Ghi nhận trong sáng mùng 4 Tết, nhiều điểm đến tâm linh tại TP.Vũng Tàu rất đông khách hành hương.
Chẳng hạn tại Phổ Đà Sơn Quan Âm Bồ Tát tự, ngày 25.1, đón hàng ngàn khách hành hương viếng chùa thắp nhang, lễ Phật, trong đó đa phần là du khách đến từ địa phương khác, nhiều nhất là từ TPHCM.
Chị Trương Mỹ Hoa - một du khách viếng chùa Quan Âm cho biết, gia đình là người gốc Hoa đang sinh sống tại TPHCM. Hằng năm, mùng 4 Tết gia đình chị thường đi lễ chùa tại các địa phương khác kết hợp du xuân.
"Chúng tôi thường đến ngôi chùa này vì do người Hoa xây dựng. Đến viếng chùa để cầu bình an, may mắn trong cả năm", chị Hoa nói.
Ngôi chùa này cũng khá rộn ràng với tiếng trống lân vào ngày mùng 4 Tết.
Năm nay, một đoàn Lân Sư Rồng cùng các thành viên cũng đến lễ chùa. Sau khi lễ Phật, cả đoàn cùng trình diễn những màn múa lân, nhịp trống sôi động với mong ước may mắn đầu năm cho khách đang hành hương tại đây.
"Chúng tôi là đoàn Quần Nghĩa đến từ quận 5 - TPHCM. Hôm nay toàn bộ thành viên đoàn đã khởi hành từ sáng sớm đến viếng chùa, và đã chuẩn bị những tiết mục phù hợp, những điệu múa sôi động mang ý nghĩa bình an trình diễn phục vụ tại chùa", một thành viên đoàn cho biết.
Những cảnh chùa khác cũng khá đông khách hành hương như Thích Ca Phật Đài, chùa Từ Quang... Nhưng đông nhất vẫn là miếu Hòn Bà, thờ bà Ngũ Hành trên hòn đảo cách bờ hơn 220m.
Tại khu vực này, khi thủy triều chưa rút hẳn đã có nhiều người băng qua bãi đá để lên đảo cầu bình an. Thủy triều càng rút, số người lên đảo càng đông. Đường chính dẫn xuống biển khá đông nên nhiều người men theo những lối mòn khá cheo leo để nhanh chóng xuống bãi biển.
Theo ông Minh - một người dân ở khu vực này cho biết, từ mùng 1 Tết đã có rất đông người đến viếng miếu Hòn Bà. Nhưng hôm nay mùng 4 khách đông hơn những ngày trước, ước tính sẽ có hàng chục ngàn người viếng miếu cầu bình an.
"Khi thủy triều rút thì dòng người đến viếng miếu cứ nườm nượp, người này vào người khác lại ra, cho đến khi thủy triều lên mới ngừng", ông Minh nói.
Đối với nhiều người Việt Nam, hành hương đầu năm là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh.
Người dân đến chùa không chỉ để cầu mong sức khỏe, hạnh phúc, làm ăn phát tài, phát lộc... mà đó còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một nét đẹp mà dân gian đã gìn giữ và lưu truyền trong suốt hàng ngàn năm.