Nghi Sơn sải cánh vươn xa

Bùi Thị Dung |

Khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa. Tấm bản đồ Quy hoạch định hướng phát triển không gian Khu kinh tế với nhiều mảng màu xanh, đỏ, vàng, tím khác nhau. Mảng lớn nhất tô màu xanh dương, vuông vức, giữa tấm bản đồ được ghi là Nhà máy Lọc hóa dầu, rồi các phân khu công nghiệp, khu cảng chuyên dụng, khu cảng tổng hợp, khu phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ, khu phi thuế quan, khu trung tâm, v.v…
 
Bản đồ quy hoạch định hướng phát triển KKT Nghi Sơn.

Trong các phân khu công nghiệp, tôi đã hình dung ra đâu là Nhà máy Lọc hóa dầu, nhà máy nhiệt điện I, đâu là Nhà máy luyện cán thép, Nhà máy ximăng Nghi Sơn, Nhà máy ximăng Công Thanh, rồi nhà máy cấp nước sạch, nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu, Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Licogi, v.v… Những mảng màu sinh động đã góp phần làm sôi động khu công nghiệp nam xứ Thanh vốn được cả nước quan tâm.

Không biết có ai đồng cảm với tôi không, khi nhắc đến Khu kinh tế Nghi Sơn, quan tâm trước tiên của tôi là công trình Lọc hóa dầu, một dự án lớn nhất không chỉ của Khu kinh tế, của cả vùng Bắc Trung bộ mà còn là dự án có quy mô và vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam: 6.148 triệu USD. Nhà máy có công suất lọc dầu 200 nghìn thùng/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm. Khi đi vào hoạt động sẽ cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng xăng dầu của Việt Nam.

 
Chuyến tàu cập cảng Nghi Sơn đón dòng dầu thương mại đầu tiên.            Ảnh: Xuân Hùng

Quá trình xúc tiến dự án có nhiều khó khăn. Chỉ riêng việc giải phóng mặt bằng cũng đã để lại nhiều ấn tượng. Có hồ hởi, phấn chấn, nhưng cũng không ít băn khoăn, nhiêu khê, phiền phức, từng trở thành tâm điểm, khiến phiền lòng... Rồi việc thương thuyết với đối tác, các thỏa ước, điều kiện… rồi dãn, lùi lộ trình đã khiến những người quan tâm bồn chồn. Nếu ở khâu giải phóng mặt bằng sôi động, khó khăn bao nhiêu, thì khâu tiếp theo, dự án cũng lặng lẽ, chậm chạp bấy nhiêu. Nhiều ánh mắt băn khoăn nhìn nhau, cũng không ít cái nhìn hoài nghi…

Nhưng rồi, lãnh đạo tỉnh nêu quyết tâm cao, năng động, chủ động tìm giải pháp cũng như tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, cải tiến các thủ tục hành chính, lại được sự ủng hộ, giúp đỡ hết sức tận tình của các bộ, ngành trung ương, của Chính phủ. Nhiều cuộc thương thảo được mở ra…

 
Ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá  (phải) đón nhận tài liệu điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung KKT Nghi Sơn đến 2035, tầm nhìn đến 2050.  Ảnh: X.H

Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Tổng diện tích điều chỉnh, mở rộng quy hoạch 106.000ha, trong đó có 66.497,57 ha đất liền, hải đảo và 39.502,43 ha mặt nước biển.

Theo đó, Khu Kinh tế Nghi Sơn được triển khai theo phân khu và mạng lưới tuyến. Hình thành mạng lưới kết nối các khu vực đô thị, lấy khu vực đô thị trung tâm huyện Tĩnh Gia hiện tại làm trung trung tâm tổng hợp của Khu Kinh tế Nghi Sơn, bao gồm các chức năng hành chính, giáo dục, công nghiệp triển khai R&D và nhà ở đô thị. Hình thành 2 vành đai xanh. Hình thành trục cảnh quan đô thị chủ đạo của khu kinh tế theo hướng tây bắc - đông nam. Các không gian và điểm nhấn đô thị được tổ chức xoay quanh trục chủ đạo này.

Quy hoạch vùng đất liền Khu Kinh tế Nghi Sơn thành 5 khu vực. Khu cảng Nghi Sơn và vùng phụ cận là khu vực phát triển trọng điểm của Khu Kinh tế Nghi Sơn. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ, tổng kho dầu thô và hóa chất, các kho xăng dầu, khí hóa lỏng, cảng biển, dịch vụ Logistics, hậu cần cảng và một số chức năng khác.

 
5 phân khu chức năng của KKT Nghi Sơn.

Khu phía Nam là khu vực phát triển Logistics, cảng cạn, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng, tổng kho dầu thô và hóa chất… Khu đô thị trung tâm, gồm thị trấn Tĩnh Gia và các xã Ninh Hải, Hải Nhân, Hải Hòa, Bình Minh, Hải Thanh, Nguyên Bình, Xuân Lâm, Trúc Lâm, là trung tâm thành phố với các hoạt động thương mại, dịch vụ, hành chính-chính trị, văn hóa - xã hội…

Phía tây khu đô thị trung tâm phát triển chuyên biệt về giáo dục, đào tạo và công nghiệp triển khai R&D, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khu đông bắc là cửa ngõ phía bắc của Khu Kinh tế Nghi Sơn, có vùng ven biển dài 15 kilomet, được quy hoạch phát triển du lịch biển kết hợp với đô thị, phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến thủy, hải sản, tổng kho đông lạnh. Khu phía tây gồm các xã Công Chính, Công Bình, Yên Mỹ (Nông Cống hiện nay), Yên Lạc, Thanh Tân, Thanh Kỳ (Như Thanh hiện nay) và Các Sơn, Phú Sơn là khu vực phát triển du lịch sinh thái, vui chơi giải trí gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên với trung tâm là hồ Yên Mỹ.

Ngoài ra, việc điều chỉnh, mở rộng quy hoạch còn định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không sử dụng sân bay Thọ Xuân. Cải tạo hệ thống công trình thoát nước mưa và hệ thống sông ngòi khu vực đô thị trung tâm kết hợp với thiết kế cảnh quan và môi trường đô thị.

***

Vùng đất Hải Thượng, Hải Hà những ngày cuối thu này, gió khô lạnh cứ thông thốc thổi vào, ngoài đường cát bay vèo vèo, mỗi khi có xe ôtô chạy qua lại cuốn tung mù mịt. Đây là vùng đất nổi tiếng khắc nghiệt của huyện Tĩnh Gia. Người dân ở đây nhiều đời lam lũ, khó nhọc mà vẫn kiên gan bền bỉ với đất, một tấc không đi, một ly không dời. Ấy vậy mà từ khi nơi đây được chọn làm vị trí đứng chân của Nhà máy Nhiệt điện thì bà con đã sẵn sàng nhường đất để đi đến vùng đất mới. Tấm lòng người dân Tĩnh Gia là thế.

Những năm chiến tranh chống Mỹ, người dân Tĩnh Gia đã từng dỡ nhà để lát đường, bắc cầu cho xe ra tiền tuyến đó thôi, nào đã ai quên được.

***

Nhiều người còn nhớ, dạo những năm 1995 - 2005, khi Nhà máy ximăng Nghi Sơn, dự án liên doanh giữa Tổng Công ty ximăng Việt Nam với tập đoàn Mitsubishi Heavy Industri và Taiheiyo Ciment (Nhật Bản), với vốn đầu tư cả hai giai đoạn là 622 triệu USD, công suất 4,3 triệu tấn là con chim đầu đàn đứng chân trên vùng đất Nghi Sơn, đã thực sự khởi phát cho sự chuyển động rầm rộ vùng đất nam xứ Thanh. Như là bến số 1 và số 2 Cảng Nghi Sơn được xây dựng với quy mô có thể đón tàu 3-5 vạn tấn vào bến và năng lực hàng hóa qua cảng đạt 4 triệu tấn. Rồi những năm sau này là các dự án Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn và công nghiệp sản xuất ximăng... gây phấn chấn cả tỉnh và cả nước.

Tính đến thời điểm này, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã được triển khai, hoàn thành đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm, như: Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, công nghiệp sản xuất ximăng, nhiệt điện, luyện cán thép... Tỷ lệ lấp đầy các khu chức năng đến nay đạt trên 70%; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được duy trì ổn định và phát triển, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động…

 
Công nhân vận hành Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Ảnh: Xuân Hùng

***

Trên bức tranh nhiều màu sắc của vùng nam xứ Thanh này, đang hứa hẹn có thêm nhiều họa tiết hết sức sinh động nữa. Chỉ riêng 9 tháng qua đã có các nhà đầu tư đến làm việc và nghiên cứu đầu tư, như: Công ty JCEM - Nhật Bản nghiên cứu dự án Nhà máy sản xuất thuốc nhuộm tổng hợp, Công ty Goda và Tập đoàn Chuwa Busan tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN, Tập đoàn Foxconn tìm hiểu đầu tư KCN điện tử, Công ty Yazaki - Nhật Bản tìm hiểu dự án nhà máy sản xuất dây điện ôtô; Tập đoàn Mintal của Trung Quốc tìm hiểu và trao đổi xin hướng dẫn việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư tổ hợp nhà máy sản xuất ferocrom, thép không rỉ...

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2019, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã thu hút 31 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 9.489,452 tỷ đồng.

***

Nghi Sơn - những cánh chim đang sải cánh, những bệ phóng đã sẵn sàng. Tất cả đang rực lên một màu tươi tắn, đầy sức trẻ. Những thành viên sung sức đó sẽ cùng với các “cựu trào” Ximăng Nghi Sơn, Ximăng Công Thanh, Cảng nước sâu… hợp nên bản tổng phổ đa thanh, đa sắc của vùng kinh tế tổng hợp Nghi Sơn nhất nhì cả nước, làm rạng rỡ xứ Thanh.

Bùi Thị Dung
TIN LIÊN QUAN

Mùa vàng dưới chân mây

Dương Văn Hải |

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa trên địa phận huyện Quan Hóa và Bá Thước. Ở đây suốt bốn mùa không khí trong lành, thiên nhiên hoang sơ tuơi đẹp.

Gia hạn cuộc thi phóng sự, ký sự “Mãi mãi một tình yêu Thanh Hoá”

BTC |

Được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Báo Lao Động phát động cuộc thi viết phóng sự, ký sự về vùng đất, con người Thanh Hoá với tên gọi “Mãi mãi một tình yêu Thanh Hoá”.

Có một Đông Sơn - Hàm Rồng như thế ở xứ Thanh

Bùi Liên Nam |

Một chiều cuối thu, tôi xách máy ảnh lang thang vào làng cổ Đông Sơn. Làng cách trung tâm thành phố không xa lắm, nhưng may mắn thay, như nhiều làng quê nông thôn khác, Đông Sơn vẫn còn êm đềm lắm. Cạnh đó là Hàm Rồng với chiến công oanh liệt ngày nào...

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Mùa vàng dưới chân mây

Dương Văn Hải |

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa trên địa phận huyện Quan Hóa và Bá Thước. Ở đây suốt bốn mùa không khí trong lành, thiên nhiên hoang sơ tuơi đẹp.

Gia hạn cuộc thi phóng sự, ký sự “Mãi mãi một tình yêu Thanh Hoá”

BTC |

Được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Báo Lao Động phát động cuộc thi viết phóng sự, ký sự về vùng đất, con người Thanh Hoá với tên gọi “Mãi mãi một tình yêu Thanh Hoá”.

Có một Đông Sơn - Hàm Rồng như thế ở xứ Thanh

Bùi Liên Nam |

Một chiều cuối thu, tôi xách máy ảnh lang thang vào làng cổ Đông Sơn. Làng cách trung tâm thành phố không xa lắm, nhưng may mắn thay, như nhiều làng quê nông thôn khác, Đông Sơn vẫn còn êm đềm lắm. Cạnh đó là Hàm Rồng với chiến công oanh liệt ngày nào...