Mưa lũ tàn phá nhiều tuyến đường ở miền Trung: Dồn nguồn lực mở đường cứu nạn, an dân

NHÓM PV |

Đợt mưa lũ ở miền Trung vừa qua gây thiệt hại rất lớn cho hệ thống giao thông tại các địa phương. Nhiều tuyến đường bị ngập, sạt lở, hư hỏng nặng nề, ách tắc nhiều ngày liền. Hiện các địa phương đang nỗ lực cao nhất để khắc phục. Tuy nhiên, để khắc phục căn cơ các thiệt hại giao thông sẽ là gánh nặng ngân sách đối với các địa phương.

Giao thông hư hỏng nghiêm trọng sau mưa lũ

Sau đợt mưa lũ dữ dội, hệ thống giao thông của Quảng Bình thiệt hại rất lớn. Nhiều tuyến giao thông trên địa bàn bị sạt lở nghiêm trọng, các phương tiện không thể đi lại.

Cụ thể như Quốc lộ 12A, đoạn km137+100 toàn bộ nền đường bị đứt gãy, sụt lún, lực lượng chức năng đã cắm biển phong tỏa không để người dân, phương tiện giao thông đi qua. Một số tuyến tỉnh lộ bị sạt lở, phương tiện giao thông không thể qua lại như ở Km34+00, Km41+064 Quốc lộ 9C; Km28+900 Quốc lộ 9E; Km55+00-Km60+00 và Km71-Km83+00 Quốc lộ 9B... Tuyến đường độc đạo vào xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh nhiều điểm sạt lở làm mất nền đường, phương tiện giao thông cũng không thể qua lại. Đường sắt và đường bộ Bắc Nam qua Quảng Bình đều bị tắc nghẽn do ngập nước. Mưa lũ đã khiến nhiều tuyến đường giao thông tỉnh Quảng Trị bị hư hỏng nghiêm trọng.

Ông Trần Hữu Hùng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết, các tuyến quốc lộ 15D, Quốc lộ 9D, 49C, QL tại tỉnh Quảng Trị bị ngập, hư hỏng nhiều điểm, trong đó hơn 5.327m3 bêtông, nhựa đường bị sạt lở, cuốn trôi; tuyến đường tỉnh ĐT.588a, ĐT.586, ĐT.587, ĐT.582, ĐT.584, ĐT.578B bị ngập, hư hỏng cục bộ nhiều điểm; hơn 80km đường huyện và hệ thống giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng, 1.042km bị ngập, trong đó có rất nhiều điểm bị ngập sâu, chia cắt cục bộ không đi lại được… Đặc biệt, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn từ xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đi xã Hướng Việt và Hướng Lập (huyện Hướng Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng, khiến cả 2 xã này bị cô lập.

“Một số lượng đất đá khủng khiếp đã đổ sụp xuống đoạn đường này, có nơi thì bị nước lũ cuốn trôi. Hiện chưa biết bao giờ mới có thể khắc phục để lưu thông trở lại” - ông Đặng Trọng Vân - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cho biết.

Tại Hà Tĩnh, sau nhiều ngày ngập sâu, đến nay các vị trí quốc lộ 1a đi qua tỉnh đều đã thông xe. Tuy nhiên hệ thống giao thông bị thiệt hại khá nặng nề. Đặc biệt, quốc lộ 12A đoạn từ ngã ba Khe Ve đến Cha Lo bị nứt dọc nền đường, mặt đường bị trôi lún, sụt trượt mái ta luy âm. Toàn bộ nền đường lún sụt, đứt đường hoàn toàn với chiều dài khoảng 300 trông như thảm họa động đất trên phim ảnh.

Ông Lương Phan Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết, hiện một số điểm có sạt lở đang được xử lý, như tình trạng lở núi bên tỉnh lộ 551 đoạn đi qua xã Kỳ Phong gây cản trở giao thông đã được khắc phục. Hiện các vị trí trên địa bàn Hà Tĩnh đều có thể lưu thông, tuy nhiên, ngành giao thông vẫn còn tập trung khắc phục hậu quả. Hiện đường vào xã Hương Liên (Hương Khê) đang bị cấm để khắc phục sau, vì đây không phải là đường độc đạo.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, thống kê sơ bộ, đợt mưa lũ lớn đã gây thiệt hại nặng nề về giao thông, đường tỉnh 11A đoạn qua thị xã Hương Trà bị bong bật nghiêm trọng mặt đường gần 6.000m2; đường tỉnh 20 hư hỏng, làm xói lở mố cầu Hồng Bắc và cầu Hồng Thái, nhiều cầu khác xói lở mái taluy gia cố; tuyến đường tỉnh 21 sát biển hư hỏng hoàn toàn 100m do biển xâm thực; nhiều tuyến đường khác như đường tỉnh 11B, 14B , 16 tuyến nhánh N1… bị đất đá vùi lấp với khối lượng gần 1.000m3.

Cần nguồn lực lớn để khắc phục

Theo ông Lương Phan Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh, việc khôi phục hệ thống giao thông sau thiên tai có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm cứu hộ, hỗ trợ người dân bị thiệt hại, lưu thông hàng hóa, phương tiện, nhanh chóng ổn định sản xuất và cuộc sống, nên cần được ưu tiên tập trung thực hiện.

Ngay trong mưa lũ, ngành giao thông Hà Tĩnh đã huy động lực lượng cảnh báo, bảo vệ và tiến hành khắc phục ngay các vị trí sạt lở. Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên khắc phục được các sự cố, thông tuyến giao thông đến các địa bàn. Đến nay do Quốc lộ 12A đi cửa khẩu Cha Lo bị ách tắc, các phương tiện dồn về quốc lộ 8A, nên Hà Tĩnh tập trung lực lượng để hỗ trợ, phòng ách tắc.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, công tác cấp bách nhất hiện nay là khắc phục thiệt hại giao thông, cứu trợ người dân vùng bị ngập lụt; Ngành GTVT và ngành điện cần phối hợp với các đơn vị liên quan để khắc phục thiệt hại, cấp điện trở lại cho vùng ngập lụt và sửa chữa, thông các tuyến đường đang bị hư hỏng để người dân sớm ổn định cuộc sống. Trước mắt tỉnh đang tập trung ổn định đời sống người dân. Sau khi có thống kê thiệt hại cụ thể, tỉnh sẽ có phương án khắc phục các thiệt hại về giao thông.

Quảng Bình, ngày 20.10, trước tình hình nhiều đoạn đường bị sạt trượt, hư hỏng nghiêm trọng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu ngành Giao thông vận tải phối hợp với chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo để khắc phục các tuyến đường giao thông bị hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường tỉnh lộ.

Sở GTVT Quảng Bình và các đơn vị liên quan thống nhất phương án sẽ hạ tải khối đất bị sạt trượt và gia cố nền đường bằng rọ đá để không tiếp tục trượt khối đất đá từ trên núi, lên phương án lập đường tạm chạy bám theo đường Quốc lộ 12 cũ để thông xe. Dự kiến sẽ hạ cao độ để mở đường, bằng mọi biện pháp sẽ triển khai nhanh nhất có thể để thông tuyến nối cửa khẩu Quốc tế Cha Lo vào nội địa Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Tại Thừa Thiên-Huế, tuyến đường 71, đoạn từ Thủy điện Rào Trăng 4 đến Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền) xuất hiện một tảng đá lớn trên 30m3 áng ngự. Các lực lượng chức năng đang lên phương án nổ mìn để phá tảng đá này, thông tuyến đến Thủy điện Rào Trăng 3. Vào đêm 21.10, lực lượng công binh Quân khu 4 được điều động để đến đường 71 thực hiện phá đá mở đường; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong ngày 22.10.

Ngoài ra, 3km đường từ Thủy điện Rào Trăng 4 lên Thủy điện Rào Trăng 3 chưa thông được do có hai điểm sạt lở lớn, phần đường bị trôi bên cạnh sườn núi cao. Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ cử thêm chuyên gia để khảo sát đoạn sạt lở nghiêm trọng này để lên phương án xử lý. Hiện các lực lượng chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công, trọng tâm là thông đường 71 lên Thủy điện Rào Trăng 3 để sớm đưa phương tiện, lực lượng đến phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ tại đây.

Cũng theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, do thiệt hại nặng nề như vậy nên việc khắc phục hậu quả cần tiến hành trong thời gian rất dài và cần nguồn lực để thực hiện rất lớn, vượt ngoài khả năng cân đối của địa phương; hơn nữa, năm 2020, thu ngân sách địa phương hụt lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, tỉnh đã thực hiện cắt giảm chi tiêu, sử dụng nguồn vốn dự phòng, huy động để phòng chống dịch COVID-19 dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn để thực hiện khắc phục những thiệt hại do bão lũ gây ra.

Vì vậy, UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban ngành trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh khắc phục những thiệt hại sau bão lũ, trong đó đặc biệt là những thiệt hại về giao thông.

Mưa lũ khiến ngành đường sắt thiệt hại nặng nề

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - ông Vũ Anh Minh, các đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 7.2020 đến 9.10.2020, khiến một số vị trí kết cấu hạ tầng đường sắt đã bị hư hỏng, đặc biệt có những vị trí phải phong tỏa dừng tàu để khắc phục hậu quả và thiệt hại ước tính hàng chục tỉ đồng. Tính đến ngày 19.10.2020, hạ tầng đường sắt đã có hơn 30 điểm, vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh bị xói trôi nền đá, sạt lở taluy, đất đá trên núi cao tràn xuống đường sắt và nhiều điểm nước dâng cao ngập trên đỉnh ray từ 150-800mm gây mất an toàn chạy tàu, phải dừng chạy tàu, phong tỏa khu gian để khắc phục, giải phóng trở ngại hoặc chờ nước rút để kiểm tra, sửa chữa và trả đường tốc độ chậm 5km/giờ.

Về sản xuất vận tải, tổng thiệt hại do giảm doanh thu và chi phí phát sinh là 26,9 tỉ đồng, trong đó vận tải hành khách thiệt hại khoảng 16,2 tỉ đồng và vận tải hàng hóa khoảng 10,7 tỉ đồng.

Cụ thể, với vận tải khách, số chuyến tàu khách ngừng chạy và phải rút ngắn hành trình, chuyển tải hành khách 72 chuyến, doanh thu giảm khoảng 9,6 tỉ đồng; chi phí phát sinh do chuyển tải, suất ăn miễn phí cho hành khách và chi phí phát sinh khác do tàu nằm chờ đường hơn 4 tỉ đồng; số vé trả lại 12.158 vé; tiền vé trả lại 6,2 tỉ đồng. Số chuyến tàu hàng ngừng chạy 63 chuyến, doanh thu giảm khoảng 10,1 tỉ đồng; chi phí phát sinh do chuyển tải hơn 0,6 tỉ đồng. Đ.T

Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng Vàng Lao Động phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 triển khai chương trình “Triệu vòng tay hướng về đồng bào vùng lũ”.

Chương trình nhằm tuyên truyền, kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân người Việt Nam trong và ngoài nước quyên góp kinh phí đến các gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra; đặc biệt là với NLĐ bị ảnh hưởng kép mưa lũ và dịch COVID-19.

Chương trình tiếp nhận tin nhắn ủng hộ từ ngày 1.9.2020 đến hết ngày 30.10.2020 với cú pháp: BL gửi 1407. Mỗi tin nhắn, bạn đã đóng góp 20.000 đồng cho các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào vùng lũ.

Hoặc chuyển khoản về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng, STK: 113000000758 tại Vietinbank - chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội; ủng hộ miễn phí qua tài khoản trực tuyến tại VietinBank, STK: 129000015204; ủng hộ miễn phí tại Vietcombank - chi nhánh Hà Nội, STK: 0021000303088. Ủng hộ miễn phí tại BIDV - chi nhánh Hoàn Kiếm, STK: 12410001122556

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Mưa lũ tại Quảng Bình: Số người chết tăng lên 9 người, 88 người bị thương

LÊ PHI LONG |

Chiều tối 22.10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, thống kê mới nhất cho thấy đã có 9 người chết, 88 người bị thương do mưa lũ những ngày qua.

Quảng Trị: 58 người chết và mất tích, thiệt hại trên 2.000 tỉ đồng vì mưa lũ

HƯNG THƠ |

Từ ngày 6 đến ngày 22.10, Quảng Trị có mưa với cường suất lớn trên diện rộng khiến lũ trên các sông lên rất nhanh, gây ngập lụt sâu, xuất hiện đỉnh lũ vượt lũ lịch sử trên lưu vực sông Hiếu năm 1983 và sông Bến Hải năm 2005.

Mưa lũ miền Trung kéo dài, dự trữ những loại thuốc gì phòng bệnh hiệu quả?

NHóm PV |

Mưa lũ dự báo sẽ kéo dài ở miền Trung. Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Dự báo thời tiết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng nhận định ít có khả năng xuất hiện thời tiết cực đoan trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Mưa lũ tại Quảng Bình: Số người chết tăng lên 9 người, 88 người bị thương

LÊ PHI LONG |

Chiều tối 22.10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, thống kê mới nhất cho thấy đã có 9 người chết, 88 người bị thương do mưa lũ những ngày qua.

Quảng Trị: 58 người chết và mất tích, thiệt hại trên 2.000 tỉ đồng vì mưa lũ

HƯNG THƠ |

Từ ngày 6 đến ngày 22.10, Quảng Trị có mưa với cường suất lớn trên diện rộng khiến lũ trên các sông lên rất nhanh, gây ngập lụt sâu, xuất hiện đỉnh lũ vượt lũ lịch sử trên lưu vực sông Hiếu năm 1983 và sông Bến Hải năm 2005.

Mưa lũ miền Trung kéo dài, dự trữ những loại thuốc gì phòng bệnh hiệu quả?

NHóm PV |

Mưa lũ dự báo sẽ kéo dài ở miền Trung. Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.