Ở Việt Nam đêm cực đỉnh của trận mưa sao băng đã diễn ra vào tối 4.1, rạng sáng 5.1. Mưa sao băng lần này được gọi là Quadratids là một trận mưa sao băng trên mức trung bình, đạt đến 40 vệt sao băng mỗi giờ tại cực điểm. Các nhà khoa học cho rằng trận mưa sao băng này được tạo ra từ các hạt bụi còn sót lại của một ngôi sao chổi đã không còn tồn tại mang tên 2003 EH1, phát hiện vào năm 2003.
Mưa sao băng Quadrantids thường xuất hiện từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 1 hằng năm. Cực điểm của năm nay vào đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5 tháng 1. Trăng bán nguyệt đầu tháng sẽ lặn ngay sau nửa đêm, để lại một bầu trời tối rất thuận lợi cho việc quan sát. Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại một địa điểm tối. Sao băng có xu hướng phát ra từ phía chòm sao Bootes (Mục Phu), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu trên bầu trời.
Mặc dù mưa sao băng đầu tiên của thập kỷ kéo dài đến ngày 10.1, nhưng số lượng sao băng lớn nhất sẽ xuất hiện chỉ trong vài giờ trong thời gian cực đại này. Điều đó phân biệt Quadrantids với các trận mưa sao băng khác như Geminids và Perseids, đạt cực đại trong vài ngày.
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động về mức độ của đợt mưa sao băng rạng sáng nay, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học Trẻ Việt Nam (VACA) cho hay: Cho đến 23 - 0h đêm qua, Hà Nội vẫn ngập trong mây mù. Rạng sáng nay tình hình thời tiết vẫn không biến chuyển, nhiều nơi lất phất mưa phùn. Vì thế ở Hà Nội không quan sát được hiện tượng mưa sao băng Quadrantids.
"Đợt mưa sao băng lần này ở mức trên trung bình tương đối lớn thôi. Trận mưa sao băng lớn nhất sẽ diễn ra vào tháng 8 và tháng 12" - ông Sơn nhận định.
Theo ông Tuấn Sơn, mưa sao băng xuất hiện khá phổ biến. Mỗi năm có khoảng hơn 10 trận mưa sao băng diễn ra theo định kì, có thể dự đoán trước được. Mưa sao băng tập trung nhiều vào nửa cuối năm. Trận mưa sao băng lớn gần nhất là Geminids tháng 12. 2019.
"Để quan sát mưa sao băng chọn những nơi thời tiết không có mây mù. Vị trí quan sát có góc nhìn rộng, vùng bầu trời lớn, ít ô nhiễm, ít ánh đèn. Hạn chế ánh đèn thành phố chiếu vào mắt để có thể ngắm sao băng rõ nhất" - ông Sơn nói.
Ngày 22-23.4.2020 – Mưa sao băng Lyrids
Lyrids là một mưa sao băng trung bình, thường đạt khoảng 20 sao băng một giờ tại cực điểm. Trận mưa sao băng này hình thành từ các hạt bụi còn sót lại của sao chổi C/1861 G1 Thatcher, được phát hiện năm 1861. Mưa sao băng Lyrids thường xuất hiện từ ngày 16 đến ngày 25 tháng 4 hàng năm.
Cực điểm năm nay diễn ra vào đêm ngày 22, rạng sáng ngày 23. Đôi khi có những vệt sao băng sáng có đuôi dài xuất hiện trong vài giây ở trận mưa sao băng này. Mặt Trăng đang gần ở pha trăng mới sẽ đảm bảo một bầu trời tối, rất tuyệt vời để quan sát mưa sao băng. Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại một địa điểm tối. Sao băng có xu hướng tỏa ra từ phía chòm sao Lyra (Thiên Cầm), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu trên bầu trời.