Năm mới Nhâm Dần nghe kể chuyện bắt hổ dữ ở làng Thủy Ba

HÀN NGUYÊN |

Đêm đến, hổ (cọp) dữ mò đến tận nhà bắt người tha vào rừng ăn thịt. Chứng kiến nhiều người phải chết một cách thảm thương, dân làng Thủy Ba (xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã sáng tạo ra nhiều cách săn bắt, xua đuổi chúng. Tiếng lành đồn xa, Triều đình nhà Nguyễn từng ra chiếu, điều hàng trăm trai tráng ở Thủy Ba vào phía Tây kinh thành Huế để bắt cọp dữ.

Làng bắt cọp

Ở phòng truyền thống của UBND xã Vĩnh Thủy, nay vẫn còn lưu giữ một số vật dụng mà người dân trước kia sáng tạo nên để bắt cọp dữ. Ông Nguyễn Quang Chiến – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy cho biết, đây là minh chứng cho câu chuyện về sự oai hùng của mảnh đất và con người Thủy Ba năm xưa.

Dụng cụ có cán gỗ dài dân làng Thủy Ba dùng để bắt cọp. Ảnh: Hưng Thơ.
Dụng cụ có cán gỗ dài dân làng Thủy Ba dùng để bắt cọp. Ảnh: Hưng Thơ.

Ông Chiến cho hay, từ khi lớn lên, đã nghe người lớn kể câu chuyện người dân Thủy Ba sáng tạo ra nhiều cách săn bắt, xua đuổi cọp dữ. Khi lớn lên, và bây giờ đảm nhận vị trí chủ tịch xã, ông đã tiếp cận được một số tư liệu, là các bài viết kể lại câu chuyện bắt cọp nức tiếng ngày xưa.

Xưa, ở vùng Thủy Ba rừng rú rậm rạp, cây cỏ tốt tươi xen lẫn với các hồ nước sình lầy, thuận lợi cho các loài muông thú sinh sống. Người dân đến đây an cư lập nghiệp, đêm đến cọp dữ thường mò đến nhà bắt người tha vào rừng ăn thịt. Từ cuộc sống khốc liệt, phải thường xuyên chống chọi với các loại thú rừng hung dữ, nên người dân Thủy Ba đã sáng tạo ra nhiều cách săn bắt, xua đuổi chúng, đặc biệt là cách giăng ải bắt sống cọp.

Bàn chông để bẫy cọp dữ ở làng Thủy Ba. Ảnh: Hưng Thơ.
Bàn chông để bẫy cọp dữ ở làng Thủy Ba. Ảnh: Hưng Thơ.

Để bắt cọp, người dân vào rừng lấy vỏ cây sót về, làm sợi đan thành lưới. Mặt lưới rộng khoảng 20 phân. Triêng lưới được làm bằng song mây, mỗi tay lưới dài khoảng 8m, cao 3,5m. Việc bắt sống cọp đòi hỏi phải có lòng dũng cảm, sự thông minh sáng tạo, và tinh thần đoàn kết rất cao. Làng Thủy Ba cũ có ba thôn Đông, Tây, Hạ được tổ chức thành 20 toán bắt cọp còn gọi là xâu; trai tráng khỏe mạnh trong làng tuổi từ 18 đến 45 đều phải tham gia vào các xâu. Mỗi xâu có từ 2 đến 4 tay lưới, hai lưỡi mác và hai nạng có cán dài. Ngoài ra còn có 4 nữ thanh niên mạnh khỏe, tháo vát được cử đi theo các xâu để phục vụ hậu cần trong quá trình giăng ải.

Lưới bắt cọp được trưng bày. Ảnh: Hưng Thơ.
Lưới bắt cọp được trưng bày. Ảnh: Hưng Thơ.

Cứ thôn nào phát hiện có cọp về bắt người, súc vật thì phải cấp tốc báo ngay cho chức sắc trong làng. Sau ba hồi chiêng báo hiệu, các trưởng xâu được mời đến để bàn bạc kế hoạch, đồng thời cử người có kinh nghiệm lần theo dấu để xác định vị trí cọp nằm. Tiếp đó, ba hồi chuông báo lệnh và đồng la nổi lên, các xâu được tập hợp, mang theo đầy đủ lưới, mác, nạng tiến đến vùng cần bủa vây. Cây rừng được phát quang đến đâu, lưới bủa vây khép gọn lại đến đó. Khi tiến đến gần nơi cọp đang ẩn nấp, mọi người từ bốn phía ải đồng thanh hô to: Reo, reo, reo… khiến cọp hoảng hốt nhảy vọt ra khỏi nơi ẩn nấp. Lúc này, những người phụ trách dồn lưới thật nhanh khép kín cửa ải, vây cọp vào giữa.

Mặc cho ác thú vùng vẫy, lưới cứ tiếp tục ép sát, giáo mác dựng lên tua tủa ở vòng ngoài, dồn cọp vào một vùng đất nhỏ hẹp hơn. Một cái bẫy bằng gỗ dày kẹp vào nhau, phía ngoài có lưới bao bọc gọi là rọ kẹp được bố trí sẵn ở một phía ải. Cọp trong lúc cùng quẫn, cùng đường liền chui đầu vào bẫy và bị sập kín lại. Lúc này cọp được dồn sang một cái cũi nhỏ hơn.

Chứng tích oai hùng của dân làng Thủy Ba

Ông Nguyễn Quang Nga (86 tuổi, trú tại thôn Thủy Ba Tây, trước kia là làng Thủy Ba, xã Vĩnh Thủy) là cháu nội của ông Nguyễn Chẻng – đội phó đội bắt cọp của làng Thủy Ba. Trong câu chuyện mà ông Nga được nghe kể, thì không chỉ giăng ải bắt cọp để bảo vệ làng xóm của mình, người dân Thủy Ba còn sẵn sàng ra tay trừng trị cọp sát nhân ở những vùng quê khác.

Tết Nhâm Dần đến, người cao tuổi ở xã Vĩnh Thủy lại say sưa kể chuyện bắt cọp. Ảnh: Hưng Thơ.
Tết Nhâm Dần đến, người cao tuổi ở xã Vĩnh Thủy lại say sưa kể chuyện bắt cọp. Ảnh: Hưng Thơ.

Chuyện kể, vào một năm Nhâm Thìn, ở phường Thiên Thọ, phía Tây kinh thành Huế bỗng xuất hiện một con cọp sát nhân ngày đêm quấy phá, giết chết nhiều người cùng trâu, bò, lợn ở trong vùng. Trước tình cảnh đó, Triều đình nhà Nguyễn phải ra chiếu đưa 400 thanh niên trai tráng của Thủy Ba vào bắt cọp. Mọi người buộc phải đình hoãn việc làm ăn, cấy cày để ra đi. Chuyến đi này có bài vè để lại, lưu truyền ở làng Thủy Ba từ xưa tới nay: “Mùng sáu sắc lệnh vua ra/Tư tờ xuống phủ đòi Tổng Thủy Ba đi liền/Đòi vô mần ải Thừa Thiên/Giữ ma độc nước không yên những là...”.

Ông Nguyễn Quang Nga, cháu nội của đội phó đội bắt cọp làng Thủy Ba. Ảnh: Hưng Thơ.
Ông Nguyễn Quang Nga, cháu nội của đội phó đội bắt cọp làng Thủy Ba. Ảnh: Hưng Thơ.

Chuyến đi đem lại kết quả, chẳng bao lâu cọp sát nhân bị bắt sống. Triều đình nhà Nguyễn đã trọng thưởng tiền và phong sắc cho những người tiêu biểu trong làng. Ở chuyến bắt cọp này, ông nội của ông Nga được vua ban tặng ngân vàng.

Bước vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Thủy Ba trở thành căn cứ địa kháng chiến, là một trong những mục tiêu tập trung đánh phá, càn quét ác liệt. Vì vậy, hầu hết các lưới bắt cọp cùng với các phương tiện, vũ khí dùng để giăng ải đều bị địch đốt cháy, phá hỏng. Cọp dữ được dịp trở lại hoành hành uy hiếp cuộc sống và các hoạt động kháng chiến của ta.

Ông Nguyễn Quang Chiến – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy thông tin về câu chuyện làng Thủy Ba bắt cọp được ghi chép trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã. Ảnh: Hưng Thơ.
Ông Nguyễn Quang Chiến – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy (phải) thông tin về câu chuyện làng Thủy Ba bắt cọp được ghi chép trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã. Ảnh: Hưng Thơ.

Trong cuốn lịch sử Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thủy năm 1930 đến năm 1995, thì khoảng thời gian từ năm 1946 đến 1953, vùng Bình - Trị - Thiên đã có gần 120 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ bị cọp dữ giết hại. Trước tình hình ấy, cuối năm 1952, Ủy ban kháng chiến hành chính huyện đã hỗ trợ kinh phí để Thủy Ba mua sắm vũ khí và đan lưới diệt trừ cọp.

Nạn cọp dữ chấm dứt, nhưng tinh thần thượng võ, truyền thống bắt cọp của dân làng Thủy Ba đã trở thành huyền thoại đi vào sử sách và lưu truyền sâu rộng trong dân gian. Giờ đây, một mảnh của tấm lưới bắt cọp vẫn được lưu giữ trong bảo tàng truyền thống của xã - làm minh chứng cho những chứng tích oai hùng của mảnh đất và con người Thủy Ba năm xưa.

HÀN NGUYÊN
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội tạm dừng tổ chức các lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Phạm Đông |

Hà Nội - Thành phố quyết định tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.

Lạ mắt với linh vật “ông Hổ” đa sắc thái từ bonsai dừa đón Tết Nhâm Dần

Tạ Quang |

Bến Tre - Tết Nhâm Dần 2022, anh Lê Hồng Quân (sinh năm 1988, huyện Châu Thành) tất bật làm bonsai dừa tạo hình linh vật “ông Hổ” đa sắc thái, đa tư thế cùng các con giáp.

Làng nghề tất bật làm hổ vàng đón Tết Nhâm Dần

Anh Tú |

TPHCM - Những ngày qua, nhiều xưởng sản xuất heo đất phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An, Bình Dương) tăng cường sản xuất các sản phẩm hổ vàng, linh vật của năm nay, để phục vụ Tết Nhâm Dần.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Hà Nội tạm dừng tổ chức các lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Phạm Đông |

Hà Nội - Thành phố quyết định tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.

Lạ mắt với linh vật “ông Hổ” đa sắc thái từ bonsai dừa đón Tết Nhâm Dần

Tạ Quang |

Bến Tre - Tết Nhâm Dần 2022, anh Lê Hồng Quân (sinh năm 1988, huyện Châu Thành) tất bật làm bonsai dừa tạo hình linh vật “ông Hổ” đa sắc thái, đa tư thế cùng các con giáp.

Làng nghề tất bật làm hổ vàng đón Tết Nhâm Dần

Anh Tú |

TPHCM - Những ngày qua, nhiều xưởng sản xuất heo đất phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An, Bình Dương) tăng cường sản xuất các sản phẩm hổ vàng, linh vật của năm nay, để phục vụ Tết Nhâm Dần.