Cập nhật kiến thức liên tục
Năm nay đã 85 tuổi, ông Túc vẫn miệt mài đóng góp trí tuệ, sức lực của mình cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Nói về quá trình công tác, ông Túc chia sẻ, cuối năm 1957, khi vừa tròn 20 tuổi, ông được phân công về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với nhiệm vụ dạy tiếng Nga cho sinh viên và dạy tiếng Anh, tiếng Pháp cho cán bộ giảng dạy.
Vào đầu năm 1970, ông được điều về Ban Quốc tế của Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng LĐLĐVN); sau đó được phân công làm Thư ký cho ông Hoàng Quốc Việt (lúc đó là Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thế giới, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao).
Ông Túc cho biết thêm: “Năm 1970, sau khi Bác Hồ mất, bác Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước nhưng về danh nghĩa vẫn kiêm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, còn cụ Hoàng Quốc Việt được phân công trực tiếp phụ trách công tác mặt trận. Cụ Hoàng Quốc Việt định bố trí cho bác Tôn một thư ký riêng về công tác mặt trận, nhưng bác Tôn cho rằng như vậy là tốn kém. Thư ký của anh cứ làm việc cho anh, thứ Bảy hằng tuần bảo anh ấy lên báo cáo công việc cho tôi là được. Thế là tôi vừa làm thư ký cho bác Việt vừa kiêm thư ký của bác Tôn về công tác mặt trận”.
Làm về công tác mặt trận đến năm 66 tuổi, ông Nguyễn Túc tưởng chừng đã nghỉ hưu nhưng thực tế mới nghỉ hưu “một phần”. Ông Túc được đề nghị tham gia vào Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thấm thoắt đến nay đã 35 năm.
Nói về công việc sau khi nghỉ hưu, ông Túc cho rằng: “Công việc nhiều khi cảm thấy bận rộn hơn khi còn đương chức”. Bởi ông Túc luôn tâm niệm, trong những người đã nghỉ hưu thì một bộ phận có kiến thức, kinh nghiệm và uy tín thì được tận dụng tham gia phản biện những vấn đề ngành, đơn vị đó đang cần. Người cao tuổi là “tài sản quý báu” của dân tộc. Vì vậy, nếu còn có sức khoẻ, trí tuệ minh mẫn hãy truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức đó cho những lớp người đi sau.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông Túc cho rằng khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển, một ngày biết bao kiến thức mới.
“Nếu không chịu khó đọc, cập nhật sẽ lạc hậu ngay với con, cháu. Chính vì vậy, những người độ tuổi 85, 86 như chúng tôi vẫn sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, máy tính bảng để cập nhật kiến thức, làm việc”.
Đến khi nghỉ hưu, đa phần sức khoẻ của người cao tuổi đều giảm sút. Vì vậy, ông Nguyễn Túc cho rằng mỗi người cao tuổi cần phải có kế hoạch nâng cao cả về sức khoẻ và trí tuệ cho bản thân mình. Có như vậy, mới tiếp tục có thể cống hiến nhiều hơn nữa.
“Nghiệp” với công việc
Còn bà Bùi Thị An - nguyên ĐBQH, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng người cao tuổi tiếp tục đi làm việc có nhiều nguyên do, nhưng trong đó có yếu tố sức khoẻ, trí tuệ và cái “nghiệp” với công việc nên tiếp tục. Cả năm tháng cống hiến cho khoa học, đến 2002 bà về hưu.
“Làm cho nhà nước, nên đến tuổi nghỉ hưu tôi cũng chưa có kế hoạch gì. Song sau khi chính thức nghỉ thì được mời làm cho những tổ chức khoa học” - bà An nói.
Sau khi nghỉ hưu, đến nay đã 20 năm bà làm việc, cống hiến trong các tổ chức khoa học và hoạt động vai trò, vị trí quan trọng trong các hội như là Viện trưởng Viện tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, Phó Chủ tịch Hội hóa học Việt Nam; Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội…
“Sau khi nghỉ hưu, làm việc cho tổ chức, hội có nhiều thách thức hơn. Mình chỉ có duy nhất bằng trí tuệ, uy tín tập hợp những người xung quanh mình để cống hiến về khoa học. Với Viện tài nguyên Môi trường và Phát triển tôi đang công tác, rất nhiều lĩnh vực như môi trường, an toàn thực phẩm, giới… được nghiên cứu, phát triển, xây dựng thành tổ chức uy tín”. Bà An cho biết, ngày mai chưa biết thế nào, đến nay vẫn còn minh mẫn để tiếp tục cống hiến.
Ông Túc, bà An là hai trong số 12,22 triệu người cao tuổi trên cả nước đến năm 2019 theo số liệu của cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở. Họ chiếm khoảng 12,7% dân số. Trong đó, tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất (chiếm 7,7% năm 2019 với gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,75% tổng số người cao tuổi).
Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết, một xu hướng khá phổ biến gần đây trên thị trường lao động là ngày càng nhiều người cao tuổi “ở lại” với thị trường lao động.
“Những người cao tuổi có vị trí khá đặc biệt trên thị trường lao động, bởi đây là những người có kinh nghiệm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm việc và có các kỹ năng làm việc tốt nhất” - ông Trung nói.