Từ những cửa gỗ cũ, qua bàn tay của những thợ mộc lành nghề, bỗng “hô biến” thành đồ như mới. Đây là nghề lạ tồn tại nhiều năm nay tại đường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Vào thời kỳ cao điểm, cách đây khoảng 10-15 năm, tại khu vực này, có rất nhiều vựa thu mua cửa sổ cũ rồi “mông má”, chỉnh sửa thành cửa sổ trông như mới, nhưng hiện nay, chỉ còn một vài cơ sở là còn tồn tại.
Theo người trong nghề, hiện thợ sửa cửa gỗ cũ khá khan hiếm khi nhiều người chọn đóng đồ gỗ mới vì công việc nhẹ nhàng hơn. Nhưng bù lại, công của thợ làm đồ gỗ cũ được trả cao hơn.
Một thợ chuyên làm công đoạn sơn cho biết, thu nhập của anh trung bình là 400.000 đồng/ngày, tuy vậy, không phải ngày nào cũng được. Trung bình, một tháng anh kiếm được khoảng 8-10 triệu đồng.



Một thợ mộc chuyên cải tạo cửa sổ cũ thành mới cho hay: Tuỳ theo cánh cửa cũ còn bao nhiêu % chất lượng mà quyết định các chiêu sửa cho hợp lý. Với một chiếc cửa đã khá cũ, trước tiên thợ phải tháo tung mộng ra. Việc này không khác gì tháo rời các bộ phận của một chiếc xe máy để bảo dưỡng vậy. Thứ 2 là đến công đoạn bào lại cho mất lớp sơn cũ đi.
Đến bước thứ 3 phải chà lại bằng bào của cánh thợ mộc, bước thứ 4 soi lại hệ thống mộng, then cửa…. Hai bước này đòi hỏi độ chính xác rất cao, nếu không, khi lắp lại cửa sẽ bị vênh. Đến bước thứ 5 cho huỳnh vào có thể xem là cuối cùng, sau đó mông má, đánh vecni hoặc phun nước sơn mới tùy theo yêu cầu của khách.
Tại vựa thu gom đồ gỗ cũ của cô Tứ, anh con trai tên Nam đang đứng ra điều hành mọi việc. Anh Nam cho hay, hiện nay, nghề làm mới cửa sổ cũ này đã ít người làm đi, “vì bây giờ, nhiều người có tiền, làm đồ cũ ít hơn mà chuộng làm đồ mới”.
Anh Nam cho biết, nếu nơi nào cửa gỗ cũ bán đi với giá rẻ thì anh sẽ thu gom lại, đổ về vựa như người ta thu gom đồng nát. Sau đó, nếu khách hàng có nhu cầu mua bộ đồ nào thì anh sẽ cho thợ thi công, cải biến thành đồ như mới để bán cho khách.
“Bên cạnh những người chuộng đồ mới thì vẫn có những người muốn dùng đồ cũ mà trông như mới. Nhiều người thích dùng đồ gỗ cũ bằng các loại gỗ như lim vì bền hơn rất nhiều so với đồ gỗ công nghiệp, trong khi đó, giá lại rẻ hơn nhiều. Tuy vậy, người nào hiểu điều này thì mới dùng đồ gỗ cũ, không thì sẽ đóng mới”- anh Nam giải thích.
Cụ thể, theo anh Nam, sau khi làm mới lại cửa sổ gỗ cũ, đối với cửa sổ, giá chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/bộ, không bằng giá của 1 m2 đồ đóng mới. Đồ đóng mới có giá lên tới 2 triệu đồng/m2, và có thể đắt hơn nếu là gỗ lim.
Khi hỏi về chuyện lỗ lãi, anh Nam cho biết, không thể nói trước được điều gì. “Có khi tôi nhập một lô cửa sổ cũ về, để rất lâu rồi mà chẳng ai mua; nhưng có lần vừa với mua về đã được khách chọn. Bên cạnh đó, rủi ro về hỏng hóc là rất lớn bởi phải trải qua quá trình vận chuyển, rồi phơi mưa phơi nắng ở ngoài trời. Đấy là chưa kể đôi khi bị người bán “lập lờ đánh lận con đen” về loại gỗ khiến mua phải nhiều cánh cửa không đúng như trao đổi. Ngoài ra, đôi khi khách đã đặt hàng rồi, nhưng thay đổi thiết kế nên “bùng” hàng”- anh Nam kể.
Các cửa gỗ cũ sau khi được "cải lão hoàn đồng" sẽ được sử dụng tại các công trình như nhà dân, các quán cà phê...
Vào dịp cuối năm, lượng người sửa chữa cửa gỗ cũ thành mới cũng tăng hơn so với bình thường, nên công việc của các thợ mộc ở đây cũng bận rộn hơn.