tuyên truyền để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, đặc biệt việc DN phối hợp với báo chí tổ chức các hoạt động xã hội là rất cần thiết. Đó là sự hợp tác vì lợi ích chính đáng, vì mục đích tốt đẹp, không phải là việc “bảo kê”, không phải kiểu “đi đêm” với nhau để vụ lợi.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, các cơ quan báo chí phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, nhà báo phải có tâm trong sáng và nghiệp vụ vững vàng, tránh được những cám dỗ, vấp váp dẫn đến sai phạm.

Cảm ơn ông!

Báo Lao Động mạnh mẽ và bền bỉ bảo vệ người lao động

* Đánh giá cao Vinh quang Việt Nam và Quỹ Tấm lòng vàng

Lao Động là tờ báo thường xuyên bám sát và phản ánh kịp thời đời sống kinh tế - xã hội đất nước, tình hình sản xuất kinh doanh và có tiếng nói mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tôi đánh giá cao hoạt động xã hội, từ thiện của báo thông qua Quỹ Tấm lòng vàng. Lao Động là một trong những cơ quan báo chí hoạt động bền bỉ nhất và thành công nhất trong các hoạt động xã hội. Quỹ Tấm lòng vàng đã hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt là giúp đỡ các đối tượng là người lao động gặp bệnh hiểm nghèo, hoặc bị tai nạn lao động. Những người làm báo Lao Động có quyền tự hào về Quỹ Tấm lòng vàng đã kết nối những tấm lòng “thương người như thể thương thân”, nhân lên ngọn lửa nhân ái trong xã hội ta. Tôi cũng đánh giá rất cao chương trình Vinh quang Việt Nam của Báo Lao Động, đã tạo được hiệu ứng xã hội sâu sắc, góp phần khích lệ, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

HỒNG QUÂN (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vụ việc cháu bé rơi xuống hố bê tông: Đã rút được đoạn cọc đầu tiên

PHONG LINH |

Tỉnh Đồng Tháp thông tin đã rút được được đoạn cọc bê tông đầu tiên tại công trình cầu Rọc Sen, nơi cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trước đó.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Những công trình cổ xưa nhất thế giới hút du khách

Vân Hoa |

Bên cạnh Những bức tượng bí ẩn ở Đảo Phục Sinh hay Đại kim tự tháp Giza, nhiều công trình kiến ​​trúc thế giới vẫn đứng vững sau nhiều thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ.