Khó cỡ nào cũng phải xử lý
Chiều 18.9, ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết, liên quan đến các vụ việc sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng tại TP Phú Quốc địa phương đã có nhiều động thái tích cực xử lý nghiêm các sai phạm.
Cụ thể với tòa nhà 12 tầng xây dựng sai quy định ở ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng việc xử lý sai phạm ở tòa nhà có những điểm khó. Tuy nhiên, theo ông Quốc Anh, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang khẳng định khó cỡ nào cũng phải xử lý theo quy định. Việc tháo dỡ tòa nhà 12 tầng cần phải đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn.
“Nếu không xử lý tới nơi tới chốn công trình này thì sau này sẽ có hậu quả khó lường. Vì móng nhà làm cho bản vẽ 6 tầng nhưng lại xây lên 12 tầng thì không đảm bảo an toàn. Nếu xảy ra sự cố thì thiệt hại, tổn thất về người và vật chất sẽ rất lớn. Trách nhiệm của địa phương nhất định phải làm, xử lý triệt để”, ông Lê Quốc Anh nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc - cho biết, UBND thành phố đã ra các quyết định, bắt khắc phục hậu quả, cưỡng chế. Tuy nhiên việc tháo dỡ căn nhà 12 tầng sai phạm này lại không đơn giản.
“Địa phương đã có báo cáo gởi Sở Xây dựng xin thẩm định, lập dự toán chi phí tháo dỡ vì nó liên quan đến kết cấu, kỹ thuật. Chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo với các sở, ngành chuyên môn. Đến thời điểm này chủ đầu tư không ra mặt nên việc cưỡng chế sau này sẽ gặp khó khăn. Chi phí cho cưỡng chế chúng tôi đã lập dự toán, trình cơ quan thẩm định, xong các thủ tục sẽ tiến hành cưỡng chế”, ông Hưng thông tin.
Theo ông Hưng, ngoài việc đang quyết liệt thực hiện cưỡng chế vụ 79 biệt thự trái phép ở ấp Đường Bào, xã Dương Tơ thì việc cưỡng chế tháo dỡ tòa nhà 12 tầng này cũng đang được thành phố tính toán, xử lý.
Không đủ nguồn lực cưỡng chế
Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cũng cho biết, lý do không cưỡng chế đồng loạt do địa phương không đủ nguồn lực, lực lượng thực hiện cưỡng chế cùng lúc vài chục căn vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm không phải 1 người mà là nhiều đối tượng, ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Quá trình làm hồ sơ về vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt, khắc phục hậu quả, cưỡng chế… còn rất nhiều quy trình thủ tục. Thậm chí là quyết định cưỡng chế gửi cho người vi phạm địa phương phải cử cán bộ đi đến nơi người đó tạm trú niêm yết quyết định, mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, những năm qua, tình hình phát triển ở Phú Quốc rất nhanh, rất nóng. Nhiều nhà đầu tư cùng lúc triển khai nhiều dự án khiến việc quản lý nhà nước về đất đai, về xây dựng, môi trường… cũng có khó khăn nhất định.
“Địa phương cũng nhìn nhận về mặt quản lý nhà nước ở cấp xã, phường, ngay cả thành phố có lúc có nơi chưa tốt. Còn xảy ra sai phạm, bao chiếm, lấn chiếm chưa phát hiện và xử lý kịp thời dẫn đến việc phải cưỡng chế. Bên cạnh đó ý thức, nhận thức của người vi phạm còn kém. Họ biết là sai, có rủi ro nhưng họ vẫn chọn. Một số trường hợp mua bán đất đai không có giấy tờ nhưng người dân vẫn mua rồi dẫn đến tranh chấp”, ông Huỳnh Quang Hưng cũng nhận định.
Được biết, trước dịch bệnh COVID-19, tòa nhà trên chỉ xây 6 tầng. Tuy nhiên sau đó tòa nhà được tiếp tục nối thêm 6 tầng nữa thành 12 tầng như hiện nay. Đến ngày 22.7.2022, UBND xã Dương Tơ phát hiện công trình trên tiếp tục xây dựng nên đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.
Tháng 8.2022, UBND TP Phú Quốc cũng đã ban hành quyết định xử phạt 61,5 triệu đồng đối với chủ đầu tư có công trình vi phạm trên. Chủ đầu tư đã chấp nhận nộp phạt tiền nhưng chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt của UBND TP Phú Quốc.